Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương đốn rừng, tận thu đất đồi khi chưa được giao đất?

Trần Tuấn - Xuân Vũ| 09/12/2020 09:51

(TN&MT) - Trong quá trình xây dựng Nhà máy nhiệt điện tại Hải Dương, Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật, đó là tự ý chặt hơn 26 ha rừng khi chưa có Quyết định giao đất của UBND tỉnh Hải Dương; đào, xúc vận chuyển đi nơi khác hàng triệu m3 đất đồi của hơn 26 ha khi chưa có giấy phép tận thu khoáng sản, gây thất thoát nhiều tài nguyên quốc gia.

Tự ý đốn hàng chục héc ta rừng 

Toàn bộ phần rừng trong quy hoạch đã bị chặt hạ, đất đồi bị đào bới nhiều lớp.

Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương ở hai xã Quang Thành và Lê Ninh, Thị xã Kinh Môn tỉnh Hải Dương, thu hút khoảng 2,2 tỷ USD là dự án lớn chuẩn bị đi vào hoạt động. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng, Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương (Công ty Điện lực Jaks) triển khai các phần việc để xây dựng bãi thải xỉ đã vi phạm những quy định của pháp luật. Xây dựng bãi thải xỉ của nhà máy rộng hơn 74 ha. Trong đó có 26,87 ha rừng, bao gồm 15,73 ha thềm rừng gốc là rừng phòng hộ và 11,14 ha rừng sản xuất.

Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương có dấu hiệu vi phạm khi tự ý đốn rừng, đào, xúc vận chuyển đất rừng khi chưa được phép.

Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương có dấu hiệu vi phạm khi tự đào, xúc vận chuyển đất rừng khi chưa được phép.

Theo ông Nguyễn Hữu Thụ, phụ trách Trạm quản lý rừng Kinh Môn thì phần rừng trong quy hoạch xây dựng bãi thải xỉ được Công ty Điện lực Jaks chặt hạ và triển khai thi công từ giữa năm 2019, thi công khẩn trương từ đầu năm 2020 đến nay. Chúng tôi có hỏi, tại sao khi chưa có quyết định giao đất, Công ty Điện lực Jaks đã cho chặt hạ trên 15 ha rừng phòng hộ, 11 ha rừng sản xuất? Đại diện Ban Quản lý rừng Hải Dương thừa nhận sự việc đúng như vậy. Nhưng ngày 26-2-2019, UBND tỉnh Hải Dương đã ra quyết định chuyển 17,75 ha rừng phòng hộ ở khu vực này thành rừng sản xuất để bảo đảm điều kiện cho Công ty Điện lực Jaks được chuyển đổi mục đích sử dụng đất hợp lý thành đất thuê lâu dài. Toàn bộ diện tích này UBND Thị xã Kinh Môn đã làm thủ tục thu hồi, đền bù để giải phóng mặt bằng. Diện tích 17,75 gốc là rừng phòng hộ, Công ty Điện lực Jaks chỉ sử dụng hết 15,73 ha. Ông Thụ cũng thừa nhận đến nay diện tích này chưa có quyết định của UBND tỉnh Hải Dương về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và giao cho Công ty Điện lực Jaks thuê.

Cũng về diện tích rừng, phần diện tích 11,14 ha rừng sản xuất đã được Công ty Điện lực Jaks chặt bỏ từ năm 2019, đồng thời tiến hành cắt tầng các lớp đất đồi, lấy đất đồi san lấp mặt bằng tại chỗ và vận chuyển một phần ra ngoài khu vực. Phần diện tích đất rừng sản xuất đã được bốc xúc từ lâu, nhưng chúng tôi phát hiện thấy mãi tới ngày 7-8-2020, UBND tỉnh mới ra Quyết định số 2277/QĐ-UB về việc chuyển mục đích sử dụng đất cho Công ty Điện lực Jaks thuê đất đợt 3. Quyết định này chỉ mới giao 11,14 ha rừng sản xuất cho Công ty điện lực thuê nhưng rừng sản xuất đã bị chặt từ một năm trước. Như vậy toàn bộ thềm rừng phục vụ xây dựng bãi chứa xỉ thải với tổng diện tích 26,87 ha, Công ty Điện lực Jaks đã cho chặt rừng từ lâu, khi chưa có quyết định giao đất, đồng thời để cho các nhà thầu triển khai thi công, đào khoáng sản đất đồi vận chuyển đi nơi khác, với nhiều vi phạm về quy định về pháp luật.

Nhiều diện tích rừng bị chặt hạ, đất đai bị vận chuyển trái phép ra ngoài khu vực gây thất thoái tài nguyên khoáng sản.

Cơ quan chức năng cần kiểm tra thủ tục pháp lý của các cầu cảng phục vụ vận chuyển đất.

Hàng triệu m3 đất đồi không phép vận chuyển đi đâu?

Trực tiếp trên công trường, phóng viên chứng kiến nhiều máy súc cùng hơn chục xe vận tải cỡ lớn ngày ngày vận chuyển đất đồi ra máng rót ven sông đổ xuống tàu thủy. Hàng chục con tàu lớn, nhỏ có sức chở cả nghìn tấn đang chờ ăn hàng. Những tàu này chở đất đồi vận chuyển đi nơi khác có phép hay không mà ngang nhiên được làm như vậy?

Ông Trần Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Lê Ninh, thị xã Kinh Môn cho biết, việc vận chuyển đất đồi diễn ra từ cuối năm 2019 đến nay. UBND xã cử người ra kiểm tra nhưng những người bốc xúc, vận chuyển đất đồi trả lời rằng họ chỉ làm việc cho Công ty điện lực. Có vấn đề gì xã làm việc với Công ty Điện lực Jaks. Xã cùng các ngành chức năng đã có buổi làm việc với Công ty Điện lực Jaks yêu cầu thực hiện việc bốc xúc, vận chuyển đất đồi ra khỏi khu vực phải tuân thủ quy định của pháp luật. Tuy nhiên, sự việc không có gì thay đổi. Nhà thầu vẫn ngang nhiên phá rừng, bốc xúc đất đồi vận chuyển đi nơi khác. Ông Chủ tịch xã cho rằng, dự án này do Chính phủ phê duyệt, tất cả chắc vì tiến độ nên chính quyền cấp xã không thể can thiệp.

Các phương tiện vận chuyển đất từ khu vực xây dựng bãi thải xỉ tại Kinh Môn (Hải Dương) đi nơi khác khi chưa có giấy phép tận thu tài nguyên.

Rất nhiều tàu vào "ăn đất" vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ.

Như vậy đến thời điểm đầu tháng 12-2020, toàn bộ 15,73 ha đất nguyên gốc là rừng phòng hộ chưa được giao cho Công ty Điện lực Jaks, nhưng rừng đã bị phá và đất đồi rừng đã bị đào bới tan hoang.

Làm việc với Phòng Quản lý khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương), ông Phạm Văn Nhởn, Trưởng phòng cho biết, Công ty diện lực Jaks và nhà thầu chưa làm đầy đủ các thủ tục để xin cấp giấy phép tận thu khoáng sản, nên hiện nay chưa có phép.

Làm việc với ông Nguyễn Thạch Cương, Trưởng phòng Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương, ông Cương cho biết, tới thời điểm này, tại khu vực xây dựng bãi chứa xỉ thải, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh đã ra 3 quyết định chuyển mục đích sử dụng đất cho Công ty Điện lực Jaks thuê đất lâu dài với tổng diện tích 3 đợt là 58,9 ha. Trong đó bao gồm đất trồng lúa nước, đất nuôi trồng thủy sản, đất trồng cây lâu năm, đất giao thông, đất ở, đất rừng sản xuất…để xây dựng bãi thải xỉ. Hiện còn 15,73 ha diện tích gốc là rừng phòng hộ đang làm thủ tục, xin phép các bộ, ngành, nên chưa có quyết định của UBND tỉnh chuyển mục đích sử dụng đất cho Công ty Điện lực Jaks thuê đất.

Hang triệu m3 đất được vận chuyển trái phép đi đâu, các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương liệu có biết?

Như vậy, hàng triệu m3 đất đồi đã vận chuyển đi đâu?. Phải chăng chính quyền các cấp, các ngành chức năng tỉnh Hải Dương buông lỏng quản lý để cho một số nhà thầu khai thác, tiêu thụ tài nguyên trái phép? Đề nghị các cơ quan chức năng của Trung ương và tỉnh Hải Dương  sớm vào cuộc kiểm tra làm rõ, xử lý nghiêm.

Báo điện tử  Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thông tin về vụ việc này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương đốn rừng, tận thu đất đồi khi chưa được giao đất?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO