Xã hội

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân - Nếu có kiếp sau vẫn chọn nghề làm báo

Bạch Thanh 20/06/2024 - 05:17

(TN&MT) - Đến thăm nhà báo Huỳnh Dũng Nhân vào một ngày tháng 6, chúng tôi được nghe chuyện dành trọn cuộc đời để “đi, yêu và viết” của ông. Qua câu chuyện kể và lời khuyên chân tình về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo như lời dặn dò quý báu cho thế hệ các nhà báo hôm nay và cả mai sau.

Như đã hẹn, ông sớm ra quán cà phê MILAN ngay trước khu nhà ông ở để ngồi chờ chúng tôi đến. Trong bầu không khí vui tươi, cởi mở, chúng tôi đi ngay vào vấn đề: “Anh Dũng Nhân sau khi nghỉ hưu năm 2015 luôn ấp ủ mong muốn được lưu giữ những kỷ niệm, những kinh nghiệm anh có được sau hơn 4 thập kỷ làm báo chuyên nghiệp của mình. Và rồi năm qua, anh đã hoàn thành nguyện vọng này bằng việc dồn hết tâm huyết vào cuốn hồi ký “40 năm đi, yêu và viết”, anh có chia sẻ gì với chúng tôi về “đứa con tinh thần” này của mình?.

h2-copy.jpg

Nói về tác phẩm “40 năm đi, yêu và viết” của mình, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cho biết, từ khi bắt đầu bước vào nghề cầm bút, ông đã tự tặng mình câu slogan “đi, yêu và viết”. Ông nói rằng: “Hơn 40 năm đối với cuộc đời cầm bút của một người cũng là tương đối dài. Tôi từng nuôi ý định viết hồi ký từ lúc sắp về hưu. Tôi muốn viết về nghề cho các thế hệ sau đọc”. Theo ông, viết hồi ký không khó mà lựa chọn những gì để viết mới khó, trong khi bản thân ông lại có quá nhiều chuyện muốn nói. “Tôi chỉ yêu nghề, viết để thỏa lòng đam mê và cũng là thỏa mãn tình yêu nghề của mình. Những câu chuyện của tôi cũng hiền lành, không có gì gay cấn với đời cả. Mình sống vui, chứ còn cứ để những điều lấn cấn cản bước thì không đi xa được” - ông nói thêm.

Trò chuyện với nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, chúng tôi mới hiểu hành trình cho ra đời cuốn hồi ký “40 năm đi, yêu và viết” ông cũng gặp lắm chông gai, phải ngưng công việc đang làm một thời gian. Đó là khi đang bắt tay vào soạn bản thảo thì bất ngờ ông bị tai biến, tay trái bị liệt không gõ laptop được, nên 1/3 cuốn này là viết bằng điện thoại. Trong 3 năm tai biến, khi bớt bệnh, ông đi 50 tỉnh thành để gặp gỡ, giao lưu bạn bè đồng nghiệp và thăm lại những nơi gắn bó với cuộc đời mình. Bằng cả tình yêu với nghề báo, ông vẫn quyết tâm để hoàn thành sản phẩm của chính mình.

Sức khỏe là thế, nhưng ngoài tác phẩm “40 năm đi, yêu và viết” mới đây ông lại tiếp tục cho ra đời tác phẩm mới “Tuyển tập Huỳnh Dũng Nhân - Cuộc đời và cây bút”. Trong tuyển tập ấy đúc kết lại bằng các tác phẩm tiêu biểu của các loại hình báo chí, văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh… để khắc họa cuộc đời và sự nghiệp của ông cũng như những câu chuyện mà tác giả muốn truyền tải. Ông cho rằng quyển sách này chính là tác phẩm đánh dấu cột mốc “70 năm tuổi đời và 50 năm tuổi nghề” của ông.

Nhắc đến Tuyển tập Huỳnh Dũng Nhân - Cuộc đời và cây bút, nhà báo Đặng Hữu Vinh cho biết, đến tham dự buổi ra mắt quyển sách này tại TP.HCM mới đây, nhà báo Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã bày tỏ sự ngưỡng mộ ý chí của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân. Bởi dù có thời gian bị bệnh, nhưng ông vẫn kiên cường chống chọi với bệnh tật và cho ra đời các tác phẩm đi sâu vào lòng người.

Theo nhà báo Hữu Vinh, không chỉ riêng anh mà nhiều người nhận thấy nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã không ngừng thay đổi mình bằng cách cập nhật, học hỏi những xu hướng mới. Ông tham gia đủ các nền tảng mạng xã hội và nhiệt thành lan tỏa những năng lượng tích cực trên những nền tảng hiện đại dành cho người trẻ. Ông luôn ghi ấn tượng ở những nơi mình xuất hiện, dù trên mạng ảo hay trong đời thực, ông đều dùng cây bút cùng kiến thức, một cách tinh tế, trách nhiệm, nhân văn.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân được những người mến mộ gọi tên “vua phóng sự” với hàng loạt phóng sự nổi tiếng chân thực, sinh động và nhận được hiệu ứng xã hội cao. Ông có quê cha ở Bến Tre, quê mẹ Kiên Giang, sinh ra tại Thanh Hóa nhưng lớn lên ở Hà Nội và rồi vào TP.HCM sinh sống, làm việc từ sau ngày đất nước thống nhất tới nay. Ông đã trải qua nhiều cương vị như: Nhà báo, giảng viên đại học, Phó Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, Tổng Biên tập Tạp chí Nghề báo…

Theo nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, trong cuộc đời làm nghề của mình, ông cảm nhận được rằng: Trong thời đại hiện nay, chúng ta phải khẳng định rằng báo chí là một phần của cuộc sống. Báo chí thực sự là sức mạnh tri thức, thông tin muôn mặt đời sống đến mọi người dân; đồng thời phản ánh mọi hoạt động của xã hội ngày càng đầy đủ, cập nhật toàn diện, phong phú, đa dạng, nhiều chiều. Và thời gian qua, báo chí có nhiều chuyển biến tích cực, có công rất lớn trong vai trò phản biện xã hội và được thể hiện ở nhiều khía cạnh.

Còn khi được hỏi: “Nhân kỷ niệm ngày truyền thống báo chí Việt Nam năm nay, ông khuyên những người làm báo những gì”? Ông thẳng thắn nói: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Tài và đức ở đây được hiểu là 2 mặt bổ sung chặt chẽ cho nhau và chỉ khi có đủ cả đức lẫn tài thì con người mới trở nên hoàn thiện được, trong đó đức là yếu tố quyết định. Nếu chiếu sang nghề báo cùng với nghiệp vụ báo chí, đạo đức nghề nghiệp được khẳng định như xương sống, rường cột bảo đảm cho sự phát triển của một cơ quan báo chí nói riêng và của cả một nền báo chí nói chung.

Do đó theo ông, người làm báo cần phải có sự say mê nghề nghiệp, cần phải thấu hiểu sự việc, có chính kiến, không bị lung lay, không bị sai đường lạc lối và luôn có lý tưởng chính trị chân chính trong hoạt động báo chí. Nhất là trước những thách thức hiện nay, người làm báo cần phải học tập, rèn luyện để nâng cao về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, với nét đặc trưng là lương tâm, trách nhiệm và lòng tự trọng của người làm báo…

Chỉ gần một giờ nghe những lời chia sẻ đầy tâm huyết của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, chúng tôi càng hiểu thêm được rằng, suốt quãng thời gian dài đã qua, ông đã dành trọn cho báo chí đúng như những gì ông từng nói “cứ đi, cứ viết và cống hiến hết mình cho báo chí”. Ông khẳng định chỉ yêu nghề, viết để thỏa lòng đam mê và cũng là thỏa mãn tình yêu nghề của mình. Chính nghề đã cho nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tất cả và lấy đi cũng nhiều điều, nhưng ông vẫn tâm niệm: “Nếu có kiếp sau, tôi vẫn xin được chọn lại nghề báo”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân - Nếu có kiếp sau vẫn chọn nghề làm báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO