(TN&MT) - Ngày 28/4, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức cuộc họp để đánh giá lại việc triển khai thực hiện Đề án phát triển cà phê bền vững giai đoạn 2008 - 2015 và định hướng đến năm 2020.
Đề án phát triển cà phê bền vững tại Đắk Lắk được triển khai từ năm 2008. Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã đầu tư trên 2.823 tỷ đồng để phục vụ tốt những yêu cầu của chương trình phát triển cà phê bền vững. Theo đánh giá của các Bộ, ngành chức năng thì đây là mô hình điểm tại các tỉnh Tây Nguyên, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và nâng cao vị thế của Việt Nam (xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới) trên trường quốc tế.
Với nguồn vốn trên, tỉnh đã xây dựng được 157 công trình thủy lợi và giao thông nhằm chủ động nguồn nước tưới (khoảng 65% tổng diện tích) và phương tiện vận chuyển (gần 100% sản lượng được vận chuyển cơ giới về nhà) cho cà phê. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chủ động quy hoạch các vùng trồng cà phê, đầu tư tái canh, trồng mới... để phấn đấu đến năm 2020, diện tích cà phê toàn tỉnh là 170 nghìn ha, sản lượng cà phê nhân đạt từ 450 nghìn tấn/năm trở lên. Đồng thời, tỉnh Đắk Lắk đã thành lập 5 liên minh sản xuất cà phê bền vững (gần 1.100 hộ tham gia) nhằm tạo ra sợ dây liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp trong các lĩnh vực liên quan.
Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh Đắk Lắk, việc triển khai thực hiện chương trình phát triển cà phê bền vững trên địa bàn vẫn còn nhiều bất cập. Tiêu biểu có thể kể đến việc nhiều diện tích cà phê (trên 68% tổng diện tích) chưa được trồng cây che bóng, chắn gió...; tỷ trọng cà phê chế biến tinh vẫn còn quá thấp (dưới 9% tổng sản lượng) và thiếu diện tích sân phơi. Hơn nữa, nhiều diện tích cà phê nằm trong vùng quy hoạch vẫn chưa chủ động được nước tưới, tiến độ tái canh các vườn cà phê già cỗi còn chậm và người dân vẫn ồ ạt phát mở rộng diện tích trồng cà phê một cách tự phát.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các sở, ban ngành các địa phương chủ động phối hợp, gắn kết các quy trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cà phê; tích cực nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất cà phê bền vững gắn với lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường; chủ động huấn luyện, chuyển giao kỹ thuật cơ bản trong việc trồng, chăm sóc và cải tạo... cà phê đến từng hộ nông dân. Đặc biệt, tỉnh Đắk Lắk cũng đẩy mạnh việc rà soát, quy hoạch lại vùng chỉ dân địa lý cà phê Buôn Ma Thuột nhằm tạo nên thương hiệu, xất xứ cho sản phẩm cà phê - mặt hàng chiếm trên 86% kim ngạch xuất khẩu các nông sản và đóng góp trên 20% tổng thu ngân sách của tỉnh.
Lê Phước