(TN&MT) - Các chuyên gia ngôn ngữ cho rằng, tiếng Việt kiểu mới khó có thể được xã hội chấp nhập, nhưng nhà khoa học này cần được trân trọng vì sự tâm huyết với tiếng Việt.
Xung quanh đề xuất của PGS. TS Bùi Hiền cải tiến chữ cái tiếng Việt, PGS.TS. Phạm Văn Hảo (Phó Tổng biên tập Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, Hội ngôn ngữ học Việt Nam) cho hay, nhiều người đang có phản ứng thái quá.
Theo TS Hảo, chuyện đề xuất, đưa ra cái mới của PGS.TS. Bùi Hiền trong ngành là bình thường. Đó là thể hiện sự yêu tiếng Việt.
Đây chỉ mới là một nửa đề nghị của ông Hiền. Ông Hiền có nói đến tháng 3/2018 sẽ trình bày nốt phần Nguyên âm (đề xuất này là phần Phụ âm). Ở đề xuất này, ông Hảo cho rằng, có 2 vấn đề cần đặt ra: nội dung về mặt khoa học, âm và chữ có thỏa đáng, có khoa học. Tuy nhiên, cần xem xét ở mặt xã hội.
Nếu cải tiến tiếng Việt, tất cả chứng minh thư, sổ hộ khẩu, tên đường phố… đều phải làm lại hết..
Chữ tiếng Việt kiểu mới |
PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hoá Việt Nam, Đại học KHXH &NV – ĐHQG Hà Nội cho rằng, chữ viết là phương tiện thể hiện của ngôn ngữ nhưng một khi đã hình thành và phát triển thì nó không chỉ đơn thuần là mối quan hệ giữa chữ và âm nữa mà còn liên quan đến tâm lý, cảm thức văn hoá, thói quen của người bản ngữ được định hình trong quá trình sử dụng. Cải tiến chữ viết theo cách mà PGS. Bùi Hiền hầu như thay đổi về cơ bản hệ thống chữ quốc ngữ hiện hành, vì vậy khó có thể được mọi người chấp nhận.
Ngoài ra, ngay cả khi bằng một mệnh lệnh hành chính nào đó để cải tiến chữ quốc ngữ theo cách mà PGS Bùi Hiền đề nghị thì việc thay đổi cả một hệ thống chữ viết như vậy ở phạm vi toàn xã hội thật khó mà không xảy ra tình trạng lộn xộn về chính tả. Sự xung đột giữa thói quen viết lối cũ với cách viết theo lối mới mới được đưa vào sử dụng nhưng chưa quen thuộc.
Bên cạnh đó, nếu đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ này được áp dụng thì hàng loạt hệ luỵ khác sẽ kéo theo: Những người đã học hệ thống chữ viết cũ phải học lại hệ thống chữ viết mới, sách giáo khoa, các tài liệu tham khảo quan trọng, các văn bản pháp lý…sẽ phải biên soạn lại bằng kiểu chữ mới.
Cũng theo PGS.TS.Nguyễn Hồng Cổn, khi hệ thống chữ viết cải cách này được áp dụng thì toàn bộ kho sách tiếng Việt được viết và in theo chữ quốc ngữ hiện hành sẽ trở nên khó đọc và khó hiểu đối với các thế hệ sau và dần dần sẽ không còn ai muốn đọc nữa, ngoài các nhà nghiên cứu (như các văn bản Hán, Nôm cổ hiện nay).
PGS.TS.Nguyễn Hồng Cổn cho biết, PGS.TS Bùi Hiển không phải là người đầu tiên đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ mà chỉ là người gợi lại vấn đề và đưa ra một đề xuất mới với nhiều thay đổi gây tranh cãi. Đây chỉ là một báo cáo khoa học của cá nhân chứ không phải là đề xuất của một tổ chức khoa học hay cơ quan nhà nước nào nên mọi người cũng không nên quan trọng hóa vấn đề. Ít ra đây cũng là dịp để mọi người hiểu biết hơn về chữ quốc ngữ và cách ứng xử với nó.
Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho biết, đề xuất này không mới, ngay cả những năm 1960 tổ ngôn ngữ đã có đề án khá dài, nhưng thực hiện thì rất khó khả thi. Vì thế, phương án này của PGS Bùi Hiền chỉ là ý kiến cá nhân. Hiện tại giới ngôn ngữ không quan tâm nhiều đến việc cải tiến chữ quốc ngữ vì coi ngôn ngữ đã được định hình. Nếu thay đổi thì phải có kế hoạch dài hơi và chuẩn bị kỹ càng hơn.
Để đưa ra một vấn đề phải dựa vào ý kiến của các chuyên gia, căn cứ vào đề án được thực hiện ra sao. “Báo cáo PGS Hiền đăng trong kỷ yếu thì giới ngôn ngữ cho là bình thường, không tạo tiếng vang nào trong khi dư luận lại đổ xô vào bàn, ném đá.
Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cũng khuyên mọi người đừng lo ngại về đề xuất này của PGS Bùi Hiền vì đề án chưa được thực thi. Chữ quốc ngữ hiện thời vẫn đang đồng hành cùng tiếng Việt và không dễ dàng thay đổi được nó, mặc dù nó còn bộc lộ những bất hợp lý. Tuy nhiên, những bất hợp lý này cũng giống như những bất hợp lý của nhiều ngôn ngữ khác.
PSG.TS. Phạm Văn Tình (Tổng Thư kí Hội Ngôn ngữ học Việt Nam) lên tiếng cho rằng đề xuất của TS Hiển phải được tôn trọng. Đó là đề xuất của một nhà giáo, một nhà khoa học tâm huyết. “Chúng ta không nên vì thấy lạ mà vội vã phản bác”, ông Tình nói.
Theo ông Tình, chúng ta hãy khoan bàn tới tính đúng sai của vấn đề mà nên trân trọng thái độ lao động nghiêm túc đó. Ông Bùi Hiền có luận cứ riêng của ông.
PGS. TS.Phạm Văn Tình cho biết, đề xuất này không mới, ngay cả những năm 1960 tổ ngôn ngữ đã có đề án khá dài, nhưng thực hiện thì rất khó khả thi.
Theo TS Tình, chữ quốc ngữ hiện thời vẫn đang đồng hành cùng tiếng Việt và không dễ dàng thay đổi được nó, mặc dù nó còn bộc lộ những bất hợp lý. Tuy nhiên những bất hợp lý này cũng giống như những bất hợp lý của nhiều ngôn ngữ khác.
Thái Bảo - Quỳnh Vân