Xã hội

Người thổi hồn cho củi lũ

Trần Lan 12/02/2024 - 07:25

(TN&MT) - Những thanh củi từ thượng nguồn trôi theo dòng lũ về biển như chỉ báo những cánh rừng đang chết dần, đất đai đang xói mòn, thiên tai tàn khốc hơn.

Cũng từ những thanh củi lũ này đã “chỉ dấu” cho nghệ nhân Lê Ngọc Thuận (Hội An) tạo ra những tác phẩm điêu khắc mang đậm văn hóa xứ Quảng và lan tỏa thông điệp về nghệ thuật tái sinh, gìn giữ môi trường.

“Đổi phận” cho củi lũ

“Mình sinh ra và lớn lên cùng sông nước, trưởng thành nhờ biển cả. Ở vùng hạ lưu Thu Bồn, mỗi năm, cứ có bão lớn bão nhỏ là một lượng gỗ trôi xuống. Người ta đem đi đốt, đem vứt, rồi nhiều vấn đề khác như cây cối thì gãy, biển thì lở,… khiến cho mình trăn trở. Rồi mình đi vớt các thanh củi về, ban đầu đóng bàn đóng ghế rồi làm đồ thủ công để chế tác thành những tác phẩm có linh hồn, giá trị. Đối với mình, củi lũ là rác, mình chế ra tác phẩm, coi như dọn rác cho môi trường”.

nghe-nhan-le-ngoc-thuan-ke-ve-hanh-trinh-den-voi-nghe-thuat-cui-lu.jpg
Nghệ nhân Lê Ngọc Thuận kể về hành trình đến với nghệ thuật củi lũ

Nghệ nhân Lê Ngọc Thuận (Hội An) đã bắt đầu viết nên câu chuyện ước mơ về nghệ thuật tái chế của mình như vậy.

Anh Thuận kể, những ý tưởng biến hình cho củi lũ được nảy sinh từ năm 2012. Sau nhiều năm tìm tòi học hỏi, tự trang bị cho mình những kiến thức về nghề mộc và điêu khắc, niềm đam mê sáng tạo từ củi lũ đã bùng lên trong anh. Anh Thuận bảo, phải đặt hồn mình vào từng thanh củi để có cảm xúc, có câu chuyện, rồi tái sinh những khúc gỗ vô tri để nó có đời sống mới thay vì vứt bỏ. Mỗi tác phẩm của anh đều là những câu chuyện về lịch sử, văn hóa bản địa. Quả thật, trong không gian nghệ thuật Làng Củi Lũ - nơi ra đời của những tác phẩm từ củi lũ, những thân cây gỗ vô tri ngỡ chừng chỉ còn giá trị làm củi nhóm bếp, dưới bàn tay tài hoa và một tâm hồn nhạy cảm với thiên nhiên của nghệ nhân Lê Ngọc Thuận đã được hóa thân qua một vòng đời khác - những tác phẩm điêu khắc đẹp đẽ, đầy sức sống mang thông điệp của nghệ thuật và môi trường.

Đơn giản như một chú cá bé nhỏ bị mắc kẹt giữa thân gỗ, hay một con bạch tuộc bị vướng trong tấm lưới đánh cá của ngư dân đều mang sức ám ảnh kinh hoàng của ô nhiễm môi trường đối với các loài động vật. Hay những con giáp, tượng người dân tộc Cơ Tu được chế tác hoàn toàn thủ công, đậm chất văn hóa Việt gắn liền với sự hình thành và phát triển của xứ Quảng.

cac-tac-pham-lam-tu-cui-lu-cua-nghe-nhan-le-ngoc-thuan.jpg
Các tác phẩm làm từ củi lũ của nghệ nhân Lê Ngọc Thuận

“Tôi mong muốn thổi hồn cho những sản phẩm gỗ, với một cách làm, cách nhìn nhận khác hơn, mới hơn... để từ những thanh gỗ nhỏ cũng có thể làm nên sản phẩm. Những con vật gần gũi trong đời sống được chế tác từ gỗ nhỏ hoàn toàn có thể là những vật lưu niệm dành cho du khách trong và ngoài nước. Đây là cách chúng ta bảo vệ môi trường, gìn giữ nghề mộc truyền thống ở Hội An, đồng thời giúp tạo thêm việc làm cho người dân. Không phải bây giờ mọi người hô hào sống xanh thì mình mới nghĩ đến, mà nó bắt nguồn từ cái tâm của mình rất lâu rồi" - anh Thuận chia sẻ.

Các tác phẩm không chỉ để ngắm mà phải có tính ứng dụng cao, tạo việc làm cho người dân, phát triển du lịch bền vững từ rác thải. Hiện nay, Làng Củi Lũ được rất nhiều du khách nước ngoài đến tham quan và chiêm ngưỡng. Họ đã không giấu được bất ngờ khi biết rằng tất cả các tác phẩm nghệ thuật tại đây từng có một đời sống khác, lăn lóc vô tri ngoài bãi sông, bờ biển trước khi được nghệ nhân Lê Ngọc Thuận khiến chúng trở nên có hồn.

Khát vọng xây dựng “hệ sinh thái” mỹ thuật tái chế

Với niềm tin về câu chuyện văn hóa sinh ra từ đời sống, anh Thuận đã tự vẽ ra một con đường, rồi tự mình đi. Mục tiêu của anh là xây dựng chiến lược dài hạn, bắt đầu từ một con người, sau đó sẽ đưa gia đình, xóm làng cùng vào làm để hình thành một làng nghề mới. Về lâu dài, Lê Ngọc Thuận ấp ủ kế hoạch xây dựng Công viên nghệ thuật tái chế... vừa tạo không gian vui chơi, trải nghiệm, vừa có thể tạo sinh kế cho người dân địa phương họ bằng một con đường mới, tư duy mới, bằng những sản phẩm vừa mỹ nghệ vừa có tính đương đại và ứng dụng cao.

Chia sẻ về khát khao này, anh Thuận cho biết: “Phải có chiến lược dần dần, 5 năm, 10 năm, 50 năm, lập quy trình phát triển. Niềm tin của tôi là sẽ làm được. Chính quyền phát động những chương trình bảo vệ môi trường. Nhưng tôi nghĩ là mình không thể dừng lại chỉ ở việc vớt rác hay dọn rác, mà từ rác đó phải trở thành một tài nguyên trong tương lai của Quảng Nam, luôn luôn nhìn đâu cũng có thể tạo ra được tác phẩm và làm ra được những giá trị cho cộng đồng.”

khong-gian-nghe-thuat-lang-cui-lu-noi-ra-doi-cua-nhung-tac-pham-cui-lu..jpg
Không gian nghệ thuật Làng Củi Lũ – nơi ra đời của những tác phẩm củi lũ.

Nỗ lực rồi cũng tạo thành quả. Cuối tháng 8 vừa qua, câu chuyện củi lũ Hội An của Lê Ngọc Thuận đã được đưa ra thế giới khi hiện diện tại thành phố Wernigerode - Đức. Một hình ảnh thu nhỏ của Hội An được tái hiện thông qua tác phẩm điêu khắc của Lê Ngọc Thuận, với chùa Cầu, phố cổ Hội An, các làng nghề... được tái sinh trên những thân gỗ tưởng như chỉ có thể bỏ đi.

Thành phố Hội An, Quảng Nam vốn nổi tiếng với những giá trị truyền thống, là điểm đến yêu thích của những ai yêu vẻ đẹp thơ mộng, lãng mạn và cổ kính. Thế nhưng Hội An cũng là thành phố sáng tạo không ngừng nghỉ, bởi những người con yêu quê hương luôn đau đáu phát triển du lịch bền vững.

Tháng 10/2023, Hội An đã chính thức được gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Thành quả ấy có được một phần là nhờ những không gian sáng tạo được hình thành trong thời gian qua, từ bàn tay tài hoa và óc sáng tạo của người Hội An, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của nghệ nhân Lê Ngọc Thuận.

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho rằng, thủ công là thế mạnh nổi trội của Hội An nhưng anh Lê Ngọc Thuận đã nâng tầm giá trị cho sản phẩm thủ công của địa phương. Mỗi tác phẩm tái chế từ củi lũ và gỗ phế phẩm của anh Thuận là những câu chuyện, mang tính độc đáo và sự biểu cảm nghệ thuật truyền cảm hứng sáng tạo cho cộng đồng.

“Phương châm của Hội An là ươm mầm sáng tạo tài năng trẻ, trong đó, phải ưu tiên những người yếu thế, những người không có cơ hội tiếp cận đa chiều về tiện ích của xã hội, những người khuyết tật... và sáng tạo sẽ trở thành phẩm chất, khát vọng, cảm hứng của mỗi người. Chính những tầng lớp tinh hoa có khả năng, trình độ chuyên môn, những thợ giỏi sẽ đóng vai trò dẫn dắt, định hướng sáng tạo cho các lực lượng khác”- ông Lanh nói.

Dẫu biết con đường phía trước còn nhiều khó khăn nhưng nghệ nhân Lê Ngọc Thuận vẫn có một niềm tin vào sự lan tỏa của nghệ thuật tái chế vì giờ đây, bên anh có sự đồng hành, ủng hộ của chính quyền địa phương để anh có thêm động lực “viết tiếp” những câu chuyện điêu khắc về văn hóa, về con người của một vùng đất thiên tai khắc nghiệt đang học cách chung sống hòa đồng với thiên nhiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người thổi hồn cho củi lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO