Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam vừa có văn bản gửi tới UBND tỉnh Hà Nam, UBND tỉnh Hưng Yên về việc khai thác cát tại khu vực sông Hồng, thuộc địa bàn hai tỉnh. Công văn nêu rõ diễn biến khai thác cát phức tạp và đề nghị chính quyền địa phương vào cuộc gắt gao hơn.
Sông Hồng đoạn qua địa bàn tỉnh Hà Nam và tỉnh Hưng Yên có chiều dài khoảng 150km, là tuyến đường thủy nội địa quốc gia được Bộ GTVT giao cho Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam thực hiện công tác quản lý nhà nước về giao thông đường thuỷ nội địa.
Theo báo cáo của Chi cục Đường thuỷ nội địa phía Bắc, thời gian qua tình hình khai thác cát tại mỏ cát trên các đoạn tuyến từ Km98+900 đến Km 102+000 (địa bàn tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hà Nam) sông Hồng diễn ra rất phức tạp.
Chi cục này dẫn chứng, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có các mỏ cát của Công ty Cổ phần Đầu tư Việt Linh; mỏ cát của Công ty TNHH Đồng Phát được UBND tỉnh Hà Nam cấp phép.
Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có các mỏ cát của Công ty cổ phần Đầu tư Công nghệ Phúc An; mỏ cát của Công ty cổ phần Phú Gia Hà Nam được UBND tỉnh Hưng Yên cấp phép. Riêng mỏ cát của Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Sông Hồng được UBND tỉnh Hưng Yên cấp phép đã có văn bản yêu cầu tạm dừng khai thác.
Qua kiểm tra, xác minh thấy các chủ phương tiện khai thác mỏ cát đã đưa các phương tiện khai thác ra ngoài phạm vi các mỏ được cấp phép, kể cả trong phạm vi vùng nước thi công cầu Hưng Hà khi không có lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường, gây mất trật tự an toàn giao thông đường thuỷ; ô nhiễm môi trường; ảnh hưởng đến ổn định bờ và lòng sông, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân 2 bên sông.
Để thực hiện tốt công tác quản lý về lĩnh vực giao thông đường thuỷ trên địa bàn, Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam đề nghị UBND các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh: Tổ chức kiểm tra, có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các chủ phương tiện khai thác cát ngoài phạm vi được phép trên các đoạn từ Km98+900-Km139+000-Km141+000 sông Hồng, thuộc địa bàn tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hà Nam để đảm bảo ổn định luồng, tuyến và đảm bảo an toàn giao thông đường thuỷ nội địa.
Đồng thời, phối hợp với các đơn vị của Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi khai thác cát sỏi không phép; chống lấn, chiếm hành lang bảo vệ luồng cũng như kết cấu hạ tầng giao thông khác nhằm tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa.
Đặc biệt, cần kiểm tra, rà soát các mỏ khoáng sản đã được cấp phép, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện tuân thủ các quy định về hoạt động khai thác khoáng sản hiện hành, trường hợp có vi phạm thì cần thu hồi giấy phép và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đồng thời thực hiện nghiêm chỉnh công tác tham vấn ý kiến trước khi phê duyệt dự án và thi công công trình theo quy định của Bộ GTVT quy định về quản lý đường thuỷ nội địa.