Bà Nguyễn Thị Thu Hoài cho biết, chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng được Đảng, Nhà nước ta luôn xác định trong các văn kiện hoạch định đường lối về phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Thời gian qua, công tác tuyên truyền đã tham gia tích cực vào việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, thông tin quá trình xây dựng và phản biện chính sách, góp phần xây dựng thể chế phát triển kinh tế, thực hiện các mục tiêu đề ra của chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh.
Kết quả chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh thời gian qua
Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của Đảng, nội dung chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh đã được nghiên cứu, tích hợp vào nhiều văn bản luật, nghị định, thông tư trong các lĩnh vực cụ thể, đã tạo hành lang pháp lý để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi xanh, phát triển xanh của Việt Nam thời gian qua. Hàng loạt bộ luật đã được ban hành mới, hoặc bổ sung, sửa đổi liên quan đến chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Dầu khí, Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai, Luật Hóa chất, Luật Đa dạng sinh học, Luật Thuế tài nguyên, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Thuế bảo vệ môi trường, Luật Biển Việt Nam, Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Thủy lợi, Luật Thủy sản, Luật Lâm nghiệp ...
Hệ thống các luật, nghị định và quy định về môi trường, tài nguyên thiên nhiên, năng lượng, bảo vệ động vật và cây cối, quản lý chất thải, quản lý biến đổi khí hậu, và phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chương trình phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng hiệu quả năng lượng, chương trình quốc gia phát triển năng lượng mặt trời, chương trình phát triển sử dụng hiệu quả năng lượng tại các doanh nghiệp…. đang được tích cực triển khai.
Chính phủ đã ký kết, tham gia nhiều hiệp định và giao ước quốc tế về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Thỏa thuận Paris về hỗ trợ phát triển; đã thúc đẩy xây dựng các công trình xanh, quy hoạch và đầu tư vào các khu công nghiệp và khu đô thị xanh, nhằm giảm thiểu tác động của các hoạt động kinh tế đến môi trường. Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 31/12/2020 với mục tiêu đến hết năm 2025, cả nước trồng được một tỷ cây xanh, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Sau 10 năm thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 đã đạt được nhiều kết quả: Các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính được triển khai rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực, lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng giảm so với phương án phát triển bình thường; tiêu hao năng lượng tính trên GDP giảm hàng năm; tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp có nhận thức về sản xuất sạch tăng từ mạnh; tỷ lệ che phủ rừng tăng; hoạt động xanh hóa sản xuất, bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường; đầu tư phát triển vốn tự nhiên, tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm đã được chú trọng; nhận thức về vai trò của tăng trưởng xanh được nâng lên, tạo được làn sóng về đầu tư xanh như năng lượng gió, mặt trời, điện rác...
Tính ưu việt trong quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh
Trong tài liệu gửi các đại biểu dự diễn đàn, bà Nguyễn Thị Thu Hoài phân tích: có thể thấy, xuyên suốt các văn kiện của Đảng, Nhà nước đều thể hiện quan điểm: Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trên tinh thần không đánh đổi môi trường, tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; bảo đảm sự an toàn của con người, bảo đảm về chính trị, xã hội, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; lấy môi trường và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.
Các Chiến lược về tăng trưởng xanh đều khẳng định: Coi tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững; là một phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững; góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, hiện thực hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Đảng đã đề ra. Tăng trưởng xanh phải do con người và vì con người, lấy con người làm trung tâm, giúp giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của con người trước biến đổi khí hậu; khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội, định hướng thế hệ tương lai về văn hóa sống xanh, hình thành xã hội văn minh, hiện đại hài hòa với thiên nhiên và môi trường. Tăng trưởng xanh dựa vào thể chế và quản trị hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với bối cảnh quốc tế và điều kiện trong nước; định hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững; tạo động lực để đầu tư tư nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế xanh. Khẳng định tăng trưởng xanh là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức liên quan, được thúc đẩy bằng tinh thần đổi mới sáng tạo và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, bền vững.
Nhà báo với trách nhiệm tuyên truyền
Với sự nỗ lực của hệ thống chính trị và công tác tuyên truyền, nhận thức của nhân dân, cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh được nâng lên rõ rệt, từng bước thay đổi hành vi sản xuất, sinh hoạt và có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào thực hiện chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh. Xuất hiện nhiều mô hình sản xuất và tiêu dùng tiết kiệm, an toàn, văn minh, thân thiện với thiên nhiên. Môi trường sống của người dân ngày càng thay đổi theo hướng tích cực. Nhiều doanh nghiệp cũng đã hưởng ứng chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình sản xuất, kinh doanh thông minh và bền vững, thân thiện với môi trường. Ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng, doanh nghiệp có nhiều chuyển biến. Công tác xây dựng thể chế về chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh đạt nhiều kết quả.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thu Hoài, chuyển đổi xanh, phát triển xanh ở Việt Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế, có nguyên nhân bắt nguồn từ sự nhận thức chưa đầy đủ, chưa sâu sắc. Điều đó đặt ra yêu cầu cho công tác tuyên truyền cần phải tiếp tục có những phương thức phù hợp để phổ biến kiến thức rộng rãi trong xã hội, làm thay đổi nhận thức từ lãnh đạo đến doanh nghiệp và mọi người dân, biến nhận thức thành hành động cụ thể trong hoạch định chính sách của chính quyền, trong xây dựng và thực hiện chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp và thói quen sống, thói quen tiêu dùng của mỗi người dân.
Để góp phần thúc đẩy mạnh mẽ về chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, bà Nguyễn Thị Thu Hoài nhấn mạnh, về công tác tuyên truyền thời gian tới cần chú trọng:
Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng, sự cần thiết của việc chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó nhấn mạnh: Việc chuyển sang nền kinh tế xanh được coi là giải pháp xử lý hài hòa nhu cầu phát triển kinh tế và việc giảm nguy cơ thiên nhiên bị tàn phá, giảm thiểu nguy cơ các loại virus nguy hiểm tấn công xã hội con người mà ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 là một ví dụ thực tế.
Mục tiêu tuyên truyền nhằm nâng cao thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận của xã hội trong thực hiện chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, gắn với bồi đắp ý chí, khát vọng hiện thực hóa các mục tiêu, chiến lược phát triển bền vững đất nước như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trên, các cấp, ngành từ Trung ương tới địa phương phải triển khai thực hiện nhiều chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước được cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch, dự án, đề án lớn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại. Việc chuyển mạnh nền kinh tế sang chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh trong giai đoạn phát triển mới của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là một lựa chọn tất yếu, là cơ hội lớn để Việt Nam trở thành một quốc gia tiên phong trong khu vực về chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới; thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc;
Chú trọng tuyên truyền làm nổi bật nỗ lực của Đảng, Nhà nước và kết quả chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh thời gian qua; Đồng thời, làm sâu sắc tính nhân văn, cơ sở khoa học, quan điểm nhất quán gắn kết mục tiêu phát triển kinh tế với mục tiêu công bằng xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường trong quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh.
Công tác tuyên truyền cần nêu bật những nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Làm rõ các mục tiêu hướng tới đó là: Tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu; giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu…;
Đặc biệt, cần làm rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước, đó là: Lấy con người làm trung tâm - chủ thể phát triển, lấy đạo đức làm nền tảng; kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy kinh tế; phát triển phải cân bằng trên ba trụ cột: Xã hội - kinh tế - môi trường…
“Bên cạnh đó, tuyên truyền cần đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp, nhà báo và mỗi người dân đối với nhiệm vụ chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh. Nhà báo cần tuyên truyền một cách có trách nhiệm, cần nghiên cứu và phân tích các chính sách, giải pháp và kết quả của các dự án chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh để đưa ra các bài báo chất lượng; truyền tải thông tin cho cộng đồng một cách rõ ràng, đầy đủ và dễ hiểu” – bà Nguyễn Thị Thu Hoài nhấn mạnh.