Điểm tập kết cát Mễ Sở nằm giáp ranh hai huyện Khoái Châu và Văn Giang - một điểm nóng về xe quá tải |
Tràn lan bến bãi không phép
Từ nhiều năm nay, dọc tuyến đê tả sông Hồng và sông Luộc (trên địa bàn tỉnh Hưng Yên) xuất hiện nhiều bến bãi bốc xếp và kinh doanh vật liệu xây dựng không phép gây bức xúc cho nhân dân địa phương. Nếu men theo tuyến đê này, chúng ta không khó để nhận ra những bãi tập kết cát khổng lồ, những nhà máy gạch cỡ lớn mọc lên san sát chạy dọc tuyến đê.
Ngày ngày từng đoàn xe tải trọng lớn quần thảo trên tuyến đê xung yếu, chở vật liệu xây dựng mà chủ yếu là cát, gạch từ khu vực ngoài đê vào các điểm tập kết trong đê hoặc chở thẳng tới các công trình xây dựng. Sự việc trên không chỉ ảnh hưởng lớn tới hành lang bảo vệ đê điều, mà còn gây lún đê, phá hỏng đường liên xã, liên huyện và gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Số liệu thống kê của đoàn thanh tra liên ngành tỉnh Hưng Yên do Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên cung cấp cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 58 bến bãi bốc xếp và kinh doanh vật liệu xây dựng nhưng có tới 40 điểm không phép. Trong số đó, nhiều bến bãi đã tồn tại từ nhiều năm qua, tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Khoái Châu, Tiên Lữ, Văn Giang, Kim Động....
Điểm nóng của vi phạm diễn ra chủ yếu trên địa bàn hai huyện Khoái Châu và Tiên Lữ. Cụ thể huyện Khoái Châu có 20/21 bến bãi, huyện Tiên Lữ có 12/14 bến bãi đều không phép (bao gồm giấy phép kinh doanh và giấy phép hoạt động bến bãi). Trong đó có nhiều bãi đã hoạt động thời gian dài, quy mô lớn như ở các xã: Bình Minh, Hàm Tử, Tứ Dân (huyện Khoái Châu), xã Hải Triều, Thiện Phiến (huyện Tiên Lữ).
Cũng theo số liệu thống kê của đoàn kiểm tra liên ngành, đa phần các bến bãi không phép đều thuê đất công điền của các địa phương hoặc tự thuê, mua ruộng của nhau, sau đó san gạt làm nơi tập kết vật liệu. Tuy nhiên do hoạt động tự phát nên hầu hết các bến bãi đều có sai phạm như: không xây dựng theo thiết kế được duyệt; không có hệ thống thoát nước; không chấp hành quy định về chiều cao chứa chất vật liệu, vị trí chứa chất vật tư, vật liệu sai quy định về khoảng cách tới mép bờ sông...
Không chỉ vậy, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn ngang nhiên diễn ra trên sông Hồng, sông Luộc. Được biết, toàn tỉnh Hưng Yên có 8 điểm khai thác cát trên sông được UBND tỉnh cấp phép nhưng lại có hàng chục điểm khác hoạt động không phép, làm ảnh hưởng trực tiếp tới những đoạn đê xung yếu thuộc địa bàn huyện Khoái Châu, Văn Giang, Kim Động. Số lượng bến bãi bốc xếp và kinh doanh vật liệu tăng đều trong những năm qua phần nào cho thấy sự “ăn nên làm ra” từ những hoạt động khai thác vật liệu trái phép này.
Vừa qua, Báo TN&MT đã có loạt bài phản ánh về hiện tượng sạt lở, lún, nứt đê tả sông Hồng (đoạn qua huyện Văn Giang và Khoái Châu). Mặc dù nguyên nhân đã được Hội đồng khoa học của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết luận do nền đất yếu nhưng rõ ràng, chúng ta không thể loại trừ nguyên nhân tiềm tàng từ việc khai thác cát trái phép trên sông Hồng tại khu vực này mà dẫn tới hiện tượng nêu trên.
Xe vận tải cỡ lớn tung hoành trên tuyến đê tả sông Hồng |
Siết nhưng có chặt?
Đầu tháng 9/2016, UBND tỉnh Hưng Yên đã tổ chức hội nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, bến bãi bốc xếp, kinh doanh vật liệu; xây dựng sản xuất gạch, khai thác đất làm gạch trên bãi sông Hồng và sông Luộc thuộc địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Phóng, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên nhấn mạnh, trong thời gian qua việc quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, bến bãi bốc xếp, kinh doanh vật liệu, xây dựng sản xuất gạch, khai thác đất làm gạch trên bãi sông chưa chặt chẽ. Nhiều địa phương buông lỏng, có biểu hiện lợi ích nhóm gây bức xúc trong nhân dân và gây hậu quả nghiêm trọng về dòng chảy, bờ bãi. Ông Phóng cũng yêu cầu các địa phương, các cơ quan hữu quan phải chấn chỉnh và siết chặt quản lý trong vấn đề này.
Tuy nhiên thực tế lại không hoàn toàn như vậy. Theo số liệu của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hưng Yên cung cấp thì hết năm 2015, danh sách các bến bãi hoạt động không phép trên địa bàn tỉnh chỉ là 13 điểm. Vậy mà đến tháng 8/2016, con số này đã vọt lên tới tận 40 điểm.
Trả lời câu hỏi tại sao các bến bãi mọc tràn lan trên địa bàn tỉnh, một lãnh đạo sở Giao thông Vận Tải tỉnh Hưng Yên cho biết: “Sau khi Thông tư 50 của Bộ Giao thông Vận tải về quản lý cảng, bến thủy nội địa có hiệu lực vào cuối năm 2014, trách nhiệm chính về cấp phép, quản lý bến thủy nội địa thuộc Sở Giao thông Vận tải địa phương. Tuy nhiên do tỉnh chưa có đề án tổng thể quy hoạch vấn đề này nên thực tế còn nhiều bất cập. Bản thân chúng tôi đang hoàn thiện đề án tổng thể quy hoạch về bến bãi trên địa bàn và hi vọng tháng 4 này có thể được phê duyệt. Lúc đó, tất cả những bến bãi không đủ yêu cầu sẽ phải buộc giải tỏa”.
Rõ ràng các bến bãi tập kết vật liệu xây dựng ven đê tả sông Hồng, sông Luộc trên địa bàn tỉnh Hưng Yên không chỉ ảnh hưởng lớn tới hành lang bảo vệ đê điều mà những xe chở vật liệu cũng góp công lớn làm hỏng các con đường liên xã, liên huyện ở các địa phương. Theo số liệu thống kê từ Phòng cảnh sát giao thông huyện Khoái Châu - một điểm nóng về bến bãi không phép và xe quá tải, từ đầu năm 2017 tới nay, lực lượng công an đã tổng kiểm tra phát hiện 97 trường hợp xe quá tải, xử phạt gần 400 triệu đồng. Liệu khi mà đề án quy hoạch tổng thể bến bãi trên địa bàn tỉnh Hưng Yên được thực hiện, tình trạng bến bãi không phép mọc tràn lan có được dẹp bỏ?
Báo điện tử TN&MT sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc
Phạm Thiệu