Người yêu biển là mùa xuân của đảo

Ghi chép của ĐOÀN VĂN MẬT| 01/02/2022 07:09

Hà Nội đang vào tiết cập xuân, mưa bụi lâng lâng, phố xá ngàn hoa xuôi ngược người đi, đã thấy khắp nơi trang hoàng đón Tết, đã thấy những cuộc hành hương nhộn nhịp, những miền xa đang xích lại thêm gần. Không khí mùa xuân ấy, tôi bỗng thấy mình bâng khuâng đến lạ, bâng khuâng như lúc đang ở giữa Trường Sa.

Mùa xuân ra đảo

Có một loại cây không hẳn đặc biệt đối với đất liền trong dịp Tết nhưng lại khá đặc biệt trên những chuyến tàu ra đảo. Đó là cây quất. Những cây quất quả sai sít, đều đặn to bằng trái bóng bàn đang bắt đầu ruộm vàng được chằng níu, ghì buộc trong chậu y như khi người ta chằng chống bão cấp mười lăm, mười sáu sắp đổ bộ. Biển mùa này không có bão. Nhưng những trận gió mùa cấp năm, cấp sáu dào lên liên tục khiến cho con tàu rung lắc nghiêng ngả, người còn khó đứng huống chi cây. Nếu không buộc chắc chắn, cẩn thận, cây sẽ bị lay gốc rời rễ và có thể rụng quả, rũ lá ngay từ khi còn trên tàu. Những cây quất này đã vượt hơn 2.000km từ Văn Giang, Hưng Yên, từ Hà Nội vào Khánh Hòa, vào TP.HCM, rồi lại lặn lội cả trăm cây số biển để đến với Trường Sa. Giữ được vẻ tươi xanh, xuân sắc giống trong đất liền quả là không hề dễ chút nào. Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa đặt ở hoàn cảnh này thì đúng là như vậy. Quất đang để ngoài sảnh tàu nhưng nhiều lúc biển bỗng nổi sóng to gió lớn, anh em phải chuyển cây vào phòng nghỉ để tránh gió quật, tránh sóng táp… còn quân nhà mình thì lại ra vị trí của cây để đứng. Thế nhưng mà vui, vui lắm. Càng vui hơn khi cây được vẹn toàn, tươi xanh ra tới đảo.

anh-1-goi-banh-chung-trn-nha-gian-dk1-21-1-.jpg

Gói bánh chưng tại Nhà giàn DK1

Có ai đó từng nói với tôi rằng, cây là một sự thể biết vần vũ theo mùa, nương lẽ đất hiểu ý trời mà hòa hợp cùng lòng người. Khi trời vào xuân, cây bừng sắc nụ, bung nở hoa, bật lá non tầng tầng, tỏa bóng dài lớp lớp cứ như một nghi lễ chào đón mùa vạn vật sinh nở. Cây ở đâu cũng thế. Riêng ở Trường Sa, cây có hoa nhiều nhất là hoa giấy. Hoa giấy nở quanh năm, vì ở đây nắng gió nhiều, rất hợp với khẩu vị sống của cây. Bàng vuông vào dịp Tết cũng lác đác có hoa chứ không rộn ràng như lúc cuối xuân đầu hạ. Còn hoa bí vàng trên giàn cây vườn lính, hoa muống tím tràn cả ra chân sóng…

Trường Sa không có những loài hoa trái đặc trưng cho Tết nhưng ở đây có một loài hoa lúc nào cũng đẹp, lúc nào cũng biết vượt lên trên bão táp, sóng thù mà tỏa hương thơm ngát. Đó chính là hoa lòng người. Lòng người bừng nở quyết tâm, tình yêu dành cho đảo. Trường Sa vì Tổ quốc. Tổ quốc vì Trường Sa. Người lính ở đây lấy biển là quê hương, lấy đảo làm nhà. Hiên ngang và vững chãi, mênh mang và mềm mại, những tâm hồn phơi phới giữa biển xuân. Lòng người ở đây còn là tình yêu của những người con từ đất liền luôn nặng lòng với biển, luôn hướng lòng mình ra với biển. Tình yêu ấy có khi lặng lẽ một sự trân trọng thương mến, có khi thể hiện bằng hiện vật được chuyển ra cho những người lính đang công tác ở Trường Sa trong dịp Tết đến xuân về. Riêng dịp Tết 2022, Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương đã được tỉnh Hưng Yên tặng 130 cây quất, 200 cây hoa giấy, 1.400 cây giống hoa mẫu đơn; tỉnh Phú Thọ tặng 1,7 tấn mỳ gạo; Thái Nguyên tặng 850kg trà; Công ty Vietfoods tặng 1 tấn thạch; Bắc Giang tặng mỳ chũ; Bình Định tặng bánh dừa; Đà Lạt tặng phong lan... để tất cả cùng lên chuyến tàu mùa xuân ra Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Đón Tết trên đảo Trường Sa

Gặp Thượng tá Phạm Văn Lý, người từng có bảy năm làm Đảo trưởng, Điểm Đảo trưởng, trong đó có sáu năm liền ăn Tết ở Trường Sa, tôi bỗng thấy rộn ràng trong anh biết bao kỷ niệm đẹp về câu chuyện ăn Tết của lính ở đảo. Anh bảo, với mỗi người lính Trường Sa, kể cả lúc đã làm xong nghĩa vụ, kể cả lúc về hưu thì ăn Tết ở Trường Sa luôn là ký ức không thể nào quên được. Anh nhớ cái Tết đầu tiên trên đảo Đá Lớn năm 1999, thời ấy biết bao khó khăn, điện không có phải dùng máy nổ, ti vi thì lục bục, đài đóm xột xoạt lúc được lúc mất, không có điện thoại di động, tủ lạnh càng không. Thực phẩm mang từ đất liền cho anh em lính đảo trong dịp Tết, to nhất là một con lợn nên khi đã tổ chức mổ lấy thịt là phải ăn dồn, ăn dập. Đảo Đá Lớn có ba điểm đảo (Đá Lớn A, Đá Lớn B, Đá Lớn C), tựa vào nhau theo thế chân kiềng, mỗi khi thủy triều rút, dải san hô trên cụm đảo trồi lên tầng tầng như vỉa chông và những khi cần thiết anh em vẫn phải vượt đường để gặp nhau. Từ điểm đảo này tới điểm đảo kia, có khi phải mất nửa ngày mới sang được. Có năm anh em ba điểm đảo tập trung mổ heo và chia phần, mới mang thịt được non nửa đường về điểm đảo thì nước biển sầm sầm dâng lên, cố lắm mới bơi được người về, còn thịt bị sóng đánh trôi. Những khi ấy, lính cứ đứng nhìn nhau mà thương, người có thịt để ăn cũng không thể nào mà nuốt nổi.

den-tham-truong-sa.jpg

Nhưng… Tết ngoài đảo rộn hơn trong bờ. Đó là cái rộn ràng của những người chỉ có Tết và nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Bao nhiêu thời gian, sức lực, tâm trí đều dành cả cho hai việc này: nào là tập trung mổ lợn, gói bánh chưng, trồng cây, cắm hoa, thi nấu ăn, hát hò văn hóa văn nghệ… đủ cả. Tết ở đảo, không phải tính đường chia ngả như đất liền. Tất nhiên, Tết đến vẫn có cái ngóng ngùi của người ăn Tết trong bờ, kẻ đón xuân ngoài chân sóng. Thượng tá Phạm Văn Lý chợt quay sang hỏi: Ông đã bao giờ được ăn bánh chưng gói bằng lá bàng vuông chưa? - một thứ mùi vị lạ lắm đấy nhé. Thường thì những chuyến tàu chuyển hàng vào dịp Tết bao giờ cũng mang theo lá dong để chiến sĩ ngoài đảo gói bánh chưng. Nhưng do vận chuyển qua nhiều ngày, lá dong không còn tươi và bị quắt, bủng nên khó gói. Trong “cái khó ló cái khôn”, lính nhà ta đã hái lá bàng vuông đệm vào cho chiếc bánh được vuông vức, gọn đẹp. Bánh chưng độn hoặc gói bằng lá bàng vuông có vị khoai khoải chan chát như khi người ta nấu nước chè xanh vô tình để lọt một vài chiếc lá chanh trong ấm vậy. Vị lạ rất đặc trưng của đảo.

Mùa xuân đã bén vào chân sóng, đã nghe đâu đây bừng nức vị bánh chưng, thơm thơm lá dong pha chút khoai khoải lá bàng vuông. Nghe trong tiếng sóng dạt bờ là nhịp đập của triệu trái tim những người yêu biển gửi về đất liền qua con sóng. Nhưng không chỉ Tết đến xuân về, biển đảo mới có mùa xuân. Bởi ở nơi bến cảng của sóng, mỏ neo của lòng người Việt giữa đại dương, lúc nào cũng thường trực mùa xuân. Chỉ cần có những người yêu biển là có mùa xuân của đảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người yêu biển là mùa xuân của đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO