(TN&MT) - Với quan niệm, Mẹ thiên nhiên là nguồn sống của nhân loại, hơn 60 năm qua, ông đi suốt dải đất hình chữ S để bảo tồn và phát huy những giá trị tươi đẹp của sinh cảnh Việt. Ông là người Việt Nam đầu tiên được phong danh hiệu Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN vì những đóng góp không mệt mỏi cho sự phục hồi đa dạng tự nhiên. Đó là GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh.
Yêu thiên nhiên từ những cánh rừng
Được xem là “cây đại thụ” của nền sinh vật học Việt Nam nhưng ít ai biết rằng, trong căn nhà nhỏ của người con xứ Quảng ấy, với ông, tài sản đáng quý nhất có lẽ là những bộ sách và mẫu thực, động vật lưu giữ được như minh chứng cho suốt hơn 60 năm len lỏi trong những cánh rừng để làm phong phú thêm giá trị đa dạng sinh học cho Việt Nam. Chúng được ông nâng niu giữ gìn và khi nhắc tới, tôi như thấy ánh mắt ông lại sáng lên biết bao niềm hứng khởi. Ít ai biết rằng, người con của thôn Trước Hà, xã Đại Lãnh, Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam ấy cũng từng là thiếu sinh quân từ những năm 1945 với phong trào phá tề, diệt ác. Trong suốt 2 cuộc kháng chiến cứu nước, người lính Đặng Huy Huỳnh đã từng chiến đấu tại các Chiến trường Liên khu 5, Chiến trường Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia. Ông tâm sự, có lẽ được làm bộ đội cụ Hồ cũng là cơ duyên đưa ông tới lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Bởi đi qua những cánh rừng của Việt Nam rồi đến nước bạn Lào, người lính Đặng Huy Huỳnh đều thấy rừng nước mình đẹp quá, các loài động vật rất nhiều. Hết ngày này qua tháng khác, rừng che chở bộ đội, rừng cung cấp thức ăn, nước uống. Song trong khói lửa chiến tranh, trên bước đường hành quân, ông đã từng chứng kiến cả vạt rừng tan hoang, cây cối trơ trụi bởi bom đạn khiến người lính trẻ không khỏi xót xa, tiếc nuối. “Chính vì vậy, tình yêu và sự gắn bó của tôi đối với rừng tự nhiên như máu thịt, như hơi thở. Đi qua những khu rừng bị tàn phá, tôi cũng đã từng tự nhủ nếu còn sống trở về, nhất định sẽ làm điều gì đó để hồi sinh màu xanh cho rừng” là những điều người lĩnh trẻ Huy Huỳnh năm ấy từng tâm niệm.
Bằng tình yêu và ước muốn giản dị, ngay sau ngày xuất ngũ, Giáo sư Đặng Huy Huỳnh đã quyết định theo học ngành sinh vật học dù biết trước chọn nghề này là chọn con đường gian khổ. Tới nay, Giáo sư đã gần 90 tuổi, hơn 60 năm lăn lộn với rừng, với động, thực vật, hơn 20 năm trên cương vị Phó Viện trưởng, Viện trưởng, dù phải tham gia các tổ chức chuyên ngành trong nước và quốc tế như Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Hội Ðộng vật học Việt Nam, Tổng hội các ngành sinh học Việt Nam, nhóm chuyên gia quốc tế nghiên cứu bảo tồn thú linh trưởng IPS, GS. TSKH Ðặng Huy Huỳnh chủ trì và trực tiếp thực hiện hàng chục đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ. Vượt lên công việc bề bộn của một cán bộ quản lý, ông đã dành nhiều tháng ngồi xuồng, lội bộ ở vùng rừng ngập mặn Ngọc Hiển, Năm Căn (Cà Mau); thực hiện những chuyến thực địa dài ngày tận rừng sâu, núi thẳm các tỉnh Ðắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum thập niên 70 làm căn cứ cho việc đề ra hướng khắc phục và góp phần vào việc đấu tranh với Mỹ về hậu quả của chất độc hóa học với môi trường Việt Nam.... Ông được xem như người truyền cảm hứng tới cộng đồng trong công tác bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học. Ông luôn xác định nhiệm vụ của mình là nghiên cứu, phát hiện và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; chỉ cần việc gì có lợi cho dân, cho nước thì kiên quyết làm.
Nghiên cứu khoa học là nguồn sống
Bằng tình yêu rừng, yêu thiên nhiên mà cả cuộc đời đã dốc hết tâm sức nghiên cứu các công trình tài nguyên thiên nhiên. Ông luôn xem cuộc sống của các loài động, thực vật cũng giống như con người, cũng có một thế giới riêng với nhiều chức năng quan trọng, có vai trò riêng trong sự cân bằng sinh thái. Để có được thành công như ngày hôm nay những công việc GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh làm đều xuất phát từ niềm đam mê vô tận với thiên nhiên. Ông tâm sự: “Cả cuộc đời của tôi gắn liền với những chuyến đi dài và các công trình nghiên cứu khoa học. Cho đến hôm nay, 165 công trình nghiên cứu của mình đã có thành quả và được ghi nhận đóng góp có ích cho xã hội. Vì thế, đối với tôi, nghiên cứu khoa học là nguồn sống mà tôi không thể thiếu”.
Dồn nén tâm tư trước cảnh thiên nhiên bị tàn phá, những năm qua, ông đã dành nhiều tâm sức nghiên cứu về các loài có nguy cơ tuyệt chủng, thiết lập, quản lý các khu bảo tồn để bảo tồn cuộc sống của chúng. Trong giai đoạn 1990 - 2010, GS. TSKH Ðặng Huy Huỳnh chỉ đạo và tổ chức cán bộ Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật phối hợp các cơ quan hữu quan điều tra, khảo sát và đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học ở các vùng biên giới thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc và dãy Trường Sơn, nhằm bảo tồn đa dạng sinh học thuộc các vùng xuyên biên giới, vùng hạ lưu sông Mê Công. Những kết quả nghiên cứu góp phần đề xuất các Bộ, ngành thành lập một số khu bảo tồn thiên nhiên xuyên biên giới, như: Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé (Lai Châu) có diện tích 100.000 ha với Khu Bảo tồn thiên nhiên Phoudendinh (Lào)...
Từ những năm tháng này, ông và các cộng sự đã cho ra đời cụm công trình Tập ATLAS quốc gia (năm 2005) và Động vật chí, Thực vật chí, Sách đỏ Việt Nam (năm 2010). Hai công trình này đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh - giải thưởng cao quý nhất về khoa học và công nghệ. Cũng chính tình yêu với thiên nhiên đã thôi thúc ông lặn lội với những chuyến đi để bảo tồn cây di sản. Chỉ trong vòng 7 năm, với tư cách Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam, ông cùng các nhà khoa học thuộc lĩnh vực sinh học, lâm học, bảo vệ thực vật đã giúp bảo vệ được gần 3.000 cây di sản thuộc hơn 100 loài phân bố ở 52 trong số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.Với sự cống hiến không mệt mỏi cho màu xanh của thiên nhiên, ông được trao tặng gần 20 Huân, Huy chương các loại. Đặc biệt, tháng 8/2017, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Asean, GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh đã vinh dự là 1 trong 10 nhân vật điển hình của các nước trong khu vực được nhận danh hiệu Anh hùng Đa dạng sinh học Asean - ông là người Việt Nam đầu tiên được nhận Giải thưởng cao quý này. Trước khi lên đường sang Philipines nhận Giải thưởng cao quý, ông tâm sự: “Trong quá trình hoạt động Cách mạng và nghiên cứu khoa học của mình, tôi không nghĩ là mình đạt được danh hiệu như thế. Đây là vinh dự không chỉ riêng cho bản thân tôi mà còn là vinh dự chung cho các nhà khoa học Việt Nam, cho nhân dân Việt Nam, đặc biệt, những nhà khoa học trong lĩnh vực môi trường và đa dạng sinh học”.
Phát biểu tại buổi lễ chúc mừng GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định: Đây là sự ghi nhận xứng đáng với những đóng góp tích cực và thiết thực của GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam và trong khu vực, là niềm tự hào của các nhà khoa học, nhà hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của Việt Nam chúng ta."
TS. Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng: GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh là một nhà khoa học tầm cỡ trong lĩnh vực đa dạng sinh học và môi trường, một nhân cách lớn trong cuộc sống, một người bạn tin cậy của cộng đồng khoa học nhiều nước.
Dù đã gần 90 tuổi, song ông vẫn chưa muốn nghỉ ngơi, bởi tình yêu với thiên nhiên trong ông vẫn thôi thúc lên đường. Bởi Giáo sư luôn tâm niệm, thiên nhiên là nơi cứu sống mình từ thế hệ này qua thế hệ khác. Thiên nhiên thật sự như người mẹ đỡ cho tất cả. Vì thế, Giáo sư Đặng Huy Huỳnh muốn gửi gắm thông điệp: Chúng ta hãy trân quý thiên nhiên, cố gắng sống thân thiện với thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên.
Yêu thiên nhiên từ những cánh rừng
Được xem là “cây đại thụ” của nền sinh vật học Việt Nam nhưng ít ai biết rằng, trong căn nhà nhỏ của người con xứ Quảng ấy, với ông, tài sản đáng quý nhất có lẽ là những bộ sách và mẫu thực, động vật lưu giữ được như minh chứng cho suốt hơn 60 năm len lỏi trong những cánh rừng để làm phong phú thêm giá trị đa dạng sinh học cho Việt Nam. Chúng được ông nâng niu giữ gìn và khi nhắc tới, tôi như thấy ánh mắt ông lại sáng lên biết bao niềm hứng khởi. Ít ai biết rằng, người con của thôn Trước Hà, xã Đại Lãnh, Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam ấy cũng từng là thiếu sinh quân từ những năm 1945 với phong trào phá tề, diệt ác. Trong suốt 2 cuộc kháng chiến cứu nước, người lính Đặng Huy Huỳnh đã từng chiến đấu tại các Chiến trường Liên khu 5, Chiến trường Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia. Ông tâm sự, có lẽ được làm bộ đội cụ Hồ cũng là cơ duyên đưa ông tới lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Bởi đi qua những cánh rừng của Việt Nam rồi đến nước bạn Lào, người lính Đặng Huy Huỳnh đều thấy rừng nước mình đẹp quá, các loài động vật rất nhiều. Hết ngày này qua tháng khác, rừng che chở bộ đội, rừng cung cấp thức ăn, nước uống. Song trong khói lửa chiến tranh, trên bước đường hành quân, ông đã từng chứng kiến cả vạt rừng tan hoang, cây cối trơ trụi bởi bom đạn khiến người lính trẻ không khỏi xót xa, tiếc nuối. “Chính vì vậy, tình yêu và sự gắn bó của tôi đối với rừng tự nhiên như máu thịt, như hơi thở. Đi qua những khu rừng bị tàn phá, tôi cũng đã từng tự nhủ nếu còn sống trở về, nhất định sẽ làm điều gì đó để hồi sinh màu xanh cho rừng” là những điều người lĩnh trẻ Huy Huỳnh năm ấy từng tâm niệm.
Bằng tình yêu và ước muốn giản dị, ngay sau ngày xuất ngũ, Giáo sư Đặng Huy Huỳnh đã quyết định theo học ngành sinh vật học dù biết trước chọn nghề này là chọn con đường gian khổ. Tới nay, Giáo sư đã gần 90 tuổi, hơn 60 năm lăn lộn với rừng, với động, thực vật, hơn 20 năm trên cương vị Phó Viện trưởng, Viện trưởng, dù phải tham gia các tổ chức chuyên ngành trong nước và quốc tế như Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Hội Ðộng vật học Việt Nam, Tổng hội các ngành sinh học Việt Nam, nhóm chuyên gia quốc tế nghiên cứu bảo tồn thú linh trưởng IPS, GS. TSKH Ðặng Huy Huỳnh chủ trì và trực tiếp thực hiện hàng chục đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ. Vượt lên công việc bề bộn của một cán bộ quản lý, ông đã dành nhiều tháng ngồi xuồng, lội bộ ở vùng rừng ngập mặn Ngọc Hiển, Năm Căn (Cà Mau); thực hiện những chuyến thực địa dài ngày tận rừng sâu, núi thẳm các tỉnh Ðắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum thập niên 70 làm căn cứ cho việc đề ra hướng khắc phục và góp phần vào việc đấu tranh với Mỹ về hậu quả của chất độc hóa học với môi trường Việt Nam.... Ông được xem như người truyền cảm hứng tới cộng đồng trong công tác bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học. Ông luôn xác định nhiệm vụ của mình là nghiên cứu, phát hiện và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; chỉ cần việc gì có lợi cho dân, cho nước thì kiên quyết làm.
Nghiên cứu khoa học là nguồn sống
Bằng tình yêu rừng, yêu thiên nhiên mà cả cuộc đời đã dốc hết tâm sức nghiên cứu các công trình tài nguyên thiên nhiên. Ông luôn xem cuộc sống của các loài động, thực vật cũng giống như con người, cũng có một thế giới riêng với nhiều chức năng quan trọng, có vai trò riêng trong sự cân bằng sinh thái. Để có được thành công như ngày hôm nay những công việc GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh làm đều xuất phát từ niềm đam mê vô tận với thiên nhiên. Ông tâm sự: “Cả cuộc đời của tôi gắn liền với những chuyến đi dài và các công trình nghiên cứu khoa học. Cho đến hôm nay, 165 công trình nghiên cứu của mình đã có thành quả và được ghi nhận đóng góp có ích cho xã hội. Vì thế, đối với tôi, nghiên cứu khoa học là nguồn sống mà tôi không thể thiếu”.
Dồn nén tâm tư trước cảnh thiên nhiên bị tàn phá, những năm qua, ông đã dành nhiều tâm sức nghiên cứu về các loài có nguy cơ tuyệt chủng, thiết lập, quản lý các khu bảo tồn để bảo tồn cuộc sống của chúng. Trong giai đoạn 1990 - 2010, GS. TSKH Ðặng Huy Huỳnh chỉ đạo và tổ chức cán bộ Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật phối hợp các cơ quan hữu quan điều tra, khảo sát và đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học ở các vùng biên giới thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc và dãy Trường Sơn, nhằm bảo tồn đa dạng sinh học thuộc các vùng xuyên biên giới, vùng hạ lưu sông Mê Công. Những kết quả nghiên cứu góp phần đề xuất các Bộ, ngành thành lập một số khu bảo tồn thiên nhiên xuyên biên giới, như: Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé (Lai Châu) có diện tích 100.000 ha với Khu Bảo tồn thiên nhiên Phoudendinh (Lào)...
Từ những năm tháng này, ông và các cộng sự đã cho ra đời cụm công trình Tập ATLAS quốc gia (năm 2005) và Động vật chí, Thực vật chí, Sách đỏ Việt Nam (năm 2010). Hai công trình này đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh - giải thưởng cao quý nhất về khoa học và công nghệ. Cũng chính tình yêu với thiên nhiên đã thôi thúc ông lặn lội với những chuyến đi để bảo tồn cây di sản. Chỉ trong vòng 7 năm, với tư cách Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam, ông cùng các nhà khoa học thuộc lĩnh vực sinh học, lâm học, bảo vệ thực vật đã giúp bảo vệ được gần 3.000 cây di sản thuộc hơn 100 loài phân bố ở 52 trong số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.Với sự cống hiến không mệt mỏi cho màu xanh của thiên nhiên, ông được trao tặng gần 20 Huân, Huy chương các loại. Đặc biệt, tháng 8/2017, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Asean, GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh đã vinh dự là 1 trong 10 nhân vật điển hình của các nước trong khu vực được nhận danh hiệu Anh hùng Đa dạng sinh học Asean - ông là người Việt Nam đầu tiên được nhận Giải thưởng cao quý này. Trước khi lên đường sang Philipines nhận Giải thưởng cao quý, ông tâm sự: “Trong quá trình hoạt động Cách mạng và nghiên cứu khoa học của mình, tôi không nghĩ là mình đạt được danh hiệu như thế. Đây là vinh dự không chỉ riêng cho bản thân tôi mà còn là vinh dự chung cho các nhà khoa học Việt Nam, cho nhân dân Việt Nam, đặc biệt, những nhà khoa học trong lĩnh vực môi trường và đa dạng sinh học”.
Phát biểu tại buổi lễ chúc mừng GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định: Đây là sự ghi nhận xứng đáng với những đóng góp tích cực và thiết thực của GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam và trong khu vực, là niềm tự hào của các nhà khoa học, nhà hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của Việt Nam chúng ta."
TS. Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng: GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh là một nhà khoa học tầm cỡ trong lĩnh vực đa dạng sinh học và môi trường, một nhân cách lớn trong cuộc sống, một người bạn tin cậy của cộng đồng khoa học nhiều nước.
Dù đã gần 90 tuổi, song ông vẫn chưa muốn nghỉ ngơi, bởi tình yêu với thiên nhiên trong ông vẫn thôi thúc lên đường. Bởi Giáo sư luôn tâm niệm, thiên nhiên là nơi cứu sống mình từ thế hệ này qua thế hệ khác. Thiên nhiên thật sự như người mẹ đỡ cho tất cả. Vì thế, Giáo sư Đặng Huy Huỳnh muốn gửi gắm thông điệp: Chúng ta hãy trân quý thiên nhiên, cố gắng sống thân thiện với thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên.