So với nhiều quốc gia trong khu vực Đông Á, Việt Nam có được thuận lợi là sớm nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế |
QLTHVB tại Việt Nam - cơ hội và thách thức
Từ năm 2000, Quản lý tổng hợp vùng bờ (ICM) đã được giới thiệu tại Việt Nam. So với nhiều quốc gia trong khu vực Đông Á, Việt Nam có được thuận lợi là sớm nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế như PEMSEA, GIZ… Ngoài ra, Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện các thể chế, chính sách pháp luật về biển.
Bằng cách thể chế hóa và lồng ghép các chương trình quản lý tổng hợp biển và hải đảo vào hệ thống các chính sách, chiến lược đã giúp cho Việt Nam trở thành một trong những nước trong khu vực thực hiện tích cực nhất Chiến lược Phát triển bền vững các biển Đông Á (SDS-SEA).
Có thể kể đến những nỗ lực của Việt Nam trong việc triển khai Chương trình quản lý tổng hợp đới bờ cho dải ven biển Bắc trung bộ và duyên hải Trung bộ giai đoạn 2011 - 2013. Sau Chương trình này, 17 tỉnh, thành ven biển trong Dự án đã đươc tập huấn, truyền thông để nâng cao nhân thức trong việc bảo vệ môi trường vùng bờ; được hướng dẫn kỹ thuật trong việc lồng ghép chương trình bảo vệ vùng bờ biển vào Chiến lược phát triển kinh tế xã hội địa phương. Hầu hết các tỉnh thuộc dự án cũng đã phê duyệt Chiến lược quản lý tổng hợp vùng bờ của địa phương mình như Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Ngãi…
các chuyên gia, nhà khoa học biển và đại diện các địa phương có biển trong khu vực Đông Á đã cùng nhau thảo luận những thách thức trong việc thực hiện ICM ở Việt Nam |
Tuy đạt được một số thành tựu ban đầu nhưng triển khai QLTHVB tại Việt Nam còn nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là cách tiếp cận QLTHVB tại Việt Nam chưa có sự thống nhất trong hướng dẫn, chỉ đạo khiến các địa phương khi triển khai còn gặp nhiều lúng túng; QLTHVB là một lĩnh vực còn tương đối mới mẻ nên Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm, năng lực của lãnh đạo ở cả cấp TW và địa phương đều hạn chế.
Ngoài ra, không có kinh phí, chủ yếu sử dụng từ ngân sách hạn hẹp, chưa tận dụng được nguồn vốn lồng ghép; Thiếu một cơ chế đa ngành, đa địa phương ven biển để giải quyết, quản lý tài nguyên biển; Mâu thuẫn về lợi ích khai thác giữa các ngànhdo thiếu quy hoạch về khai thác vùng bờ… là những khó khăn, thách thức Việt Nam đang phải đối mặt trong kế hoạch hành động QLTHVB.
Vì một bờ biển “khỏe mạnh”
Từ năm 2000, hưởng lợi từ dự án trình diễn điểm QLTHVB do PEMSEA hỗ trợ, thành phố Đà Nẵng đã xây dựng thành công mô hình điểm trình diễn về hoạt động quản lý tổng hợp vùng bờ, giúp Đà Nẵng trở thành một thành phố biển xanh, có môi trường đáng sống. Bà Nguyễn Thị Chín, Phó Chi cục trưởng Chi cục biển và Hải đảo TP. Đà Nẵng chia sẻ: “Trong suốt 15 năm tham gia dự án, theo tôi, để QLTHVB hiệu quả phải có sự tham gia hài hòa của các bên liên quan, đó là các chuyên gia, các ban ngành quản lý và cộng đồng dân cư; Thực hiện nghiêm túc lộ trình của dự án như là PEMSEA có 6 bước; Khi chúng ta thực hiện dự án phải có một đội ngũ hiểu rõ các khái niệm liên quan đến QLTHVB”.
Kinh tế đại dương và vùng bờ có vai trò rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng của địa phương |
Một địa phương khác ở khu vực miền Trung cũng đã có nhiều thay đổi khi tiếp cận dự án trình diễn điểm QLTHVB là tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo Chi cục biển và hải đảo tỉnh Thừa Thiên Huế, ngay từ những năm đầu 2000, tỉnh đã chú trọng đến quản lý vùng bờ. Địa phương cũng hợp tác với Hà Lan về quản lý tổng hợp dải ven biển (VNICZM). Thông qua dự án, nhận thức về QLTHĐB đối với các cấp có thẩm quyền, các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương, các bên liên quan và cộng đồng dân cư ở đới bờ đã được nâng cao, đặc biệt trong quá trình xây dựng, phê duyệt và cam kết thực hiện Chiến lược và Kế hoạch QLTHĐB của tỉnh.
Ông Đặng Xuân Dũng, Chi cục trưởng Chi cục biển và hải đảo tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng: “Vấn đề cốt lõi để triển khai hiệu quả công tác quản lý vùng bờ thì phải làm sao để khái niệm phát triển bền vững, khai thác sử dụng tài nguyên môi trường vùng biển đi vào được đời sống người dân, cộng đồng hiểu rõ, hưởng ứng, chính quyền địa phương cùng phối hợp hưởng ứng. Trong truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý tổng hợp đới bờ (QLTHĐB) thời gian đầu, còn khó khăn với chính những người làm quản lý, chưa nói tới cộng đồng dân cư bởi sự mới mẻ, đan xen nhiều yếu tố. Song "mưa dầm thấm lâu", với sự kiên trì và cố gắng của những người làm công tác truyền thông biển đã bước đầu đạt được những kết quả tốt tại địa phương.
Bằng cách thể chế hóa và lồng ghép các chương trình quản lý tổng hợp biển và hải đảo vào hệ thống các chính sách, chiến lược đã giúp cho Việt Nam trở thành một trong những nước trong khu vực thực hiện tích cực nhất Chiến lược Phát triển bền vững các biển Đông Á (SDS-SEA) |
TS. Vũ Sỹ Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục biển và hải đảo cho biết, từ nay đến 2020 tập trung hoàn thiện chính sách pháp luật trong QLTHĐB, xây dựng và thể chế hóa cơ chế điều phối đa ngành.
Năm 2016, dự kiến xây dựng và ban hành Cơ chế hướng dẫn QLTHVB cho các địa phương ven biển về mặt kỹ thuật để các địa phương tham khảo triển khai. Đồng thời, tăng cường năng lực và nhận thức về QLTHVB: xây dựng QL thông tin tổng hợp, khung cơ sở dữ liệu để hệ thống TW có thể kết nối với địa phương. “Nên tập trung vào hoạt động chính như: thiết lập cơ quan điều phối; xây dựng cơ chế và kế hoạch hành động, xây dựng hệ thống và phân vùng cơ quan chức năng; từ 2016 - 2020 tập trung xây dựng quy hoạch khai thác và sử dụng bền vững, xây dựng mô hình đồng quản lý tài nguyên” - ông Tuấn nói.
Xuân Lam - Lan Anh