Xã hội

Nhà báo Võ Mạnh Hùng: Cần có cuộc “cách mạng xanh” bền vững hơn

Trường Giang (thực hiện) 20/06/2023 - 06:29

(TN&MT) - Có lẽ, hiếm có một nhà báo theo dõi lĩnh vực tài nguyên môi trường nào có được những thành tích ấn tượng, đáng mơ ước như nhà báo Võ Mạnh Hùng (bút danh Hùng Võ), Báo Điện tử VietnamPlus - Thông tấn xã Việt Nam.

Suốt hơn 10 năm làm việc tại VietnamPlus, anh luôn khẳng định được bản thân khi 8 lần liên tiếp đoạt Giải Báo chí Quốc gia - trong đó có nhiều giải A - giải thưởng rất danh giá và cao quý dành cho người làm báo… trước ngày kỷ niệm 21/6, Hùng Võ đã dành cho Báo TN&MT cuộc trò chuyện thú vị.

PV: Là nhà báo khá có duyên với các giải thưởng báo chí đề tài môi trường, điều gì tạo nên động lực thôi thúc anh tìm hiểu lĩnh vực này?

Nhà báo Võ Mạnh Hùng: Tôi nghĩ rằng môi trường là sự sống. Dù không phải là vấn đề mới, song bất cứ người dân nào trên Trái đất này cũng đặc biệt quan tâm - nhất là khi môi trường xung quanh chúng ta sinh sống còn đang bị “tác động xấu,” bị đe dọa và hủy hoại! Vì thế, là nhà báo phụ trách về lĩnh vực môi trường, tôi luôn tự nhủ mình cần phải có trách nhiệm với nghề bằng cách đi sâu vào thực tế phản ánh, để góp sức vào nỗ lực cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ “sự sống” cho chính mình và xã hội.

vo-hung.jpg
Nhà báo Võ Mạnh Hùng

Không thể phủ nhận, những năm gần đây, công tác quản lý nhà nước về môi trường đã dần chặt chẽ hơn. Song, thực tế “bức tranh môi trường” mà tôi ghi nhận được qua hàng chục chuyến đi thực địa từ năm 2016 đến nay vẫn còn khá nhiều những gam màu ô nhiễm. Đó là hệ lụy từ việc hàng nghìn dự án mới “ra đời” vẫn giữ thói quen “phát triển trước, làm sạch sau.” Đó là vô số những “đại công xưởng” không tuân thủ các cam kết về bảo vệ môi trường, ra sức “rút ruột” tài nguyên, khiến hàng ngàn ngọn núi trên khắp đất nước bị cạo trọc, khoét sâu đến… đau lòng!

Trong khi đó, về phía cơ quan quản lý, công tác kiểm tra việc chấp hành, thực hiện các nội dung cam kết theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường của doanh nghiệp thường được thực hiện bằng “niềm tin”, mang tính hình thức, thông qua những chuyến “thanh tra đột xuất nhưng thông báo trước” cũng như thẩm tra kết quả thực hiện của doanh nghiệp ngay trên giấy. Đây là “lỗ hổng” rất lớn trong khâu quản lý, khiến nhiều nơi đơn thư vượt cấp cứ thế… kéo dài.

PV: Với hơn 10 năm dấn thân trong lĩnh vực báo chí môi trường, anh nhận xét như thế nào về sự đổi mới, những kết quả đạt được về quản lý môi trường, và điều gì cần sớm khắc phục nhất?

Nhà báo Võ Mạnh Hùng: Có thể nói, chưa bao giờ công tác bảo vệ môi trường lại được quan tâm như giai đoạn hiện nay. Bởi lẽ, bảo vệ môi trường không chỉ đơn thuần là công việc của Đảng, Nhà nước, của một cơ quan hay tổ chức nào, mà đó là trách nhiệm của toàn dân, toàn xã hội. Môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là nhân tố quan trọng hàng đầu để bảo đảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân, do đó mọi đối tượng trong xã hội từ người già đến trẻ nhỏ, từ tổ chức đến cá nhân, từ người sản xuất đến người tiêu dùng đều có quyền và nghĩa vụ trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường.

Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”. Đảng, Nhà nước cũng đưa ra quan điểm nhất quán là “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá”. Điều này cho thấy Việt Nam luôn coi bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của nhân dân là mục tiêu hàng đầu. Với tinh thần đó, nhiều năm qua, Chính phủ thường xuyên kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp chuyển đổi mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh” cũng như hướng tới một xu thế phát triển không thể đảo ngược của nhân loại, đó là “tăng trưởng xanh.”

Theo đó, trong khoảng 5 năm qua, đặc biệt là sau một loạt sự cố môi trường xảy ra, công tác quản lý nhà nước về môi trường đã dần chặt chẽ hơn. Minh chứng thấy rõ là sự thay đổi hết sức quan trọng về cơ chế chính sách, như việc sửa đổi, thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2020. Đến nay, ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường của các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng cũng từng bước nâng lên.

hung-vo.jpg
Nhà báo Võ Mạnh Hùng trong quá trình đi điều tra, tìm hiểu về việc khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An hồi tháng 12/2022

Tuy vậy, qua các dữ liệu tìm hiểu được từ thực tế, cũng như qua trao đổi với lãnh đạo các cơ quan quản lý, đại biểu Quốc hội và giới chuyên gia, tôi nhận thấy bức tranh môi trường vẫn còn những “lỗ hổng” về chính sách/hàng rào pháp luật, lẫn cách quản lý, thực thi “có vấn đề” của cơ quan quản lý ở các cấp địa phương.

PV: Và thông điệp anh muốn gửi đi là gì?

Nhà báo Võ Mạnh Hùng: Vì lẽ đó, tôi muốn gửi đi thông điệp đã đến lúc cần phải có một “cuộc cách mạng xanh” bền vững hơn cho tương lai của người Việt. Đầu tiên là phải thiết lập được “hàng rào” đạt chuẩn về môi trường, đảm bảo an toàn cho cộng đồng sinh sống xung quanh các khu/cụm công nghiệp, dự án/nhà máy sản xuất. Cùng với đó, các cơ quan quản lý liên quan cần phải đánh giá kỹ lưỡng cũng như đưa ra một số kịch bản ứng phó nếu như trong quá trình vận hành nhà máy gặp sự cố. Đặc biệt là với các nhà máy sản xuất hóa chất, xi măng, nhà máy điện rác,… bởi nếu không cẩn thận, để xảy ra sự cố, tác hại về sức khỏe là rất khủng khiếp vì lượng khí độc dioxin, duram “khổng lồ” phát tán ra ngoài môi trường không chỉ nằm trong phạm vi 500m, mà còn xa hơn. Khi đó, nó sẽ là một formosa thứ hai, và nạn nhân của những ảnh hưởng là chính chúng ta và các thế hệ mai sau.

Đặc biệt, để kiểm soát vấn đề trên, yêu cầu vô cùng cấp thiết đối với các nhà máy là phải công khai minh bạch, liên tục về các số liệu quan trắc tự động, để người dân được biết và tham gia giám sát có trách nhiệm. Quan trọng hơn là để cơ quan quản lý kịp thời đưa ra biện pháp để phòng ngừa, đảm bảo an toàn về môi trường.

Đó cũng là “mệnh lệnh” từ cuộc sống, xu thế phát triển không thể đảo ngược để Việt Nam sớm hoàn thành các cam kết mạnh mẽ mà Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26); qua đó hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững cũng như nâng cao chất lượng môi trường sống cho mọi người dân.

PV: Nhân ngày 21/6, nhà báo có tâm sự, chia sẻ gì về nghề báo?

Nhà báo Võ Mạnh Hùng: Tôi luôn tâm niệm rằng, nghề báo là một nghề cao quý, song cũng là nghề khá nguy hiểm. Vì thế, người làm báo chân chính cần phải được trân quý và bảo vệ. Đồng thời, người làm báo cũng cần phải luôn có trách nhiệm với nghề, với xã hội.

Với suy nghĩ đó, mỗi khi thực hiện loạt bài viết, nhất là với các đề tài mà người ta coi đó là vấn đề cố hữu, tôi luôn theo đuổi bằng cả một quá trình. Tôi không phản ánh sự vụ mang tính nhỏ lẻ, không cho phép mình “phóng bút” biến chuột thành voi (nghĩa là không thổi phồng vấn đề), mà luôn tìm kiếm, đào sâu thông tin cũng như “mổ xẻ” vấn đề, để từ đó đưa ra giải pháp căn cơ nhất cho sự thay đổi.

Thực tế, trong quãng thời gian hơn 11 năm gắn bó với nghề báo, nhất là khi theo đuổi về đề tài môi trường, tiếp cận vào các khu vực “điểm nóng” về ô nhiễm, có những lúc tôi đã phải nuốt nước mắt bởi những bức tâm thư kêu cứu, bởi những thảm cảnh đau lòng. Vì thế, tôi luôn tự nhủ phải “đào sâu” vấn đề, nắm chắc thông tin, giữ thẳng ngòi bút của mình, nhất quán tư tưởng, lập trường để bảo vệ thông tin. Không để bất kỳ “thế lực” hay yếu tố nào tác động “bẻ cong” ngòi bút, làm sai lệch thông tin, che giấu sự thật. Đơn giản là bởi người dân phải sống chung, sống mòn với ô nhiễm, họ đã khốn khổ lắm rồi. Chưa kể, ở đó còn cả tương lai của rất nhiều đứa trẻ.

Thế nên, nếu dễ dãi với cái lợi trước mắt để đánh đổi sức khỏe của người dân, của thế hệ trẻ, để lấy kinh tế, làm giàu cho phần lớn là nhóm lợi ích, cho doanh nghiệp, thì đó - hiển nhiên là hướng phát triển sai lầm.

PV: Trân trọng cảm ơn anh!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà báo Võ Mạnh Hùng: Cần có cuộc “cách mạng xanh” bền vững hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO