Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, năm 2020 rất nhiều năng lượng tích cực được báo chí khơi dậy, lan tỏa. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Phó Thủ tướng cho biết, năm 2020, toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đã cùng nhau, cùng với Chính phủ đưa đất nước vượt qua rất nhiều khó khăn thử thách, đạt được các kết quả toàn diện. Cộng đồng quốc tế nhìn nhận Việt Nam là một điểm sáng trong phòng chống dịch COVID-19, cũng như phát triển kinh tế. Kết quả đó có sự đóng góp vô cùng quan trọng, không thể thiếu của lực lượng làm công tác truyền thông, trực tiếp nhất là các cơ quan báo chí.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời cảm ơn đến Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, tất cả các cơ quan báo chí và báo giới cả nước đã luôn đồng hành, giúp Chính phủ hoàn thành được nhiệm vụ của mình trong điều kiện đặc biệt khó khăn của năm 2020.
Báo chí là lực lượng xung kích trong phòng chống dịch
Phó Thủ tướng cho rằng, thành công của Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, trước hết do chúng ta đã có một hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước, sự tham gia các đoàn thể của toàn xã hội, từ cấp cao nhất là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, xuống đến chi bộ, tổ dân phố. Ngoài lực lượng y tế, chúng ta có lực lượng quân đội, công an nhân dân hết sức đặc biệt, đúng nghĩa là lực lượng vũ trang nhân dân. Đặc biệt, chúng ta đã có sự đồng thuận của nhân dân đối với chủ trương đường lối của Đảng, sự xung kích đi đầu của lực lượng trực tiếp chống dịch. Chúng ta có phương thức tổ chức công tác truyền thông, cả trực tiếp, truyền thống, cũng như qua mạng internet, mạng xã hội… để tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, được quốc tế ghi nhận.
Báo chí cũng là một lực lượng xung kích trong phòng chống dịch. Không ít nhà báo, phóng viên trực tiếp đi sâu vào vùng có dịch, thậm chí tiếp xúc với người nhiễm bệnh, nguồn lây để đưa thông tin chính xác, kịp thời.
Không chỉ chúng ta giữ được thành quả chống dịch, mà năm 2020 rất nhiều năng lượng tích cực được báo chí khơi dậy, lan tỏa và làm mọi người Việt Nam thấy yêu nước hơn, tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước. Vị thế, uy tín của đất nước trong con mắt của cộng đồng quốc tế được nâng lên rất nhiều.
Đơn cử như ngày 7/12, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết lấy ngày 27/12 hằng năm là Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh theo sáng kiến của Việt Nam và đã được rất nhiều nước ủng hộ đồng sáng kiến. Hay nhiều sự việc, sự kiện ở Việt Nam trong năm 2020 đã chiếm sóng trên nhiều hãng truyền thông lớn trên thế giới.
Có được điều đó, theo Phó Thủ tướng, là nhờ những giá trị đích thực của xã hội Việt Nam, của người dân, sáng tạo của giới văn nghệ sĩ và không thể thiếu sự đóng góp hết sức chuyên nghiệp của đội ngũ các nhà báo.
Ảnh: VGP/Đình Nam |
Phải có cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho báo chí
Năm 2020, báo chí tiếp tục đồng hành, giúp Chính phủ thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình, từ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tham gia phòng, chống tham nhũng, thúc đẩy các vấn đề xã hội, tiến tới phát triển bền vững… Báo chí vừa phản ánh, phổ biến chủ trương, chính sách để tạo sự đồng thuận, vừa là một kênh tư vấn, phản biện, góp ý.
“Ngay ngày hôm qua (30/12), tôi nhận được thông tin trên Báo Tuổi Trẻ TPHCM phản ánh các loại nông sản gừng, tỏi, hành đều phải kiểm tra vì 1 thông tư của Bộ Y tế coi đấy là dược liệu. Tôi đã yêu cầu Văn phòng Chính phủ có ngay văn bản đề nghị Bộ Y tế, Tổng cục Hải quan tháo gỡ ngay cho doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nêu ví dụ.
Báo chí còn có vai trò rất quan trọng trong nhìn nhận, đánh giá, phân tích sâu về những bất cập của các chủ trương chính sách đang được thực thi và đưa ra kiến nghị cụ thể. Đơn cử, những các cơ quan báo chí đã góp phần thúc đẩy việc bãi bỏ quy định cần có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với giáo viên.
Theo Phó Thủ tướng, trong quá trình đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, phản động và tuyên truyền về Đại hội Đảng các cấp, báo chí cũng đã phản ánh nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030) và dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025). Trong đó có rất nhiều điểm mới, tích cực liên quan đến văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, vốn là những vấn đề nền tảng và thường các nước đang phát triển không chú ý lắm trong thời gian đầu bị sức ép về tăng trưởng kinh tế.
Chia sẻ khó khăn với báo giới trước sự cạnh tranh thông tin trên mạng internet, mạng xã hội, doanh thu quảng cáo, Phó Thủ tướng cho rằng, việc thực hiện tự chủ của các cơ quan báo chí nhất thiết phải đi kèm cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ và kèm theo điều kiện thực hiện.
“Chúng ta đã cơ bản thực hiện tốt quy hoạch báo chí, tới đây khi sơ kết 2 năm thực hiện quy hoạch, 5 năm thực hiện Luật Báo chí, cần rà soát, đánh giá lại và có những kiến nghị điều chỉnh cần thiết, vì mục đích cuối cùng là làm cho báo chí của Việt Nam phát triển mạnh mẽ”, Phó Thủ tướng nói và mong muốn trước sức ép của mạng xã hội, mạng iternet, truyền hình trả tiền và các dịch vụ xuyên biên giới, báo chí cần tận dụng tất cả thế mạnh của công nghệ mới, sáng tạo ra những giải pháp, có sự hỗ trợ của các bộ ngành để phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Cho biết Chính phủ luôn ghi nhận tất cả các ý kiến góp ý, phản biện được phản ánh qua báo chí, Phó Thủ tướng đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương để mở thêm các kênh phát động, tiếp nhận và nâng cao chất lượng góp ý, phản biện, xây dựng chính sách, huy động sức mạnh toàn dân cùng nhau xây dựng một Chính phủ hiệu lực, hiệu quả và phục vụ nhân dân tốt hơn.