Báo cáo của Bộ TN&MT cho thấy, giai đoạn 2016 - 2020 công tác bảo vệ môi trường khu công nghiệp (KCN), cum công nghiệp (CCN), làng nghề, lưu vực sông cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Cả nước có 251/280 (89,6%) KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung, trong đó có 36/57 địa phương đã đạt tỷ lệ 100% so với năm 2016 số lượng KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung, tăng 12,7% tương ứng với 38 KCN, số lượng KCN đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục tăng hơn 50% tương ứng 168 KCN; số lượng CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung tăng 7,6% tương ứng 63 CCN; số lượng cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg hoàn thành xử lý triệt để tăng 30,2% tương ứng 131 cơ sở.
Tỷ lệ các cơ sở vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường có xu hướng giảm đáng kể. |
Trong bối cảnh vi phạm môi trường ngày càng tinh vi, khó phát hiện, hoạt động kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm đã trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục của cơ quan quản lý về môi trường các cấp. Hoạt động này góp phần phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, làm thay đổi nhận thức và ý thức trách nhiệm của tổ chức và cá nhân đối với công tác BVMT. Do đó, tỷ lệ các cơ sở vi phạm pháp luật về BVMT có xu hướng giảm đáng kể. Năm 2016 tỷ lệ cơ sở được thanh tra có hành vi vi phạm pháp luật về BVMT là 40,7%, năm 2017 là 36,5%, năm 2018 là 36,7% và năm 2019 là 30,2% (giảm 1,35 lần so với năm 2016).
Bên cạnh đó, trong 5 năm qua, tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý, quản lý tốt hơn. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt 13% (tăng khoảng 6% so với đầu nhiệm kỳ). Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom xử lý tại khu vực nội thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 92% (năm 2016 là xấp xỉ 85%, tăng 7% so với đầu nhiệm kỳ), tại khu vực ngoại thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 66% (năm 2016 là khoảng 50%, tăng 15% so với đầu nhiệm kỳ). Chất thải nguy hại đã được quản lý tốt hơn; tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đạt 85% (tăng khoảng 6% so với năm 2017). Tính đến tháng 9/2020, có 123 cơ sở xử lý chất thải nguy hại trên toàn quốc đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép (tăng 10 cơ sở so với năm 2017).
Để đưa công tác quản lý chất thải rắn đi vào nền nếp, Chính phủ đã thống nhất giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý Nhà nước về chất thải rắn; giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn. Triển khai nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành nhiều hoạt động... Đến nay, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt trung bình tại đô thị đã đạt khoảng 85,5% và tại nông thôn đạt khoảng 45 - 60%; chất thải rắn sinh hoạt được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp (khoảng 71%), còn lại được xử lý bằng phương pháp khác như sản xuất phân compost, thiêu đốt hoặc thiêu đốt có thu hồi năng lượng và một số công nghệ khác.
Những con số nêu trên chứng tỏ nỗ lực BVMT mà Tổng cục và các địa phương đã đạt được thành quả.