Tại các địa phương, mỗi địa phương giao cho một Sở, ngành khác nhau dẫn đến thiếu thống nhất. Đơn cử như đã có giai đoạn tại Hà Nội, việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở các quận giao cho Sở Xây dựng, các huyện giao cho Sở TN&MT… Tại Hải Phòng, đối với quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị thì được giao cho Sở Xây dựng; Sở NN&PTNT quản lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn; Sở TN&MT quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại. Đến nay. UBND thành phố vẫn chưa giao cho cơ quan cụ thể có trách nhiệm là đầu mối thống nhất mà chỉ giao cho Sở TN&MT chủ trì tổng kết, đánh giá, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế 05/KH-UBND về việc quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050 trên địa bàn thành phố.
Cần chế tài mạnh xử lý chất thải rắn |
Để đảm bảo tính thống nhất về trách nhiệm quản lý CTR từ cấp Trung ương đến địa phương, nhiều ý kiến đề nghị Chính Phủ sửa đổi Nghị định 24/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó chuyển chức năng của Sở Xây dựng về “quản lý chất thải rắn thông thường tại đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, sơ sở sản xuất vật liệu xây dựng về Sở TN&MT, đảm bảo tính thống nhất xuyên suốt từ trung ương đến địa phương”.
Về nguyên lý quản lý CTR theo quy trình quản lý hiện nay của các nước trên thế giới đều đang hướng tới việc quản lý tổng hợp CTR theo chu trình hoàn chỉnh. Phòng ngừa, giảm thiểu, phân loại, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải; xây dựng chính sách, tổ chức thực hiện, thanh tra, kiểm tra, đào tạo, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng; chỉ đạo thực hiện thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Do vậy, quản lý CTR sinh hoạt như quy định hiện nay như đã nêu ở trên là giao từng phân đoạn quản lý cho các Bộ, ngành, địa phương là không phù hợp và khó thực hiện.
Hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại các đô thị được thực hiện khá chuyên nghiệp và hoàn chỉnh. Dịch vụ được cung cấp chủ yếu bởi các công ty dịch vụ công ích (Công ty Môi trường đô thị (URENCO) và Công ty công trình đô thị (CITENCO)) và một phần do các doanh nghiệp tư nhân thực hiện với tỷ lệ ngày càng cao. Ví dụ: Tại TP. Hồ Chí Minh, 50% lượng CTRSH đô thị được thu gom bởi các công ty tư nhân hoặc các hợp tác xã, tổ đội; tại TP. Hà Nội, tỷ lệ này khoảng 20%, do các công ty tư nhân, hợp tác xã, tổ vệ sinh môi trường thực hiện.
Tại khu vực nông thôn, hoạt động thu gom, vận chuyển CTRSH đang có nhiều chuyển biến. Theo thống kê, hiện, có khoảng 40% thôn, xã đã hình thành các tổ, đội thu gom CTRSH tự quản với kinh phí hoạt động thu gom, vận chuyển, mua sắm trang thiết bị… do người dân đóng góp. Người dân nông thôn (đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa) vẫn giữ thói quen đổ rác thải ven đường làng, bờ sông, ao hồ… tạo nên các bãi rác tự phát, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống và cảnh quan nông thôn.