Nhiều bất cập trong hoạt động của Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên

05/04/2018 11:11

(TN&MT) - Khu xử lý chất thải tập Tóc Tiên (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là nơi tập trung xử lý các loại chất thải phát sinh hàng ngày trên địa bàn...

 

(TN&MT) - Khu xử lý chất thải tập Tóc Tiên (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là nơi tập trung xử lý các loại chất thải phát sinh hàng ngày trên địa bàn tỉnh. Sau 8 năm đi vào hoạt động, khu xử lý chất thải tập trung (XLCTTT) đã bộc lộ nhiều bất cập trong quy hoạch, hoạt động cũng như công tác quản lý.

Khu XLCTT Tóc tiên đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 3318/QĐ-UBND ngày 22-11-2016. Diện tích 137,6 ha, bao gồm 100 ha hiện hữu và 37,6 ha mở rộng. Khu XLCTTT có chức năng xử lý chất thải CNTT, CTNH; di dời nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt của Công ty CP môi trường xanh Bảo Ngọc từ xã Phước Hòa về đẩy để xử lý rác sinh hoạt bằng công nghệ đốt; dự trữ đất cho cơ sở xử lý chất thải y tế tập trung. Đối với phần diện tích mở rộng này, hiện tại, tỉnh BR-VT không chấp thuận chủ trương đầu tư thêm các loại hình xử lý chất thải đã vượt nhu cầu của tỉnh như xử lý dầu thải, dung môi, bao bì, chôn lấp chất thải CNTT. Tùy tình hình phát sinh và xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh, tỉnh chỉ xem xét thu hút thêm các dự án tỉnh có nhu cầu theo hướng khuyến khích tái chế, đốt… thân thiện với môi trường và tiết kiệm đất. Đồng thời đầu tư thêm hệ thống quan trắc tự động, hệ thống xử lý nước thải tập trung để tiến tới thay đổi mô hình quản lý Khu XLCTTT Tóc Tiên theo mô hình hoạt động của KCN.

 

images1284899 xu ly chat thai sinh hoat


ĐƯA CHẤT THẢI NGOÀI TỈNH VỀ XỬ LÝ

Ông Phan Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm quản lý các khu XLCT (Sở Xây dựng) cho biết, KXLCTTT Tóc Tiên được quy hoạch năm 2006 với diện tích 100ha nhằm xử lý tập trung tất cả các loại chất thải phát sinh trên địa bàn tỉnh, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm, bảo vệ môi trường. Khu 100 ha gồm có các phân khu: Khu vực hành chính phụ trợ; khu chôn lấp chất thải công nghiệp; khu chế biến phân compost; khu chôn lấp chất thải tập trung đô thị; khu vực xử lý nước rác; khu phân loại và tái chế chất thải tập trung; khu xử lý chất thải công nghiệp độc hại và khu vực chứa đất phủ. Hiện nay, trong khu này đã có 14 dự án được cấp phép đầu tư xây dựng trong đó có 7 dự án xử lý chất thải nguy hại (CTNH) và 7 dự án xử lý chất thải thông thường (CTTT). Nhưng tính đến tháng 3-2018, mới chỉ có 8 DN đã đi vào hoạt động. Còn lại các dự án mới giao đất, hoặc đang triển khai đầu tư.

Theo báo cáo của Sở TN-MT, khối lượng rác phát sinh trên địa bàn tỉnh là 1.285 tấn/ngày, trong đó, CTNH có khối lượng 204 tấn/ngày. Nếu tính tổng công suất của 7 dự án xử lý CTNH là 581,5 tấn/ngày thì các nhà máy xử lý CTNH trong khu xử lý này đang dư hơn 50% công suất so với khối lượng CTNH thực tế phát sinh trên địa bàn tỉnh. Sự thiếu sự cân đối giữa các loại hình XLCT đang đẩy một số DN đến tình trạng hoạt động khó khăn vì nhà máy XLCT “đói” nguyên liệu đầu vào. Do trong tỉnh không đủ chất thải để xử lý nên nhiều nhà máy đã tiếp nhận chất thải từ TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang… về xử lý tại khu XLCTTT Tóc Tiên. Công ty CP môi trường Sao Việt có công suất xử lý giai đoạn 1 là 20.000 tấn/năm để xử lý chất thải nguy hại, chưng cất dung môi, tái chế nhựa, bao bì, dầu thải, bê tông hóa chất thải rắn thành những sản phẩm có khả năng sử dụng. Tuy nhiên, nhiều năm nay, nhiên liệu đầu vào rất ít, không đủ để nhà máy hoạt động hết 1/2 công suất. Nên mỗi năm công ty này phải nhận 2.258 tấn chất thải/năm từ các tỉnh, thành khác về xử lý. Theo một DN xử lý CTNH khác, DN này cũng phải ký hợp đồng với các đơn vị ngoài tỉnh để xử lý mới đạt 70% công suất thiết kế của nhà máy.

Ông Lee Sun Hack, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kbec Vina cho biết, ngoài khối lượng chất thải rắn sinh hoạt mỗi ngày công ty đang xử lý khoảng 700 tấn/ngày thì công ty còn xử lý khoảng 400 tấn/ngày chất thải rắn CNTT. Trong đó, 30-40% khối lượng chất thải CNTT được đưa từ các tỉnh, thành như Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh về đây xử lý.

Các chuyên gia môi trường cho rằng, việc vận chuyển chất thải từ nơi khác về địa phương xử lý, đặc biệt là CTNH tiềm ẩn nhiều rủi ro do chất thải có thể rơi vãi trong quá trình vận chuyển; nước rỉ rác vương vãi dọc đường nếu phương tiện vận chuyển không bảo đảm quy chuẩn.
 

images1557356 2


BẤT CẬP TRONG QUẢN LÝ

Theo ông Nguyễn Trọng Thụy, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật Sở Xây dựng, khu XLCTTT Tóc Tiên là khu XLCT hỗn hợp, có diện tích lớn, các nguồn chất thải đầu vào có những đặc điểm, tính chất và thành phần khác nhau. Do không lập quy hoạch ngay từ đầu nên quá trình kêu gọi đầu tư và quản lý khai thác trong khu XLCTTT Tóc Tiên đã bộc lộ bất cập. Chẳng hạn việc xác định nguồn thải (khối lượng, thành phần chất thải…) khi cấp giấy chứng nhận đầu tư chưa được xem xét kỹ dẫn đến mất cân đối giữa tổng công suất các sơ sở xử lý và nhu cầu XLCT của tỉnh. Trong đó, công suất hoạt động của nhiều dự án (thuộc các loại hình xử lý dầu thải, dung môi, bao bì, chôn lấp chất thải CNTT…) thấp hơn công suất thiết kế. Đáng chú ý là 2 dự án xử lý CTNH của Công ty TNHH Sông Xanh và Công ty TNHH Huy Thịnh mới chỉ hoạt động khoảng 25% công suất của nhà máy vì không có nguyên liệu đầu vào.

Ngoài ra, có một số dự án đã khi cấp giấy chứng nhận đầu tư không quy định nguồn gốc chất thải đầu vào nên có một lượng chất thải từ ngoài tỉnh đã được đưa về xử lý tại khu XLCTTT Tóc Tiên mà các cơ quan chức năng vẫn chưa kiểm soát được. Một số dự án đã vi phạm quy định về bảo vệ môi trường như Công ty TNHH Kbec Vina (ngày 5-3 bị UBND tỉnh ra quyết định xử phạt gần 700 triệu đồng vì xả nước thải không đạt chuẩn ra môi trường); Công ty CP Môi trường Sao Việt (tháng 10-2016, công ty này bị phạt 435 triệu đồng vì xả nước thải chưa xử lý ra môi trường)... khiến cho hoạt động trong Khu XLCTTT Tóc Tiên ngày càng trở nên phức tạp.

Ông Thụy cho rằng, Khu XLCTTT Tóc Tiên về hạ tầng thì thuộc quản lý của Sở Xây dựng. Nhưng Sở Xây dựng lại không có chức năng kiểm tra việc tuân thủ quy định về BVMT cũng như không có chức năng xử phạt các DN vi phạm. Trong khi đó, ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT cũng xác nhận, việc quản lý hoạt động của Khu XLCTT Tóc Tiên hiện nay đang tồn tại nhiều khó khăn, bất cập. Vì trên cơ sở pháp lý, Khu XLCTTT thuộc quản lý của Sở Xây dựng. Các DN đầu tư thứ cấp trong khu này lại được Bộ TN-MT cấp đánh giá tác động môi trường ĐTM. Cũng theo ông Hải, hiện nay Khu XLCTTT 100ha xã Tóc Tiên vẫn chưa có hệ thống quan trắc tự động, hệ thống xử lý nước thải tập trung nên việc giám sát BVMT của các DN thứ cấp gặp nhiều khó khăn. Do đó, Sở TN-MT gặp rất nhiều áp lực.

Theo Sở Xây dựng, để giải quyết những khó khăn, bất cập tại Khu XLCTT, trước mắt, cần phải đẩy nhanh tiến độ di dời Nhà máy xử lý rác của Công ty CP Môi trường xanh Bảo Ngọc (sử dụng công nghệ tái chế chất thải rắn sinh hoạt thành phân compost) từ xã Phước Hòa về Khu XLCTTT Tóc Tiên nhằm giảm bớt khối lượng rác đang chôn lấp tại Công ty TNHH Kbec Vina. Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng kiến nghị UBND tỉnh có giải pháp yêu cầu chủ đầu tư dự án Khu liên hợp XLCT Láng Dài (huyện Đất Đỏ) của Công ty TNHH Green HC (sử dụng công nghệ đốt) để giảm lệ thuộc vào Công ty TNHH Kbec Vina. Giai đoạn 1 dự án dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 12-2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều bất cập trong hoạt động của Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO