Chú trọng bảo vệ môi trường
Thay vì ngăn sông làm hồ chứa, dự án thủy điện Srêpôk 4A đã đào kênh dẫn nước từ sau nhà máy thủy điện Srêpôk 4, dài 10km và 3km kênh xả đưa nước trở lại sông Sêrêpôk. Khi làm kênh thu nước phát điện, dự án xây dựng đã làm cống xả ngay đầu kênh với lưu lượng được các cấp phê duyệt là 8,23m3/s nhưng vẫn làm cho 20km sông Sêrêpôk đoạn sông từ sau đập thuỷ điện Srêpôk 4 đến trạm thuỷ văn Buôn Đôn bị thiếu hụt nước vào mùa khô.
Do đó, năm 2014 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1201/QĐ-TTg về quy trình vận hành liên hồ thủy điện trên sông Sêrêpôk, yêu cầu Công ty cổ phần thuỷ điện Buôn Đôn xây dựng thêm cống xả để đảm bảo khi phát điện lưu lượng xả nước tại đầu kênh dẫn là 27m3/s. Thực hiện quyết định này, Chủ đầu tư đã nhanh chóng xây dựng thêm cống xả nước tại đầu kênh dẫn. Đến ngày 15/8/2015, cả hai cống xả cũ và mới đã hoạt động đảm bảo lưu lượng xả nước 27m3/s về sông Sêrêpôk.
Hai cống xả nước ngay đầu kênh dẫn Nhà máy thủy điện Srêpôk 4A đảm bảo 27m3/s vào sông Sêrêpôk theo quy định |
Không chỉ thế, những tồn tại xung quang việc đền bù giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, hay thi công xây dựng cầu vượt kênh ảnh hưởng đến giao thông, Công ty cổ phần thủy điện Buôn Đôn cũng tích cực phối hợp với cơ quan chức năng huyện Buôn Đôn, và tỉnh Đắk Lắk giải quyết kịp thời đúng quy định của pháp luật, đảm bảo hài hòa lợi ích của chủ đầu tư và người dân trong vùng dự án.
Hồi sinh vùng đất cằn
Kênh dẫn nước nhà máy thủy điện Srêpôk 4A, chảy qua địa bàn 03 xã Ea Wer, Ea Huar, và xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Khu vực kênh dẫn thuỷ điện đi qua, là vùng đất khô cằn. Nhất là vào mùa khô Tây Nguyên, nơi đây là vùng đất chết vì không tìm ra nguồn nước để canh tác. Tuy nhiên, từ khi có kênh dẫn nước thủy điện đi qua, không chỉ cải tạo môi sinh cho vùng đất này mà những cánh đồng chết đã được hồi sinh. Mùa khô năm 2015 này, nhiều người dân đã đặt máy bơm nước để trồng dưa hấu dọc theo hai bên bờ kênh.
Ông Lê Văn Toàn quê ở Quảng Ngãi lên Buôn Đôn thuê đất trồng dưa hấu từ 6 năm nay. Song đây là năm đầu tiên ông đến cánh đồng Buôn Giang Lành thuê đất trồng dưa hấu. Ông tâm sự: “Vùng này đất sỏi trồng dưa rất phù hợp, song điều quan trọng nhất là có nguồn nước từ kênh của thủy điện Srêpôk 4A. Bởi trồng dưa hấu điều quan trọng là nước, nếu khi dưa ra hoa đậu quả mà thiếu là thất thu. Những năm trước tôi thuê đất ở nơi khác, không có nước tưới nên phải mua nước trong hồ của dân hết gần 5 triệu đồng, nay có nguồn nước miễn phí từ kênh thủy điện sẽ giảm chi phí đáng kể, nước thỏa mái đang hứa hẹn một mùa dưa bội thu”.
Người dân đặt máy bơm nước tưới cho cây trồng dọc hai bờ kênh thủy điện Srêpôk 4A |
Về vấn đề này, ông Y Thông Khăm - Chủ tịch UBND xã Krông Na, huyện Buôn Đôn cho biết: “Khi có nguồn nước từ kênh dẫn thủy điện Srêpôk 4A đã làm cho cánh đồng dọc kênh có thể sản xuất được trong mùa khô. Việc người dân ở các địa phương khác đến thuê đất trồng dưa hấu sẽ có thêm nguồn thu cho người dân địa phương. Về lâu dài, xã đang định hướng phát triển vùng cây Thanh Long, vì đã chủ động được nguồn nước từ kênh thủy điện. Trước mắt đang có một số hộ trồng thí điểm, nếu hiệu quả sẽ phát triển đại trà, vừa phát huy được tài nguyên đất vừa tận dụng hiệu quả nguồn nước từ kênh thủy điện, mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
Nhà máy thủy điện Srêpôk 4A, đi vào hoạt động đã góp phần cải tạo môi sinh môi trường, làm hồi sinh vùng đất cằn mà nó đi qua, đồng thời bổ sung điện năng cho hệ thống lưới điện Quốc gia và đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 40 tỷ đồng mỗi năm.
Song, theo tính toán của đơn vị tư vấn thì việc phải mở rộng thêm cống xả nước theo quy trình vận hành liên hồ như hiện nay, thì sản điện lượng hàng năm của nhà máy sẽ bị tụt giảm khoảng 20%, từ 295 triệu KWh công suất thiết kế xuống còn 233 triệu KWh. Việc sụt giảm điện năng đã gây nhiều khó khăn cho nhà đầu tư, từ đó Nhà nước cần có chính sách phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho chủ đầu tư và đảm bảo môi sinh, môi trường trên sông Sêrêpôk.
Đình Thắng