Nhân sự Khoá XIII cần kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển

Theo Chinhphu.vn | 15/05/2020 12:32

Tại Hội nghị Trung ương 12 (Khoá XII), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII cần có số lượng và cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, có tính kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Được nhóm họp tại Thủ đô Hà Nội, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vừa diễn ra thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra sau 4 ngày làm việc với tinh thần tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, đoàn kết và trách nhiệm cao.

Hội nghị được diễn ra trong bối cảnh đúng vào thời điểm cả nước đang có rất nhiều hoạt động kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đặc biệt trong bối cảnh đất nước ta đã và đang làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19,... đã góp phần khơi dậy trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta niềm tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, dân tộc Việt Nam anh hùng, nhân dân Việt Nam giàu lòng yêu nước, đoàn kết, nhân ái.

Một trong những nội dung quan trọng được xem xét, thảo luận, quyết định tại Hội nghị Trung ương 12 đó là Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII.

Các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng, đại biểu tham dự Hội nghị đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc và xem xét, quyết định Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII; thảo luận về tiêu chuẩn Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương; điều kiện, cơ cấu, số lượng, quy trình giới thiệu, cách thức lựa chọn và một số vấn đề cần lãnh đạo thực hiện trong quá trình chuẩn bị và triển khai công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương.

Từ đó, các yêu cầu, tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn hết sức cụ thể đã được đề ra và quyết định đối với việc xây dựng Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII; Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư;…

Những tiêu chuẩn cụ thể

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII phải là một tập thể thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất ý chí và hành động, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tiêu biểu về trí tuệ, có tầm nhìn chiến lược, có tư duy đổi mới, sáng tạo; tiêu biểu cho toàn Đảng về tính chiến đấu, tính kỷ luật; gắn bó mật thiết với nhân dân, biết lắng nghe, tự phê bình và phê bình nghiêm túc, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân; đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới.

Đồng thời, Trung ương nhất trí việc xác định tiêu chuẩn Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII phải căn cứ vào tiêu chuẩn chung của cán bộ được quy định trong các nghị quyết của Đảng và đặc biệt chú trọng một số vấn đề như: Có tinh thần yêu nước sâu sắc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của quốc gia - dân tộc; có ý chí chiến đấu cao, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm thù địch, sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; gương mẫu thực hiện nguyên tắc, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nói đi đôi với làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động, làm việc có hiệu quả. Có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, gương mẫu, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm; có tinh thần trách nhiệm cao, tận tuỵ với công việc; dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Đảng, của đất nước. Bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực và kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng; không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền để trục lợi; có ý thức giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, gương mẫu chấp hành sự phân công và nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; công minh, công bằng trong đánh giá, sử dụng cán bộ.Có trí tuệ, tầm nhìn, có trình độ để tham gia hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương; có năng lực cụ thể hoá và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách, nhiệm vụ của Đảng, chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới; qua thực tiễn thể hiện rõ là người có năng lực, sáng tạo, làm việc có hiệu quả, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đoàn kết, quy tụ, phát huy được đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực, địa bàn được phân công, lãnh đạo cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; có ý thức, trách nhiệm và khả năng tham gia thảo luận, đóng góp vào các quyết định chung của Ban Chấp hành Trung ương; đủ sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ…

Bên cạnh đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải là những đồng chí thật sự tiêu biểu, mẫu mực của Ban Chấp hành Trung ương về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, ý chí chiến đấu, năng lực lãnh đạo, quản lý, ý thức tổ chức kỷ luật; có tầm nhìn và tư duy chiến lược, có khả năng phân tích, dự báo, tổng hợp, đề xuất những vấn đề mới một cách đúng đắn; có trình độ hiểu biết sâu sắc về lý luận chính trị, biết phát hiện và sử dụng người có đức có tài; là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, còn trong độ tuổi theo quy định và đủ sức khoẻ để đảm đương nhiệm vụ.

Không để lọt vào Trung ương nếu mắc một trong các khuyết điểm

Đặc biệt, tại Hội nghị lần này, Trung ương đã chỉ rõ tên cụ thể của 7 khuyết điểm và khẳng định quan điểm "Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong các khuyết điểm".

Cụ thể của 7 khuyết điểm, một là bản lĩnh chính trị không vững vàng; không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh.

Hai là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, không công bằng, công minh trong đánh giá, sử dụng cán bộ, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình.

Ba là để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc để xảy ra tham nhũng, thất thoát, vụ việc tiêu cực lớn ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

Bốn là không chịu nghiên cứu học hỏi; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm.

Năm là ý thức kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức, uy tín thấp.

Sáu là kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính.

Bảy là vi phạm quy định về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII cần có số lượng và cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, có tính kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển. Tăng cường số lượng Ủy viên Trung ương ở các vị trí, địa bàn, lĩnh vực công tác trọng yếu; chú ý tăng thêm tỉ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số.

Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII cần có 3 độ tuổi (dưới 50; 50 - 60 và từ 61 tuổi trở lên). Trường hợp đặc biệt nào cần phải cơ cấu vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngoài độ tuổi theo quy định thì Bộ Chính trị cân nhắc, trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định việc đề cử với Đại hội Đảng.

Sau khi Hội nghị diễn ra thành công tốt đẹp, trong Thông báo Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng kêu gọi “toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tăng cường đoàn kết, thống nhất, phát huy những kết quả đã đạt được, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia, hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2020 và cả nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng; tổ chức thực hiện thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.

Có thể thấy, Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII đã được Trung ương xem xét, thảo luận, cân nhắc hết sức kỹ lưỡng, bài bản, thận trọng, thu hút được nhiều ý kiến đóng góp rất tâm huyết, sâu sắc để đi đến quyết định về các vấn đề cụ thể và thực sự Trung ương đã “Nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội lần thứ XIII của Đảng, với tinh thần coi cán bộ và công tác cán bộ là ‘cái gốc của mọi công việc’, nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng” như lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại bế mạc Hội nghị./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân sự Khoá XIII cần kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO