Nguồn mạch mùa xuân

Ngọc Minh Châu| 13/01/2023 18:29

(TN&MT) - Những ngày cuối năm ở Nhà máy nước sạch Sông Đà Ba Vì, mọi hoạt động vẫn diễn ra như thường lệ, các vị trí trực vẫn tập trung cao độ, màn hình theo dõi kỹ thuật, an ninh của Nhà máy luôn sáng và có người túc trực. Trong tiếng róc rách rì rào reo vui của nước, lắng nghe, có tiếng mùa xuân về.

Mùa xuân đã về thật rồi. Lớp cỏ trồng làm mát trên bề mặt bể, mầm xanh đã nhú lên dưới màu hoa trắng lao xao. Ở đây, lịch làm việc ngày Tết so với ngày thường không có gì thay đổi. Để duy trì cấp nước và an toàn nguồn nước cho người dân Ba Vì đón Tết, những cán bộ kỹ sư công nhân Nhà máy đã nghiêm túc vào ca như bất cứ một vị trí canh giữ mùa xuân nào. Những tưởng khái niệm trực Tết áp dụng ở đâu đó chứ không phải ở một nơi mọi việc chỉ diễn ra đều đều như nơi đây. Nhưng không, “ở Nhà máy nước sạch Sông Đà Ba Vì, không có khái niệm bỏ ca trực về nhà đón Tết”.

Đó là khẳng định của người đã hoài thai và khai sinh ra Nhà máy, cùng anh em đồng cam cộng khổ, bám trụ và duy trì, phát triển như ngày nay. Trong buổi chiều gần hết năm, khi mà nhịp độ công việc vẫn không có gì khác ngày thường này, anh em chúng tôi mới có dịp ngồi nói với nhau câu chuyện. Người đàn ông bình thường xuề xòa như một nông dân, giờ chợt đăm chiêu trước những ý nghĩ cao xa:

“Ông ạ, tôi nghĩ nhiều về những đợt hạn hán vừa qua trên thế giới. Cái anh Liên hợp quốc nói “Quyền tiếp cận nước sạch là một trong những quyền cơ bản của con người” quả không có sai. Nhưng thiên nhiên của họ đâu có giàu có để ban phát cái quyền đó cho con người. Thế nên tôi thấy dân mình may mắn. Ở ta, nước sạch có thể hiểu là nước được cấp từ nguồn nước máy. Đấy là điều khiến tôi băn khoăn. Không phải cứ được cho ra từ cái máy nước thì nghiễm nhiên là nước sạch. Cũng vì cái băn khoăn đó nên tôi luôn nhắc nhở anh em thực hiện nghiêm quy trình công việc và áp dụng nghiêm ngặt các quy chuẩn để cho nước được cấp từ nguồn nước máy phải thực sự là nước sạch”.

98b.jpg

Anh nói một thôi, nhấp ly nước trà đã bớt khói do lạnh, mặt hướng phía hồ chứa nước thải ra sau lọc. Ở đó, vừa có tiếng cá búng mình tróc trách. Chúng tôi từng có lời hẹn sẽ thức với nhau một đêm, uống rượu với cá hồ mà chưa có thời gian thực hiện vì mỗi người cứ mải mốt với công việc của mình. Kỹ sư Chương ngồi cạnh cứ níu kéo thiết tha: “Hay tối nay nhà báo ở lại đây uống rượu, cá hồ đảm bảo sạch đủ tiêu chuẩn xuất khẩu”.

Tôi thì không được phép uống rượu rồi, nhưng cái chi tiết cá đảm bảo sạch đủ tiêu chuẩn xuất khẩu thì tôi khá quan tâm. Thế là câu chuyện đang từ quy chuẩn nước máy cung cấp cho người dân sang tiêu chuẩn nước để nuôi cá sạch. Nào là tiêu chí về nồng độ pH, tiêu chí về oxy, tiêu chí về nồng độ muối... Chuyện cũng dễ hiểu thôi, với một đội ngũ kỹ tính cỡ như Đỗ Minh Chương, không có chuyện xuề xòa trong quy trình xử lý nước được. Nước cho cá còn thế huống gì nước cho người.

Đảm bảo an toàn nguồn nước sạch cho dân là kỷ luật hàng đầu mà ở đây ai cũng phải thuộc nằm lòng. Kỹ sư Đỗ Minh Chương cho biết, Nhà máy đã áp dụng nhiều giải pháp để quan trắc nguồn nước liên tục, từ đó có cảnh báo kịp thời về diễn biến của nguồn nước. Các công đoạn xử lý nước từnước sôngthành nước sạch luôn có những ngưỡng giới hạn để đảm bảo chất lượng nước đầu ra. Chất lượng nước được giám sát theo quy chuẩn giám sát chất lượng nước của Bộ Y tế.

Cũng theo anh, dù Nhà máy đã trang bị hệ thống quan trắc online, nhưng để đảm bảo hơn về chất lượng nước cho người dân, thường xuyên, họ vẫn trực tiếp thực hiện giám sát nghiêm ngặt chất lượng nước đầu ra với các chỉ số pH, hàm độ clo dư, vi sinh… Chế độ trực đảm bảo 24/24h; đo quan trắc 30 phút/lần/ngày (những ngày mưa lũ, cường độ đo sẽ được tăng lên tùy tình hình cụ thể).

Nói thì gói gọn vậy thôi, chứ để nước sông thành nước sạch là cả một quy trình, giống như một sự hoài thai của thiên nhiên vậy. Tại trạm đầu nguồn, nước được thu vào các hầm thu nước, qua ống thu. Các miệng thu nước và ngõ vào hầm máy có đặt song chắn rác và lược rác tự động để giữ rác. Tại nhà máy, nước sông được tiếp nhận từ bể giao liên, rời bể giao liên, nước được dẫn qua ống ngầm có lắp đồng hồ đo lưu lượng nước sông nối tiếp với kênh dẫn hở. Tiếp đến nước đi qua bể phân phối nước vào bể lắng có đặt hệ thống thổi gió và sục khí. Nước qua bể lắng vào bể lọc công nghệ cao. Từ bể lọc, nước được thu vào mương chung dẫn đến bể trộn thứ cấp có trang bị máy khuấy và đường ống châm dung dịch khử trùng và ổn định hóa nước, đảm bảo tiêu chuẩn nước sạch sinh hoạt. Sau đó, nước được chuyển về các bể chứa nước sạch.

“Thượng đế” của Nhà máy trước tiên là người dân trên địa bàn huyện Ba Vì. Trong đó còn có những “Thượng đế đặc biệt” đòi hỏi yêu cầu cao về tiêu chuẩn sử dụng nước sạch như Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế IDP - Nhà máy Ba Vì, các trường học, cơ quan, đơn vị bội đội đóng quân. Tôi nhớ, trong một lần làm việc cách đây khá lâu, chủ nhân của Nhà máy nước này từng tâm sự với tôi: “Ba Vì không chỉ là một phần máu thịt của Thủ đô, mà còn là vùng đất của địa linh nhân kiệt, đặc biệt, nơi ấy là quê hương của tôi. Vậy nên, tôi không chỉ làm việc bằng trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người đứng đầu, mà còn bằng cả lòng biết ơn với quê hương và trách nhiệm trước tổ tiên”.

Nghĩa là, trong câu chuyện nước sạch này, họ đã may mắn có nhau. Người đàn ông cảm thấy mình may mắn được sinh ra và lớn lên ở Ba Vì, được cống hiến cho quê hương bằng cả ý thức trách nhiệm công dân và tình cảm ruột thịt. Ba Vì lại may mắn có anh và một đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân chung ý nghĩ, đồng quan điểm, cùng phong cách làm việc. Ngẫm ra, trong cuộc sống, có những điều chỉ lý giải bằng lý lẽ của trái tim đã đủ, chẳng cần nhiều lời.

Trên gương mặt anh đôi khi thoảng nét ưu tư. Về một Khu điều hành hiện đại mới đang ở giai đoạn bắt đầu vận hành. Về các xã nước sạch chưa vươn tới, Nhà máy cũng đã có kế hoạch lắp đặt mạng lưới cấp nước sạch, hiện đã triển khai thi công và đầu tư tuyến ống truyền dẫn để cấp nguồn, duy còn xã Minh Châu do nằm ngoài bãi sông Hồng nên Ba Vì đang triển khai trạm cấp nước cục bộ, dự kiến hoàn thành năm 2022 - 2023. Về ước mong của người dân cũng như của cán bộ, công nhân Nhà máy nước sạch Sông Đà Ba Vì được Nhà nước hỗ trợ trang thiết bị ban đầu, nhất là các xã có địa hình khó khăn để Nhà máy đủ sức cấp nước cho các địa bàn này...

Còn nhiều chút để băn khoăn nhưng cũng không hiếm niềm vui mà chỉ có những dịp cuối năm thế này, họ mới có điều kiện ngồi lại nhấm nháp với nhau chút niềm vui nho nhỏ ấy. Ví như việc Nghị quyết 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95 - 100% và nông thôn là 93 - 95% thì riêng Ba Vì, tỷ lệ dân số trên địa bàn huyện được tiếp cận nguồn nước sạch tập trung đã đạt 95%. Và khi nguy cơ “lỡ hẹn” đối với mục tiêu về tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch vào năm 2025 đang lơ lửng ở đâu đó thì “lỡ hẹn” ở Ba Vì là một câu chuyện quá xa vời.

Tôi hiểu, dù không nói thẳng ra, nhưng lời hứa nước sạch của Nhà máy với Ba Vì sẽ không bao giờ lay chuyển. Họ đã khắc vào tim câu ngạn ngữ: “Nước là mạch máu của sự sống”, họ sẽ giữ cho mạch máu ấy tươi hồng, khỏe mạnh, liên tục và thường xuyên. Vậy nên, bất cứ lúc nào, ngày hay đêm, nắng hay mưa, ấm hay lạnh. kể cả Tết, hay Giao thừa, những người giữ mạch nguồn mùa Xuân không bao giờ rời nhiệm vụ.

Công nhân vận hành hệ thống lọc nước tại nhà máy nước sạch Sông Đà - Ba Vì.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguồn mạch mùa xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO