Các chuyên gia y tế cho rằng, việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá là yếu tố nguy cơ hàng đầu trong số 10 yếu tố nguy cơ đe dọa sức khỏe người dân ở các nước đang phát triển. Sử dụng thuốc lá gây ra 25 loại bệnh khác nhau như: ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư bàng quang, các bệnh tim mạch, gây bất lực ở nam giới…
Phát biểu tại một hội nghị gần đây, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, chế tài xử lý hành vi vi phạm quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá được quy định ở nhiều Nghị định xử phạt vi phạm hành chính nên việc xử lý vi phạm còn gặp khó khăn, mức xử phạt còn nhẹ.
"Đặc biệt trong những năm vừa qua, dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát, theo đánh giá của hội đồng các chuyên gia y tế công cộng được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) triệu tập cho thấy, những người hút thuốc có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe do COVID-19 cao hơn so với những người không hút. Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới", bà Trần Thị Trang thông tin.
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật và các văn bản chỉ đạo điều hành khác, đặc biệt là Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành, các hoạt động sản xuất và kinh doanh sản phẩm thuốc lá trên địa bàn cả nước về cơ bản đã được Nhà nước quản lý, kiểm soát phù hợp với yêu cầu và mục tiêu của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Tuy nhiên, bà Trần Thị Trang cho rằng, hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá vẫn còn những hạn chế, tồn tại nhất định như hoạt động của nhiều Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất, nhiều địa phương chưa phát huy được vai trò của Ban chỉ đạo, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị là thành viên của Ban chỉ đạo nên hiệu quả chưa cao.
Một số Bộ, ban, ngành địa phương thiếu nguồn lực và điều kiện thực hiện, chưa có các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật đặc thù cho một số đối tượng dễ bị tác động, ảnh hưởng của thuốc lá; Ý thức tuân thủ các quy định cấm hút thuốc lá của nhiều người dân còn hạn chế...
Cùng với đó, công tác thanh tra, xử phạt còn chưa được thực hiện hiệu quả. Việc phối hợp giữa các lực lượng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành ở địa phương chưa tốt. Việc phân công trách nhiệm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm còn chồng chéo, không rõ ràng (quy định cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi, cấm hút thuốc lá nơi công cộng, tài trợ....).
Việc theo dõi, giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động xử phạt đối với các vi phạm chủ yếu thông qua nhắc nhở, phê bình, vận động. Việc xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm còn chưa kiên quyết, chưa đủ mạnh và thiếu tính răn đe, nhất là đối với hoạt động kinh doanh thuốc lá.
"Chế tài xử lý hành vi vi phạm quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá được quy định ở nhiều Nghị định xử phạt vi phạm hành chính nên việc xử lý vi phạm còn gặp khó khăn. Mức xử phạt còn nhẹ. Một số hành vi có mức phạt chưa phù hợp, chưa bảo đảm tính khả thi. Bên cạnh đó, tình trạng nhập lậu, kinh doanh và sản xuất các sản phẩm thuốc lá mới đang có xu hướng gia tăng nhưng việc kiểm tra, xử phạt, tuyên truyền còn chưa được chú trọng", bà Trần Thị Trang nói.