Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 nâng cao năng lực vận hành và sửa chữa nhà máy Nhiệt điện
Trong 9 tháng đầu năm 2023, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đã thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng trong quản lý điều hành, vận hành và sửa chữa các nhà máy nhiệt điện giai đoạn 2021 - 2025.
Với công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện nội bộ, nhà máy đã bố trí đào tạo kèm cặp trong ca trực và trong các ngày hành chính. Đồng thời, tổ chức 2 đợt thi chức danh vào tháng 3 và tháng 8, công nhận cho 62 CBCNV độc lập chức danh và thi nâng bậc cho 41 CBCNV đến thời hạn thi nâng bậc và giữ bậc cho 25 CBCNV đến hạn giữ bậc đợt 1 vào tháng 5. Ngoài ra, nhà máy còn tổ chức thi tuyển chọn nhân sự tham gia đào tạo và tập sự chức danh trưởng ca, trưởng kíp.
Nhằm thực hiện việc học tập trên phần mềm trực tuyến Elearning, nhà máy đã chuyển đổi số hoàn toàn 100% các kỳ thi lý thuyết sẽ được triển khai trên hệ thống Elearning. Đến nay, nhà máy đã đạt được 18.508 lượt học trên Elearning trung bình 30 lượt/CBCNV vượt chỉ tiêu tập đoàn giao 10 lượt/CBCNV/năm.
Trong những năm qua, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đã tổ chức 14 khoá đào tạo thuê các chuyên gia bên ngoài giúp nâng cao trình độ, tay nghề cho cán bộ công nhân viên (CBCNV) nhà máy. Trong đó có vận hành thiết bị nâng, đấu thầu nâng cao, phân tích báo cáo tài chính, chuyên đề thuế đối với doanh nghiệp, hệ thống giám sát độ rung của Shinkawa, vận hành bảo dưỡng vệ sinh các bộ lọc nước sử dụng màng lọc UF, RO, phân tích nước, huấn luyện định kỳ an toàn điện gần 2.000 lượt đào tạo.
Nhà máy đã rà soát, hiệu chỉnh và hoàn thiện 81/81 quy trình. Đã triển khai rà soát và hoàn thành xây dựng cấu trúc cây thư mục theo quy định, kết hợp Việt hóa thông tin trên cây thiết bị. Kết quả thực hiện cập nhật thông tin thiết bị đến hết năm 2022 tổng số thiết bị được nhập là 63.801 thiết bị, đạt 100% hoàn thành dữ liệu thiết bị. Cập nhật các số liệu vận hành thực tế trên các phần mềm dùng chung và sửa đổi quy trình vận hành, quy trình xử lý sự cố phù hợp để nâng cao độ tin cậy vận hành. Bên cạnh đó, nhà máy cũng đã tổ chức các buổi hội thảo để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế về vận hành và bảo dưỡng đối với công nghệ phát điện hiệu suất cao. Đồng thời, nhà máy đã tổ chức các buổi trao đổi kỹ thuật với chuyên gia các hãng chế tạo thông qua dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật như: MOOG (van tuabin); Toshiba (máy phát, tuabin) và các hãng chế tạo bộ sấy không khí GAH, SCR… Nhà máy sẽ tiếp tục làm việc với đối tác để tổ chức thêm các buổi hội thảo liên quan khác.
Nâng cao năng lực quản lý, điều hành các vị trí chủ chốt trong nhà máy. Quy định về tiêu chuẩn tối thiếu cho các vị trí và có chương trình đào tạo cho các vị trí chủ chốt. Tham gia các lớp quản lý, điều hành theo yêu cầu về vị trí chủ chốt của EVN.
Tổ chức tự đào tạo bởi đội ngũ giảng viên nội bộ của nhà máy và thuê các đơn vị có đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia giảng dạy. Nâng cao năng lực, kinh nghiệm của đội ngũ quản lý và lực lượng vận hành nhà máy qua các khóa bồi dưỡng, huấn luyện, đào tạo trong và ngoài nước, chú trọng đào tạo thực tiễn tại chỗ.
Bên cạnh công tác đào tạo, nhà máy còn tập trung củng cố thiết bị đảm bảo vận hành đạt các thông số thiết kế; tối ưu hóa chu kỳ thổi bụi Lò hơi; lắp đặt bổ sung tuyến băng tải BC05B; lắp đặt HT thiết bị đo, giám sát nồng độ CO bên trong thùng nghiền các máy nghiền than tổ máy S2; cải tạo, lắp đặt thiết bị chống tắc than bunker than; lắp đặt hệ thống đo, giám sát Oxy thừa khói thoát đầu ra bộ sấy không khí (BSKK) tổ máy S2.
Nhà máy đã tăng cường kiểm tra thiết bị trong nhà máy và khắc phục triệt để khiếm khuyết phát sinh trong quá trình vận hành không dẫn đến phải ngừng máy. Đồng thời cung ứng vật tư, thiết bị thay thế kịp thời và đảm bảo chất lượng cho công tác sửa chữa, có kế hoạch thay thế sớm thiết bị ảnh hưởng trực tiếp đến phương thức vận hành bằng các thiết bị có chất lượng tốt hơn. Thiết lập và đảm bảo vật tư dự phòng hợp lý, tiết kiệm. Lập phương án sửa chữa chi tiết, tổ chức giám sát nghiệm thu đúng quy định. Tiến hành thí nghiệm, hiệu chỉnh kỹ lưỡng sau mỗi lần sửa chữa các loại thiết bị. Thực hiện công tác giám sát, đánh giá, nghiệm thu công tác sửa chữa tuân thủ quy trình quản lý/tiêu chuấn chất lượng sửa chữa. Định kỳ tổ chức đánh giá chất lượng sửa chữa.
Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số tại nhà máy, tổ chức xây dựng và hoàn thiện lại quy trình quản lý kỹ thuật đối với các nhà máy điện theo hướng sử dụng các thiết bị điện tử thông minh; hoàn thiện cơ sở dữ liệu của hệ thống phần mềm PMIS. Thống nhất các nguồn dữ liệu, tích hợp thông tin từ các hệ thống phần mềm dùng chung của tập đoàn (PMIS, CMIS, ERP, HRMS, ĐTXD), ưu tiên lấy số liệu tự động; tối ưu quản lý nhiên liệu, giám sát chất lượng than online (Quản lý hao hụt than và quản lý hợp đồng than - phát triển trên phần mềm Coal hiện hữu).
Công tác cung ứng than linh hoạt, hiệu quả được thực hiện nhanh chóng khi nhà máy đã bổ sung nhân lực chuyên môn sâu, chuyên trách để tăng cường năng lực về quản lý cung ứng nhiên liệu, đặc biệt là than nhập khẩu kiện toàn. Song song với đó, tổ tiếp nhận nhiên liệu để tham mưu cho lãnh đạo về cung ứng nhiên liệu cho nhà máy nhiệt điện; phối hợp với các đơn vị cung cấp, đơn vị vận tải đảm bảo cung cấp nhiên liệu đúng chất lượng; vận chuyển, bốc dỡ đạt hiệu quả cao; tổng hợp, phân tích, đánh giá thị trường nhiên liệu trong và ngoài nước; nghiên cứu các chính sách thị trường, giá than, hạ tầng cảng, vận tải để trình lãnh đạo đề xuất với các cơ quan quản lý Nhà nước sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn.
Từ những loạt giải pháp kể trên, đề án nâng cao độ tin cậy của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 giai đoạn 2021 - 2025 đạt yêu cầu, đảm bảo cho các hệ thống, thiết bị luôn khả dụng để phát điện, nhà máy hoạt động sản xuất ổn định, an toàn, hiệu quả, đảm bảo môi trường sản xuất xung quanh nhà máy xanh - sạch - đẹp.