(TN&MT) – Nhiều người rưng rưng, trực trào nước mắt trong phần nghi lễ bông hồng cài áo, diễn ra tại đại lễ Vu Lan báo hiếu, tổ chức ở chùa Kim Sơn Lạc...
(TN&MT) – Nhiều người rưng rưng, trực trào nước mắt trong phần nghi lễ bông hồng cài áo, diễn ra tại đại lễ Vu Lan báo hiếu, tổ chức ở chùa Kim Sơn Lạc Hồng đêm 26/8 (tức 5/7 âm lịch).
Đại lễ Vu Lan báo hiếu sớm tổ chức ở chùa Kim Sơn Lạc Hồng nằm trong khuôn viên của Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên, Kỳ Sơn, Hòa Bình. Đây là một trong những lễ quan trọng, không thể thiếu được trong hệ thống các hoạt động văn hoá tâm linh nói chung, văn hoá Phật giáo nói riêng.
Trong ngày đại lễ đã diễn ra nhiều nghi thức tâm linh như lễ tiếp linh, lễ cúng phật – quy vong, lễ tụng kinh cầu siêu, lễ cấp mã cho vong, cúng thí thực cô hồn, niệm phật cầu gia bị, dâng y cúng dàng chư tăng,... và đặc biệt là hai nghi lễ “bông hồng cài áo” và "thả đèn hoa đăng" nhận được sự tham gia của đông đảo mọi người.
|
Đại lễ Vu Lan được tổ chức sớm tại chùa Kim Sơn Lạc Hồng, trong khuôn viên của Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên, Kỳ Sơn, Hòa Bình. |
Thầy Thích Trí Thịnh, trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng chia sẻ, ngày lễ Vu Lan là dịp nhắc nhở các thế hệ con cháu chúng ta nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, ông bà, tổ tiên cũng như những đóng góp to lớn của các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước. Ðồng thời giúp chúng ta tiếp cận được những ý nghĩa giáo dục đầy nhân bản của văn hoá Phật giáo như “Từ, bi, hỷ, xả”, “vô ngã, vị tha”, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”...
|
Thầy Thích Trí Thịnh, trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng chia sẻ tại đại lễ Vu Lan. |
|
Theo ước tính của BTC, có khoảng 3 nghìn người tham dự đại lễ Vu Lan tại chùa Kim Sơn Lạc Hồng. |
|
Vở kịch ngắn "Người mẹ một mắt" nói về tình mẫu tử thiêng liêng, do NS Trà My thủ vai chính khiến nhiều người xúc động. |
|
Dù tiết trời mưa gió nhưng hàng nghìn Phật tử và du khách thập phương vẫn đổ về đây từ rất sớm, tham dự đại lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ. |
|
Ai cũng rưng rưng khi nhớ về ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. |
|
Nhiều người ở độ tuổi thất thập cổ lai hy cũng rơi nước mắt khi nghe những câu chuyện về sự hy sinh của mẹ cha dành cho con cái. |
|
Trong nghi lễ bông hồng cài áo, hoa màu đỏ dành cho ai còn cả cha lẫn mẹ, hoa hồng dành cho ai đã mất cha hoặc mẹ, màu trắng dành cho ai đã mất cả cha và mẹ. |
|
Ý nghĩa của nghi lễ bông hồng cài áo là nhắc nhở con cháu nhớ đến công ơn nuôi nấng của ông bà, cha mẹ. |
Bạn Đặng Xuân Đức, sinh viên năm nhất Đại học Đại Nam cho biết: "Đây là lần đầu tiên em tham gia đại lễ Vu Lan. Nghi lễ "bông hồng cài áo" khiến em thấy bản thân may mắn và hạnh phúc khi cha mẹ vẫn còn khỏe mạnh. Mong rằng tất cả mọi người sẽ luôn yêu thương và quan tâm đến cha mẹ của mình dù ở nơi đâu".
|
Sau lễ bông hồng cài áo là nghi thức thả đèn hoa đăng. Theo Phật giáo, nghi lễ này để cầu cho Quốc thái, dân an, mọi nhà đều bình an, hạnh phúc. |
Quyết Thắng