Nguyên liệu để chế biến rác thải thành dung dịch tẩy rửa gồm có rác thực vật, nước, đường và các thùng nhựa |
Người đàn bà “mê rác”
Cầm trên tay chai nước rửa bát nhãn hiệu EM, chị Trịnh Thị Hồng mở nắp chai, mùi hương quế lan nhè nhẹ khắp ngôi nhà rộng thoáng ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Chị Hồng khoe làm chúng tôi ngỡ ngàng: cái này làm từ rác đấy nhé!.
Câu chuyện của chị Hồng bắt đầu từ một lần xe chở rác của Công ty Môi trường bị sự cố, mấy ngày liền rác ở khu phố tồn đọng, bà con trong khu vực thì ăn không ngon, người đi đường chả ai dám dừng lại hỏi thăm. Một ý nghĩ bất ngờ xuất hiện trong chị: “giá như có cách gì đó xử lý rác thải tại chỗ thì hay biết mấy, vừa đỡ mất công thu gom, vừa giúp người dân không bị mùi hôi ảnh hưởng đến bữa ăn, giấc ngủ, vừa giải quyết việc làm cho bà con nghèo”. Và ý tưởng đó dần dần được thai nghén..... Năm 2012, chị may mắn được đại diện cho phụ nữ TP Đà Nẵng tham dự Hội nghị lần thứ nhất của Hiệp hội Cộng đồng nghèo đô thị khu vực châu Á lần thứ nhất tại Phi-li-pin.
Tại đây, khi được tham khảo một mô hình làm nước rửa chén từ rác hữu cơ, chị nghĩ “tại sao họ làm được mà mình lại không?” Quyết tâm thực hiện, chị mày mò xin công thức, học hỏi cách làm. Trở về, chị phân loại rác thải trong sinh hoạt, chọn các loại rác thải từ rau, củ, quả, hoa rồi tiến hành thử nghiệm. Những ngày đầu gom rác để thử nghiệm, chị thất bại liên tục. Nhà không đủ, chị đi quanh phố xin rác để thực hiện. Nhiều người nhìn chị với ánh mắt hoài nghi, chế giễu. Thế nhưng lòng đam mê, sự kiên trì cộng với khát khao làm cho môi trường sạch hơn đã giúp chị vượt qua khó khăn. Quy trình làm chế phẩm nước rửa bát, lau nhà từ rác tưởng là có mùi khó chịu, nhưng quá trình chị Hồng lọc nước từ thùng chứa đầy rác thải, mới hay, theo quy trình này, rác đã sạch, lên men và tỏa mùi hương dịu nhẹ. Công thức làm khá đơn giản nhưng nó gắn với những bí quyết nghề trong cách chọn nguyên liệu thải hữu cơ, pha chế theo tỷ lệ, hòa tan 3 gram đường vào 10 lít nước, sau đó đổ phần rác đã rửa sạch để ráo vào thùng nhựa, đậy kín, đặt nơi thoáng mát. Sau 30 ngày mang nước ra lọc bỏ phần rác, sau đó lọc lại nhiều lần, kết hợp cùng các chất hữu cơ được chế biến từ quả dừa, sẽ cho ra thành phẩm cuối cùng là nước rửa chén, lau sàn nhà EM. Sản phẩm dung dịch nước rửa chén, lau sàn nhà có nguồn gốc 100% từ thực vật, không hóa chất, an toàn với sức khỏe con người và bảo vệ môi trường của chị Hồng được thị trường đón nhận dè dặt, rồi chấp nhận và tiêu thụ mạnh. “Bình quân mỗi tháng, việc chế biến ra sản phẩm "EM" đã xử lý tại nguồn trên cả gần chục tấn rác thải hữu cơ, giảm được một lượng lớn rác thải ra môi trường. Đó mới là điều đáng mừng nhất" - chị Hồng chia sẻ.
Tháng 1/2016, chị Hồng quyết định tham gia vào quá trình ươm tạo khởi nghiệp của Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng, với mong muốn được đào tạo bài bản hơn, áp dụng công nghệ cao hơn vào quy trình sản xuất của mình. Sau 6 tháng, chị thành lập được doanh nghiệp riêng mang tên Minh Hồng cùng với những kế hoạch kinh doanh được đặt ra một cách cụ thể hơn.
Khi được hỏi tại sao không mê gì mà lại mê rác thải, chị cười hiền: “Thấy rác bỏ đi mà biến thành tiền, bảo sao không ham được”. Chị Hồng hiện đang là chủ doanh nghiệp Nước rửa chén và chế phẩm sinh học Minh Hồng. Theo chị Hồng, khởi nghiệp dù ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng đều gắn liền với sự phát triển của cộng đồng xã hội và môi trường. Dự án khởi nghiệp mà chị đã và đang xây dựng là kết quả từ quá trình ấp ủ ý định “Biến rác thải thành tiền”, vừa bảo vệ môi trường, vừa tham gia kinh tế, và ý định đó đã mang lại thành công.
Sản phẩm dung dịch rửa chén và lau nhà EM thân thiện với môi trường và an toàn sức khỏe |
Thắp lửa bằng sự sẻ chia
Với những hiệu quả to lớn từ mô hình xử lý thành sản phẩm có ích, chị Hồng không giữ bí mật cho riêng mình mà đem công thức này tập huấn cho các chi hội phụ nữ trên địa bàn phường Hòa Minh. Hiện quy trình làm ra chế phẩm "EM" đã được nhân rộng trên địa bàn quận và các địa phương khác và lượng chế phẩm "EM" được sản xuất ra từ các hộ nhỏ lẻ đều được công ty chị Hồng bao tiêu với giá 3.000đ/lít. Mô hình đã giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động tại địa phương với thu nhập ổn định từ 2- 5 triệu đồng/tháng.
Là một trong những người trực tiếp làm ra chế phẩm "EM" từ mô hình của chị Hồng, chị Huỳnh Thị Lệ, phường Hòa Minh chia sẻ: "Mỗi tháng nhập cho chị Hồng hơn 2.000 lít chế phẩm thô, thu được chừng 4 triệu đồng. Thời gian bỏ ra không nhiều, chủ yếu là đi thu gom rác từ các chợ và khu dân cư nhưng thu nhập thì cũng khá, tận dụng rác thải mà lại có tiền, tôi thấy rất hữu ích".
Chị Hồng giới thiệu chế phẩm nước rửa chén EM |
Rất nhiều công ty đã tìm đến với chị Hồng để hợp tác phát triển sản phẩm hoặc mua lại quy trình sản xuất với giá tiền tỷ, tuy nhiên chị đều từ chối với lý do không đảm bảo được hai yếu tố môi trường và sinh kế cho người nghèo. Chị Hồng chia sẻ: Mồ côi cha khi còn trong bụng mẹ, sinh con đầy tháng, mẹ cũng qua đời để lại 5 chị em côi cút, chị được nuôi lớn nhờ tình yêu thương của các mẹ trong thôn, sự tảo tần của chị cả. Lớn lên, xuôi ngược Nam, Bắc, mỗi ngã rẽ của cuộc đời chị đều được giúp đỡ. Việc tạo sinh kế bền vững cho người dân, đặc biêt là phụ nữ nghèo như một sự tri ân của chị với đời, với người. Chị Hồng hiện còn là Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư Hòa Phú 5, phường Hòa Minh nổi tiếng “mát tay” với các phong trào hỗ trợ người nghèo như hình “Tổ góp vốn tình thương”, 2T - Tiết kiệm và Tận dụng”. Trong tương lai, chị Hồng đang ấp ủ kế hoạch sẽ tạo ra nhiều hơn nữa các sản phẩm sinh học an toàn với sức khỏe, thân thiện với môi trường và giải quyết việc làm cho người nghèo.
Hình dáng người phụ nữ nhỏ nhắn, lạc quan với trái tim đầy “lửa yêu thương” ai ai đều khâm phục. Chị nói, hết việc hàng tổng lại về nhà, dạo quanh xóm để thu gom rác, ghé chợ gặp mấy chị bán hoa xin lại rác hoa cuối buổi chiều, dường như mỗi ngày với chị Hồng đều là một ngày vui vì được làm việc, được sẻ chia. Ngọn lửa nhỏ ấm áp trong đôi mắt hiền lành của người đàn bà chân chất, mộc mạc đang từng ngày được nhân lên, sưởi ấm cho những người dân nghèo phố thị bên dòng sông Hàn đang đổi mới từng ngày.
Bài & ảnh: Lan Anh