Xã hội

Nhiều dấu ấn trong công tác dân tộc

Việt Hải 02/01/2024 - 19:22

(TN&MT) - Chiều 2/1, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác dân tộc (CTDT) năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Nhiều điểm sáng trong CTDT đã được ghi nhận, trình bày tại Báo cáo trung tâm.

Hội nghị vinh dự được đón Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đến dự, chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh; các Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm: Nông Quốc Tuấn, Y Vinh Tơr, Nông Thị Hà; nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải; Thượng tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công an; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc UBDT.

Tại điểm cầu các địa phương có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Tỉnh, Thành uỷ, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo Ban Dân tộc, cơ quan công tác dân tộc, lãnh đạo một số sở, ban, ngành các tỉnh, thành phố vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên cả nước.

pho-thu-tuong-tran-luu-quang-va-bo-truong-chu-nhiem-ubdt-hau-a-lenh-dong-chu-tri-hoi-nghi.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh tại Hội nghị tổng kết công tác dân tộc năm 2023. Ảnh: Tuấn Ninh
dai-bieu-tham-du-hoi-nghi-tai-cac-diem-cau-anh-tuan-nin.jpg
Đại biểu tham dự Hội nghị tại các điểm cầu. Ảnh: Tuấn Ninh

Ghi nhận nhiều kết quả tích cực

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, năm 2023, tình hình kinh tế trong nước tiếp tục biến động, phức tạp, khó lường, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; hậu quả của đại dịch Covid-19, những tác động tiêu cực của kinh tế thế giới đã ảnh hưởng đến nước ta, trong đó có vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Cùng với đó là những thách thức về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh…, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống người dân.

Xác định năm 2023 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, năm có nghĩa rất quan trọng trong thực hiện thắng lợi mục tiêu của giai đoạn, bám sát Nghị quyết của Đảng, Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp hiệu quả của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương vùng DTTS&MN…, UBDT đã nỗ lực quyết tâm vượt qua khó khăn, quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành, khoa học trong đề ra giải pháp, tổ chức thực hiện.

anh-nguyen-hung.png
Đời sống người dân vùng DTTS&MN ngày càng được ổn định, từng bước cải thiện, nâng cao. Ảnh: Nguyễn Hưng

CTDT vì thế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tình hình sản xuất và đời sống của người dân vùng DTTS&MN năm 2023 ngày càng được ổn định, từng bước cải thiện nâng cao; trong năm, đã triển khai thực hiện đồng bộ 188 chính sách tại vùng DTTS&MN (trong đó có 136 chính sách dân tộc), các chính sách an sinh xã hội, góp phần ổn định, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống của người dân vùng DTTS&MN. Công tác văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục được quan tâm đầu tư, phát triển; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định… trong đó, nhiều lĩnh vực, nội dung đã tạo dấu ấn sâu sắc, được ghi nhận, đánh giá cao.

Điển hình như kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2023. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, (giảm 1,1%); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS giảm 3,2%, còn khoảng 17,82% (đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao…

Tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của các tỉnh vùng DTTS, một số tỉnh ước tỷ lệ nghèo năm 2023 giảm nhanh như: An Giang giảm 11,3%, Quảng Nam giảm 10,4%, Quảng Trị 6,73%, Hà Giang giảm 5,96%, Yên Bái giảm 5,25%, Lào Cai giảm 5,2%, Gia Lai giảm 4,21%, Kon Tum giảm 4,04%, Cao Bằng giảm trên 4%,... các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Cần Thơ, Đồng Nai, Long An tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 1%; tỉnh Quảng Ninh đến hết năm 2023 không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp kinh tế vĩ mô, thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế của Chính phủ và thực hiện đồng thời 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), trọng tâm là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG 1719) và các chương trình, dự án khác triển khai trên địa bàn vùng đồng bào DTTS, đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước phát triển sản xuất, nâng cao đời sống đồng bào các DTTS.

Từ việc áp dụng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi phù hợp, tình hình sản xuất lúa, hoa màu, cây ăn trái, cây công nghiệp ngắn ngày, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy, hải sản đã được duy trì ổn định. Nhiều mô hình, điển hình sản xuất, hợp tác kinh doanh hiệu quả ở vùng đồng bào DTTS được tạo điều kiện hình thành và nhân rộng. Nhiều địa phương chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm chất lượng cao, số xã có sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP ngày càng nhiều.

Các ngành nghề tạo ra sản phẩm đặc trưng, chủ lực của vùng được các địa phương quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện; trong đó có các nghề truyền thống của đồng bào DTTS được giữ gìn và phát huy. Năm 2023, một số địa phương vùng DTTS có tốc độ tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) cao như: Bắc Giang 13,45%, Hậu Giang 12,27%, Ninh Thuận 9,4%, Phú Yên 9,16, Bình Phước 8,34%, Trà Vinh 8,25%, các tỉnh: Tuyên Quang, Kon Tum, Nghệ An, Quảng Bình, Phú Thọ, Điện Biên đều trên 7% cao hơn trung bình cả nước...

Cả nước vì sự phát triển vùng DTTS và miền núi

Có thể nói, CTDT đã được Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cả hệ thống chính trị quan tâm chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện. Trong năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao và quyết liệt, kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính; UBDT và các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, thể hiện nổi bật nhất là việc phối hợp trong việc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và hướng dẫn thực hiện các Chương trình MTQG trong đó có Chương trình MTQG DTTS&MN, thể hiện rõ trách nhiệm với vùng đồng bào DTTS&MN. Một số địa phương đã nỗ lực trong tổ chức triển khai, tổ chức lồng ghép nguồn lực để thực hiện các mục tiêu của CTDT, thể hiện cụ thể là việc hoàn thành sớm một số chỉ tiêu của Chương trình.

UBDT đã phối hợp với các bộ, ngành thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về CTDT, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các đề án nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Thực hiện nhiệm vụ trong kế hoạch công tác trong năm với khối lượng công việc lớn, hoàn thành có trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác thông tin, tuyên truyền, chuyển đổi số và phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS được tăng cường; hợp tác quốc tế về CTDT tiếp tục được đẩy mạnh. Việc kiện toàn, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm CTDT, năng lực đội ngũ cán bộ từng bước được nâng lên.

Các bộ, ngành Trung ương đã tích cực, chủ động trong chỉ đạo điều hành thực hiện CTDT và phối hợp với UBDT thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao. Cấp ủy, chính quyền các địa phương bám sát và quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn của các bộ ngành chỉ đạo tổ chức triển khai các chính sách dân tộc trên địa bàn, bước đầu đạt được kết quả tích cực, tạo đà phấn đấu đạt mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

dai-doan-ket.png
Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, UBDT, các địa phương và cả hệ thống chính trị đã tạo niềm tin vững chắc trong nhân dân, góp phần xây dựng đại đoàn kết dân tộc ngày càng phát triển bền vững

Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, UBDT, các địa phương và cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương, cơ sở đã tạo ra nhiều thay đổi tích cực, đổi thay diện mạo vùng DTTS&MN, cân bằng phát triển các vùng, địa phương, cộng đồng, tạo niềm tin vững chắc trong nhân dân, góp phần xây dựng đại đoàn kết dân tộc ngày càng phát triển bền vững.

Quyết tâm triển khai thắng lợi nhiệm vụ 2024

Trao đổi về nhiệm vụ CTDT năm 2024, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh cho biết, năm 2024 là năm rất quan trọng - năm then chốt hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, năm tăng tốc, về đích thực hiện chính sách dân tộc của giai đoạn. Vì vậy, UBDT xác định sẽ tiếp tục bám sát Nghị quyết của Đảng, tinh thần chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, tập trung chỉ đạo tổng thể CTDT đối với các cơ quan trực thuộc, phối kết hợp với các cơ quan chức năng và địa phương triển khai đồng bộ các Đề án, Kế hoạch, Chương trình… phát triển vùng DTTS&MN.

UBDT cũng đã xác định cụ thể 7 nhóm giải pháp chỉ đạo, điều hành năm 2024. Trong đó, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành với phương châm sâu sát, quyết liệt. Đẩy mạnh phân cấp, phân công nhiệm vụ gắn với trách nhiệm và quyền hạn cụ thể. Tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác giữa các vụ, đơn vị, với Ban Dân tộc các địa phương. Phát huy vai trò của người đứng đầu; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động công vụ.

Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công vụ. Đa dạng hình thức nắm bắt, kiểm tra, trao đổi thông tin về tình hình CTDT và thực hiện chính sách dân tộc của địa phương. Hoàn thiện hệ thống văn bản, chính sách, công tác kiểm tra, giám sát chính sách dân tộc. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ về nguồn lực và kỹ thuật đối với triển khai, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc triển khai tại vùng DTTS&MN...

dai-doan-ket-de-quyet-thang.png
Công tác dân tộc sẽ được triển khai quyết liệt, khoa học, đồng bộ, hiệu quả, quyết tâm hoàn thành thắng lợi mục tiêu năm 2024.

Trước một số khó khăn vướng mắc còn tồn tại, UBDT cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương kịp thời ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, đặc biệt là hướng dẫn thực hiện 3 Chương trình MTQG. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG DTTS&MN trình Quốc hội xem xét, quyết định…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều dấu ấn trong công tác dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO