Nguy cơ dân đói sau sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krel 2 (Gia Lai)

09/08/2013 00:00

(TN&MT) - Sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 đã gây ra lũ quét làm thiệt hại về tài sản, hoa màu, gia súc, gia cầm của 143 hộ dân.

   
(TN&MT) - Sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 (do Công ty cổ phần Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long Gia Lai làm chủ đầu tư) xảy ra vào ngày 12/6/2013 đã gây ra lũ quét làm thiệt hại về tài sản, hoa màu, gia súc, gia cầm của 143 hộ dân trên địa bàn xã Ia Dom, huyện biên giới Đức Cơ (tỉnh Gia Lai), trong đó có 105 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. 
   
  Ngoài ra, vụ vỡ đập đã cuốn trôi hơn 135ha cây trồng, hoa màu và nhiều vật nuôi, nhà cửa, vật dụng của người dân, cụ thể: hơn 103ha mì, gần 16ha lúa, gần 8ha điều, hơn 4ha bắp, 45 con gà, 14 nhà chòi, 15 bao phân bón, 1.350kg thóc, 62kg gạo…
   
  Đáng nói là sau sự cố này, thời gian đã xấp xỉ 2 tháng, song hàng trăm hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng vẫn chưa nhận được đền bù thiệt hại. Theo phương án đền bù đã được xác lập theo đúng thực tế và phù hợp với giá cả thị trường có tổng mức kinh phí đền bù gần 3,6 tỷ đồng, trong đó riêng phần hoa màu của dân là gần 1,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty cổ phần Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long Gia Lai cho rằng mức giá đền bù quá cao so với thực tế và chưa chấp nhận, nên hiện việc đền bù vẫn còn bị ách tắc.
   
   
   
   
  Về việc này, ông Võ Thanh Hùng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đức Cơ khẳng định: Mức giá đền bù đã được xác lập là đúng với thực tế và phù hợp với giá thị trường. Việc chậm trễ trong việc đền bù của phía Công ty cổ phần Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long Gia Lai đã gây nhiều khó khăn cho cuộc sống của người dân trên địa bàn huyện. Lãnh đạo huyện cũng đã yêu cầu đơn vị phải hoàn thành dứt điểm việc đền bù trong tháng này, tạo điều kiện cho bà con ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất kịp thời vụ. 
   
  Theo ghi nhận của PV Báo Tài nguyên & Môi trường, trong những ngày này, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng hạ du công trình thủy điện Ia Krêl 2 rất khốn khó. Sự cố vỡ đập gây nên cơn "đại hồng thủy" ở xã Ia Dom (huyện Đức Cơ), dòng nước dữ đã cuốn trôi tất cả tài sản của các hộ gia đình người Ja Rai. Phần lớn bà con trong vùng hiện sống dựa vào tiền đi vay mượn và một phần ít ỏi tiền công đi làm thuê, cuốc mướn.
   
  Với việc Công ty cổ phần Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long Gia Lai cứ trì hoãn, kéo dài thời gian bồi thường thiệt hại cho các hộ dân, thì nguy cơ xảy ra thiếu ăn ở các hộ dân chịu ảnh hưởng của sự cố vỡ đập thủy điện là rất cao.
                                                                                       
  Tin & ảnh: Thục Vy
           
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ dân đói sau sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krel 2 (Gia Lai)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO