Quang cảnh diễn đàn |
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác 3 bên giữa UBND thành phố Đà Nẵng cùng JICA và thành phố Yokohama về phát triển bền vững.
JICA nhận định đô thị Đà Nẵng đang đặt ra nhiều thách thức mới trong phát triển khi tốc độ đô thị hóa quá nóng; dịch vụ đô thị chưa hoàn thiện và nhất là khả năng chống chịu thiên tai. Mục tiêu của chương trình là phát triển Đà Nẵng bền vững từ 1 triệu dân lên đến 2 hoặc 3 triệu dân trong tương lai, đóng vai trò động lực khu vực miền Trung và hình thành mô hình đô thị bền vững, có bản sắc riêng, so với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Trên cơ sở đó, JICA đề xuất 3 chiến lược tổng thể đó là: Đà Nẵng cần tăng cường liên kết vùng ở tất cả các cấp: quốc tế; tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng và vùng Khu kinh tế trọng điểm miền Trung. Đồng thời, tiếp tục cải thiện mô trường đầu tư, thu hút các ngành công nghiệp mới, thích ứng với cam kết của TPP, AEC... Để đáp ứng qui mô dân số 3 triệu dân trong tương lai, thì Đà Nẵng cần định hướng quá trình đô thị và thực hiện các dự án ưu tiên phù hợp với quy hoạch.
Đà Nẵng đặt mục tiêu trở thành đô thị bền vững vào năm 2030 |
Tại diễn đàn, đại diện các sở ngành, đơn vị, tổ chức trên địa bàn TP đã được chia sẻ, tiếp cận với những ý tưởng, kinh nghiệm từ phía Nhật Bản, từ đó cùng nhau thảo luận, chia sẻ các ý tưởng, định hướng ưu tiên hợp tác phát triển giữa Yokohama và Đà Nẵng trong thời gian tới.
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Tuấn- Phó Chủ tich UBND TP. Đà Nẵng đề nghị JICA và chính quyền thành phố Yokohama của Nhật Bản sớm tài trợ nguồn vốn và chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ năng lực quản lý thực hiện các dự án mà các bên đã cam kết như: Xây dựng Cụm cảng Liên Chiểu, Thay thế máy bơm nước Nhà máy nước Cầu Đỏ, Dự án Nhà máy nước Hòa Liên, Nhà máy xử lý nước thải…, cử chuyên gia sang bồi dưỡng năng lực cho thành phố trong lĩnh vực quản lý đô thị…
Tin & ảnh: Lan Anh