(TN&MT) - Chúng tôi vừa có dịp đến thăm Khu du lịch sinh thái Thủy điện Duy Sơn 2. So với thời gian trước đây, quang cảnh khu du lịch đìu hiu, xuống cấp nghiêm trọng, môi trường xung quanh đập 3/2 và dọc con suối lên thượng nguồn vứt rác rưởi, vỏ lon, chai tràn lan; còn dịch vụ sơ sài chỉ có phòng trọ trong khi khách muốn vào tham quan, nghỉ ngơi phải mua vé do UBND xã Duy Sơn phát hành với giá 10 ngàn đồng/người…
Vào những năm 1980 - 1982, HTX Duy Sơn 2 khảo sát xây dựng đập thủy lợi 3/2 cùng với công trình thủy điện và đưa vào hoạt động cuối năm 1982. Từ đó, lượng du khách đến tham quan du lịch ngày càng nhiều nên đến năm 1995, HTX hình thành Khu du lịch sinh thái thủy điện và hoạt động tạo nguồn thu cho tập thể. Ngày 15/11/2006, UBND huyện Duy Xuyên có Quyết định số 1633/QĐ-UBND giao nhiệm vụ cho UBND xã Duy Sơn quản lý Khu du lịch sinh thái Duy Sơn. Tiếp đó, vào tháng 3/2008, UBND xã Duy Sơn có quyết định thành lập Ban quản lý khu du lịch sinh thái Thủy điện Duy Sơn và giao cho cá nhân quản lý cho đến nay. Từ đây, đã xảy ra không biết bao nhiêu hệ lụy về an ninh – trật tự, nhất là về tệ nạn mua bán dâm; cũng như môi trường, cảnh quan bị xâm phạm…
Theo Giám đốc HTX Duy Sơn 2, toàn bộ tài sản, đường sá do HTX bỏ vốn đầu tư xây dựng, nhưng UBND xã lại buộc HTX “cho mượn” để giao cho bà Nguyễn Thị Hồng quản lý, khai thác. Do vậy, HTX đề nghị trả tiền khấu hao hằng năm là 7 triệu đồng như đã giao khoán cho các ngành trước đó, nhưng suốt 7 năm qua HTX không thu được đồng nào, dù đã 2 lần gửi tờ trình xin xã giải quyết tiền khấu hao tài sản. Đến năm 2013, UBND xã đồng ý mua lại tài sản với giá 150 triệu đồng, nay mới chỉ trả cho HTX 50 triệu đồng. Đồng thời, HTX đề nghị tập thể hoặc xã quản lý, không đồng ý chuyển giao cho tư nhân, nhưng UBND xã vẫn giao cho tư nhân đảm trách, không hề có đăng ký kinh doanh, không theo dõi sổ sách; đặc biệt là phát hành vé tham quan không đúng quy định và không nộp thuế cho Nhà nước từ năm 2008 đến nay…
Qua tìm hiểu của chúng tôi, trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vi phạm trên nhiều lĩnh vực, nhất là việc núp bóng nhà hàng ăn uống, nhà trọ để tổ chức hành nghề mại dâm; mà điển hình là trường hợp bà Nguyễn Thị Thơ (trú thị xã Điện Bàn) vào mở quán kinh doanh ở đây nhưng không được cấp thẩm quyền cấp đất; đã 2 lần bị Phòng PC45 Công an tỉnh Quảng Nam bắt quả tang về tội “Chứa mại dâm”, khi vừa ra tù lại tiếp tục hành nghề tại khu du lịch trên. Bên cạnh đó, tình trạng chặt phá cây cối lấy đất của HTX để xây dựng tượng, nhà ở cùng các công trình khác một cách tùy thích và không đền bù thiệt hại…
Đường vào Khu du lịch thủy điện Duy Sơn 2 |
Ông Nguyễn Thanh Sa – Ban kiểm soát HTX cho biết: “Đây là tài sản của tập thể mà sao lại đưa cho tư nhân quản lý?. Mỗi lần HTX tiến hành kiểm kê tài sản thì bà Hồng lại gây khó khăn, có lúc không chịu ký biên bản. Các thành viên trong HTX rất bức xúc vì cá nhân thu lợi và có biểu hiện “lợi ích nhóm” trong việc dùng tài sản của HTX để kinh doanh…”. Còn ông Nguyễn Phước Sỹ - công nhân Nhà máy thủy điện Duy Sơn 2 đề nghị sớm trả lại Khu du lịch sinh thái cho HTX quản lý, khai thác; vì như vậy không để xảy ra tệ nạn xã hội, không tai tiếng như vừa qua.
Lãnh đạo HTX đã nhiều lần làm việc và gửi văn bản đến Đảng ủy, UBND xã Duy Sơn xin giao lại khu du lịch cho HTX quản lý và hằng năm HTX sẽ nộp ngân sách xã. Tuy nhiên, đề nghị trên không được chấp nhận và yêu cầu HTX phải liên tục đóng đập 3/2 để giữ nước tối thiểu là 1m so với đáy hồ đập phục vụ du lịch; trong khi đó quy định chỉ đóng về mùa nắng để đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho đồng ruộng, còn nếu đóng đập vào mùa mưa sẽ gây bồi lấp cát, rất nguy hiểm khi gây mưa lũ lớn tràn về.
Vì không được xem xét giải quyết, ngày 6/1/2015, Giám đốc HTX có đơn kiến nghị gửi Thanh tra huyện Duy Xuyên. Đến ngày 22/1, Chánh Thanh tra huyện có Công văn số 14/TTr về việc trả lời đơn kiến nghị của HTX Duy Sơn 2; trong đó chuyển đơn kiến nghị đến UBND xã Duy Sơn để giải quyết theo quy định của pháp luật; đồng thời trả lời để HTX được biết. Song, đến nay đã gần 5 tháng trôi qua nhưng không có hồi âm.
Tại các khu nhà nghỉ trong khu du lịch từng bị bắt quả tang về mua bán dâm |
Về thực trạng tại Khu du lịch sinh thái Thủy điện Duy Sơn, tại Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 28/11/2014, Chủ tịch UBND xã Duy Sơn nhận xét: “…Thực tế việc phát triển tại Khu du lịch sinh thái Duy Sơn cho đến nay còn quá ít, tình trạng hạ tầng, cảnh quan trong khu vực ngày càng xuống cấp, làm cho lượng khách đến tham quan du lịch giảm đáng kể và gần như không có doanh nghiệp nào đến đầu tư… Để khu du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng thì phải từng bước tháo gỡ những vướng mắc, trong đó có đơn vị HTX Duy Sơn 2”.
Tuy nhiên, theo nhận xét của nhiều người có trách nhiệm thì nên giao khu du lịch này cho HTX Duy Sơn 2 quản lý và kinh doanh, vì đơn vị có tài sản, hồ đập, cơ sở hạ tầng đã xây dựng trong khu vực này. Mặt khác, đơn vị có ngành nghề kinh doanh dịch vụ vụ ăn uống, du lịch và nguồn tài chính để đầu tư phát triển. Còn về chính quyền địa phương chỉ quản lý Nhà nước về mặt đất đai, xây dựng và du lịch… Đây là giải pháp hợp tình, hợp lý nhất nhằm phát triển toàn diện Khu du lịch sinh thái Thủy điện Duy Sơn, nhằm thu hút đông đảo khách xa gần đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Bài và ảnh: Võ Hà