Tình trạng lấn chiếm hành lang đường sắt tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông |
Tuyến đường sắt đi qua khu phố 2, khu phố 3, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức (TP.HCM) từ nhiều năm nay đã tồn tại nhiều căn nhà và công trình phụ trợ ngay sát đường ray. Nhiều người còn thản nhiên sinh hoạt bình thường khi tàu lửa đang đến gần. Mặc dù chính quyền địa phương đã bố trí bảng thông báo cấm các hành vi lấn chiếm, chiếm dụng, xây dựng, căng lều bạt, kinh doanh, trồng cây, để vật tư, xả rác thải trong khu vực hành lang đường sắt nhưng hầu như không có tác dụng.
Tại khu vực đường Kha Vạn Cân (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức), hành lang đường sắt đang có dấu hiệu xuống cấp, gần đường ray vẫn còn nhiều loại rác thải vứt bừa bãi, đặc biệt là tình trạng tự ý mở lối đi riêng ngang đường sắt tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT).
Anh Nguyễn Hữu Hải, người dân sống tại khu phố 2 (phường Hiệp Bình Chánh) lo lắng: “Trên địa bàn phường có đường ngang dân sinh không có gác chắn. Vì vậy, mỗi ngày khi phải băng ngang qua đường ray xe lửa, chúng tôi nơm nớp lo sợ. Có 3 căn nhà nằm trong phạm vi hành lang ATGT đường sắt án ngữ ngay giao lộ che khuất tầm nhìn người đi đường.
"Ngoài ra, còn có một số hộ tổ chức cơi nới, xây dựng kiên cố. Mới cách đây gần một tháng, trong cơn mưa to, một chiếc xe tải trong lúc băng ngang đường sắt đã suýt bị tàu lửa đụng phải. Rất may tài xế đã kịp tránh, chứ không thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra”, anh Hải nói thêm.
Theo thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn TP.HCM hiện có tổng cộng 24 đường ngang xe lửa. Trong đó, 20 đường ngang có nhân viên trực gác, 4 đường ngang tổ chức phòng vệ theo hình thức cảnh báo tự động hoặc cần chắn tự động. Số liệu của Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, nguyên nhân gây tai nạn do người điều khiển phương tiện, người đi bộ, nằm, ngồi trên đường sắt và dọc hai bên hành lang an toàn đường sắt chiếm 44%; tai nạn tại lối đi tự mở chiếm 40%...
Trên thực tế, việc tuyên truyền, giáo dục, xử phạt, cưỡng chế các công trình xây dựng trái phép gây ảnh hưởng xấu đến hành lang an toàn đường sắt là rất cần thiết. Tuy nhiên, để ngăn ngừa, kiềm chế tai nạn cần có các giải pháp đồng bộ, lâu dài. Theo đó, công tác quản lý, giám sát, điều tiết giao thông tại các quận có nhiều điểm giao cắt với đường sắt phải được duy trì nghiêm túc, khoa học. Hạ tầng, trang thiết bị ngành đường sắt và hệ thống cảnh báo, đèn tín hiệu, thiết bị an toàn cần được duy tu, bảo dưỡng định kỳ. Cán bộ làm nhiệm vụ cảnh giới, giám sát an toàn phải được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên.
Nhằm chấn chỉnh tình trạng mất ATGT đường sắt, UBND TP.HCM vừa yêu cầu Công an TP tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ gây mất ATGT đường bộ, đường sắt tại các vị trí đường ngang, nhất là các hành vi che khuất tầm nhìn tại đường ngang; dừng đậu xe tại những nơi giao cắt đường bộ - đường sắt, cố tình vượt qua đường khi đã có tín hiệu cảnh báo tàu đang đến, cần chắn đã hạ xuống.
Ông Võ Khánh Hưng - Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, các đơn vị phòng, ban chức năng chịu trách nhiệm kiểm tra, phát hiện các cá nhân, tổ chức có hành vi xâm hại đến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và đường sắt, tự ý mở lối đi trái phép thì cần phải xử lý nghiêm để nhanh chóng giải quyết dứt điểm tình trạng nêu trên trên địa bàn thành phố.