Ngày 8/11, Nhật Bản đã thông qua Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, thỏa thuận được xem là hết sức quan trọng nhằm tạo ra một khuôn khổ quốc tế mới về hạn chế việc phát thải khí carbon.
Văn kiện phê chuẩn đã được Chính phủ Nhật Bản đệ trình tại trụ sở Liên hợp quốc tại New York. Trước đó, Hạ viện và Chính phủ Nhật Bản đã thông qua văn kiện trên.
Đại sứ Nhật Bản tại Liên hợp quốc Hiroshi Minami (trái) đệ trình văn kiện phê chuẩn Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. (Nguồn: Kyodo/TTXVN) |
Thủ tướng Shinzo Abe nêu rõ Nhật Bản sẽ đóng vai trò dẫn đầu trong những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và thực hiện trách nhiệm giảm sự ấm dần lên của Trái Đất này một cách an toàn.
Nhật Bản lên kế hoạch đến năm 2030 sẽ cắt giảm 26% lượng khí thải nhà kính của năm 2013 thông qua việc chuyển sang nguồn năng lượng hiệu quả hơn và thúc đẩy sử dụng các bóng đèn tiết kiệm năng lượng. Nước này cũng đặt mục tiêu có thể giúp cắt giảm 80% lượng khí thải vào năm 2050.
Hiệp định Paris được ký kết tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra ở Paris (Pháp) hồi tháng 12 năm ngoái, trong đó quy định một loạt biện pháp bảo vệ khí hậu nhằm giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong phạm vi 1,5-2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.
Hiệp định đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hiệp định khí hậu Paris đã có hiệu lực vào ngày 4/11 vừa qua do đã nhận được phê chuẩn của 55 quốc gia đại diện cho 55% tổng lượng khí thải toàn cầu, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Canada, Brazil và Liên minh châu Âu (EU). Trong số các nước có lượng khí thải nhà kính lớn, hiện còn Nga và Australia chưa thông qua./.
Theo TTXVN