Phát triển Xanh

Nhiều giải pháp hỗ trợ chuyển đổi xanh từ Tập đoàn BASF

Hà Duyên 21/10/2024 - 16:32

Tại Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh (GEFE) 2024, Tập đoàn công nghệ hóa học BASF giới thiệu nhiều giải pháp tiên tiến nhằm hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi xanh.

gefe_2-1-.jpg
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham quan và trao đổi với lãnh đạo BASF tại GEFE 2024

Cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững

Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh (GEFE) 2024 do Bộ Công Thương và Hiệp hội Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức tại TP.HCM từ ngày 21 - 23/10. GEFE 2024 nhấn mạnh, chuyển đổi xanh là con đường kiến tạo tương lai của doanh nghiệp Việt Nam, bởi vì thị trường châu Âu nói riêng và các thị trường quốc tế khác ngày càng khắt khe hơn trong các tiêu chuẩn xanh và bền vững.

Tham dự GEFE, ông Erick Contreras, đồng Chủ tịch Tiểu ban Tăng trưởng xanh EuroCham và Tổng Giám đốc BASF Việt Nam cho biết, với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, BASF đã tích hợp bền vững vào chiến lược phát triển tập đoàn. Theo đó, công ty tập trung vào 3 sáng kiến chính là năng lượng bền vững, giảm thiểu carbon và kinh tế tuần hoàn.

Với mục tiêu năng lượng bền vững, BASF đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Năm 2022, năng lượng tái tạo chiếm 16% nhu cầu năng lượng toàn cầu của BASF. Doanh nghiệp đặt mục tiêu năng lượng tái tạo sẽ vượt mức 60% vào năm 2030.

Song song đó, để giảm phát thải carbon, BASF đang tích cực phát triển các quy trình sản xuất ít phát thải và không phát thải, tập trung vào các hóa chất quan trọng như hydro và methanol. Bằng cách điện khí hóa các quy trình này, BASF hướng tới việc giảm phát thải khí nhà kính một cách đáng kể. Thông qua nghiên cứu của mình, công ty đang khám phá các phương pháp sáng tạo để sản xuất các hóa chất thiết yếu với tác động carbon tối thiểu, mang lại sự cải tiến quan trọng cho hoạt động của cả BASF và khách hàng.

Với lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, các sáng kiến về tính tuần hoàn của BASF tập trung vào tái chế và hiệu quả sử dụng tài nguyên. Công ty đặt mục tiêu tạo ra doanh thu 10 tỷ euro từ các giải pháp kinh tế tuần hoàn vào năm 2030, bao gồm các sản phẩm được làm từ nguyên liệu tái tạo hoặc tái chế. Các sáng kiến như tái chế hóa học từ rác thải nhựa và phát triển các nguyên liệu thô mới từ rác thải thể hiện cam kết của BASF trong việc khép kín vòng tuần hoàn nguyên liệu và kéo dài tuổi thọ của tài nguyên.

gefe_5.jpg
Gian hàng của các doanh nghiệp Đức tại GEFE 2024

Hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu bền vững

Cùng với lộ trình phát triển bền vững của công ty, tại sự kiện GEFE 2024, BASF cũng giới thiệu hàng loạt giải pháp nhằm hỗ trợ Việt Nam phát triển theo hướng bền vững. Các sáng kiến này tập trung vào việc thúc đẩy tuần hoàn nhựa, cải thiện nông nghiệp bền vững và hỗ trợ nhiều ngành công nghiệp khác.

Theo đó, một trong những giải pháp nổi bật là công nghệ tái chế cơ học giúp giảm thiểu rác thải nhựa. Thiết bị TrinamiX Mobile NIR Spectrometer cho phép phân loại nhựa chính xác ngay tại chỗ, giúp tối ưu hóa quy trình tái chế. Bộ sản phẩm Gardobond và các phụ gia bền vững Valeras cũng hỗ trợ nâng cao chất lượng vật liệu tái chế, giảm thiểu tác động môi trường.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, BASF cam kết hỗ trợ Việt Nam bằng cách cung cấp các sản phẩm và công nghệ nhằm nâng cao năng suất canh tác và bảo vệ môi trường. Điển hình như, thuốc trừ cỏ Basta giúp kiểm soát cỏ dại hiệu quả mà không tồn dư trong đất. Các giải pháp cho thức ăn chăn nuôi như Vitamin A và Natuphos E giúp giảm dấu chân carbon. Việc phát triển nông nghiệp bền vững không chỉ đáp ứng nhu cầu nội tại của Việt Nam mà còn giúp đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao từ thị trường quốc tế. Các tiêu chuẩn về an toàn, sức khỏe và môi trường đang trở thành tiêu chí quyết định cho việc xuất khẩu nông sản vào những thị trường khó tính như châu Âu và Mỹ. Việc áp dụng các giải pháp của BASF, với công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường, sẽ giúp nông sản Việt Nam không chỉ đảm bảo về mặt chất lượng mà còn gia tăng sức cạnh tranh trên trường quốc tế.

Cùng với đó, BASF cũng đóng góp vào ngành dệt may với giải pháp Loopamid được làm hoàn toàn từ chất thải dệt, giúp giảm thiểu ô nhiễm và thúc đẩy thời trang bền vững. Bên cạnh đó, các công nghệ tiên tiến của BASF như Elastopir và các loại nhựa bền vững Ultramid hỗ trợ các ngành xây dựng và ô tô giảm tác động môi trường, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng xanh của Việt Nam.

Sự tham gia của BASF tại GEFE 2024 là minh chứng cho cam kết của công ty đối với sự bền vững trong nhiều ngành công nghiệp. Thông qua các giải pháp và sáng kiến đột phá, BASF đang giúp khách hàng của mình đạt được các mục tiêu bền vững qua các giải pháp liên quan tới năng lượng tái tạo, giảm thiểu carbon hay các giải pháp kinh tế tuần hoàn. Khi Việt Nam tiến tới một tương lai xanh hơn, cách tiếp cận bền vững của BASF được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các mục tiêu về môi trường của quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều giải pháp hỗ trợ chuyển đổi xanh từ Tập đoàn BASF
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO