Kinh tế

Nguy cơ thiếu điện vẫn hiện hữu

Hằng Thương 03/01/2024 - 08:45

Năm 2024, miền Bắc vẫn đối diện mối lo thiếu từ 1.200 - 2.500 MW điện, đặc biệt là giai đoạn hè từ cuối tháng 5 đến tháng 7.

Đó là nhận định của ông Nguyễn Đức Thiện - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

thuy-dien-772.jpg
Năm2023, nhiều nhà máy thủy điện đã phải dừng phát điện để đảm bảo an toàn cho tổ máy khi vận hành với lưu lượng và cột nước thấp dưới thiết kế.

Ông Thiện cho biết, trong năm qua, tình trạng thiếu nguồn diễn ra trong khi công suất phân bổ của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) xuống rất thấp và kéo dài, dẫn tới Tổng Công ty phải điều chỉnh, tiết giảm một lượng lớn phụ tải. Ước tính công suất phải điều chỉnh và sa thải lớn nhất đạt 3.952 MW. Sản lượng điện tiết giảm ước 608 triệu kWh.

Dự báo công suất của EVNNPC năm 2024 có thể đạt trong khoảng ~17.200 - 18.000MW, tương ứng với tăng trưởng 8,7% - 13,7% so với 2023. Trong khi đó, năm 2024, miền Bắc sẽ không có nguồn điện lớn nào được bổ sung.

Đại diện EVNNPC cũng cho biết, Tổng Công ty đã lên 2 kịch bản cấp điện năm 2024 căn cứ trên dự báo phụ tải và công bố khả dụng của A0.

Để đảm bảo cấp điện năm 2024, đặc biệt trong mùa hè, ngoài việc tập trung hoàn thành các công trình xây dựng/cải tạo lưới điện trước 30/4/2024 và bổ sung nguồn 110kV tại khu vực mang tải cao, phụ tải lớn, công tác sửa chữa bảo dưỡng để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, EVNNPC sẽ tập trung vào điều chỉnh phụ tải, dịch chuyển giờ sản xuất của các phụ tải lớn để hạn chế tối đa tình trạng tiết giảm phụ tải.

Chia sẻ về những mối lo phải đối mặt trong năm 2024, Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn cho biết, hiện tổng công suất toàn hệ thống tính đến cuối năm 2023 đạt 80.556 MW nhưng thực tế huy động thấp hơn rất nhiều và dự phòng nguồn điện rất thấp.

Rủi ro vẫn luôn tồn tại khi EVN chỉ nắm giữ 37,2% tổng công suất nguồn điện trên toàn quốc. Cùng với đó, 2 Tập đoàn cũng chịu trách nhiệm đảm bảo cung ứng năng lượng cho quốc gia là Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) cũng chỉ đạt 2,3% và 7,7% trong khi các chủ đầu tư BOT và chủ đầu tư khác đang nắm tới 52% tổng nguồn cung điện trên thị trường.

6932-1697096230_1200x0.jpg

Lãnh đạo EVN cũng cho rằng, cung ứng điện vẫn khó khăn do phụ thuộc diễn biến bất thường thời tiết, mất cân đối cung cầu giữa các miền. Chẳng hạn, miền Bắc không có dự phòng về nguồn nhưng lại là nơi có nhu cầu sử dụng điện tăng 9 - 10% mỗi năm. Cùng với khó khăn về nguồn, năm qua, việc cung cấp than không đảm bảo cũng là gánh nặng khi TKV chỉ cung cấp đạt 95,44% hợp đồng (17,1 triệu tấn than), Tổng Công ty Đông Bắc cung cấp đạt 94,96% hợp đồng (6,98 triệu tấn than) trong khi nhiệt điện than vẫn là nguồn cung chủ yếu của đất nước.

Để vượt qua khó khăn, lãnh đạo EVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, các địa phương tăng cường tiết kiệm điện. Cùng với đó, EVN cũng kiến nghị Thủ tướng sớm phê duyệt Đề án cơ cấu lại EVN giai đoạn 2021 - 2025, Đề án tách A0 thành Công ty TNHH MTV và phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của tuyến đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên và Thủy điện Tích năng Bác Ái.

Tập đoàn kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét loại trừ yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận các năm 2022, 2023 của EVN. Kiến nghị Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ phê duyệt sửa đổi, bổ sung Điều lệ của EVN cũng như trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương nhập khẩu các nguồn điện tại Lào. Việc sớm thẩm định thiết kế kỹ thuật đợt 3 dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I và hoàn thành thẩm định thiết kế kỹ thuật giai đoạn 2 dự án Thuỷ điện Tích năng Bác Ái cũng là giải pháp gỡ khó cho tập đoàn.

Trước những khó khăn của EVN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công Thương đang rà soát chính sách, đề xuất sửa Luật Điện lực và dự kiến trình Quốc hội thông qua năm 2024. Trong đó, các kiến nghị của EVN về cơ chế phát triển năng lượng, thị trường, giá sẽ được ghi nhận trong quá trình sửa luật, các văn bản hướng dẫn.

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, năm 2024, EVN cần đảm bảo việc cấp điện, tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện; tập trung triển khai các giải pháp đảm bảo điện, mua điện từ Lào, Trung Quốc, tiếp tục tái cơ cấu tập đoàn…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ thiếu điện vẫn hiện hữu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO