Nhiều bất cập trong quản lý đất bãi bồi ven biển Kim Sơn

Anh Tú| 16/12/2019 16:16

(TN&MT) - Trước thực trạng cử tri huyện Kim Sơn bức xúc trước việc nhiều bất cập trong quản lý đất đai, đê điều vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn từ đê Bình Mình II đến Cồn Nổi, tình trạng chuyển nhượng đất đai, xây dựng công trình kiên cố tại các đường xương cá không đúng quy định, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình đã trả lời về vấn đề này.

Nhiều bất cập

Theo đó, trong kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Ninh Bình khóa XIV, ông Phạm Quang Ngọc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết: Vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn từ đê Bình Minh II đến đê Bình Minh III và từ đê Bình Minh III đến Cồn Nổi có diện tích khoảng 3.000 ha. Từ năm 1991 đến năm 2009, UBND huyện Kim Sơn giao các ngành chức năng của huyện ký hợp đồng sử dụng đánh bắt, tận thu hải sản tự nhiên.

Tháng 05/2017, qua khảo sát hiện trạng từ đê Bình Minh II đến Cồn Nổi, số chủ sử dụng 1.127 hộ, tổng diện tích 2.579,43 ha. Vẫn còn xảy ra tình trạng mua bán, chuyển nhượng đầm, bãi không thông qua cơ quan quản lý nhà nước gây khó khăn cho công tác quản lý, một số trường hợp xử lý chưa cương quyết, dứt điểm.

Hiện nay, khu vực bãi bồi ven biển từ đê Bình Minh II đến Cồn Nổi không có nhà ở kiên cố, các hộ gia đình, cá nhân chủ yếu xây dựng các ao nổi, lều lán để sản xuất con giống, đồng thời chưa được đo đạc, lập bản đồ địa chính.

Tình trạng mua bán, chuyển nhượng đầm, bãi ven biển không thông qua cơ quan quản lý nhà nước gây khó khăn cho công tác quản lý

Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho rằng: Hệ thống chính sách pháp luật quản lý sử dụng đất bãi bồi ven sông, đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển chậm ban hành, thay đổi qua các thời kỳ, thiếu cụ thể nên rất khó khăn cho công tác quản lý.

Hơn nữa, trước năm 2010, UBND huyện giao cho các phòng của huyện, UBND các xã ven biển ký hợp đồng là không đúng quy định. UBND huyện ban hành Thông báo số 36/TB – UBND ngày 22/04/2010 về việc tạm dừng ký hợp đồng nuôi trồng thuỷ sản toàn bộ vùng này và giao cho Phòng NN&PTNT là cơ quan quản lý từ đó dẫn đến việc quản lý thiếu chặt chẽ.

Cùng với đó, đây là vùng có rất nhiều chương trình, dự án lớn đầu tư như: Dự án Cồn Nổi; dự án nạo vét cửa sông Đáy; dự án xây dựng khu nuôi trồng thuỷ sản theo hướng công nghiệp khu vực ngoài đê Bình Minh II, trong đê Bình Minh III; dự án xây dựng cảng, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền… Tuy nhiên, đến nay một số dự án không được triển khai hoặc dừng thi công gây khó khăn đến công tác quản lý vùng ven biển.

Đâu là giải pháp?

Về giải pháp quản lý về vấn đề này, ông Phạm Quang Ngọc cho biết: UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Kim Sơn khẩn trương hoàn thành công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính khu vực đê Bình Minh II đến Cồn Nổi, thời gian xong trước tháng 06/2020. Tập trung hoàn thiện quy hoạch, trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt quy hoạch chung xây dựng đô thị Cồn Nổi, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị Cồn Nổi trong năm 2020, làm cơ sở để kêu gọi các nhà đầu tư vào thực hiện.

Cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý đối với các trường hợp vi phạm, đặc biệt là các trường hợp chuyển nhượng đất, xây dựng nhà ở

Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã Kim Hải, Kim Trung, Kim Đông phối hợp với lực lượng công an, biên phòng tỉnh tăng cường lực lượng, thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý đối với các trường hợp vi phạm, đặc biệt là các trường hợp chuyển nhượng đất, xây dựng nhà ở.

Ngoài ra, UBND tỉnh giao Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh tăng cường các biện pháp, nghiệp vụ, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ tình hình an ninh trật tự tại khu vực đất bãi bồi và đất mặt nước ven biển huyện Kim Sơn. Sở TN&MT hướng dẫn UBND huyện Kim Sơn thực hành việc đo đạc bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính đo đạc, lập bản đồ địa chính khu vực đất bãi bồi và đất mặt nước ven biển Kim Sơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều bất cập trong quản lý đất bãi bồi ven biển Kim Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO