Gốm cổ Bồ Bát được bắt nguồn từ làng Bạch Bát – Bồ Xuyên, chấn Thanh Hoa thuộc Ái Châu xưa, nay là làng Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Theo sử sách, làng gốm Bồ Bát (thuộc phủ Trường Yên thời đó) đã nổi danh cách đây hàng nghìn năm với những sản phẩm gốm trắng độc đáo do bàn tay tài hoa của những người thợ tài hoa làm ra.
Năm 1010, vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư lên kinh thành Thăng Long, khi đó nhiều nghệ nhân ở Bồ Bát cũng dời ra Bắc, dọc ven bờ sông Hồng, nơi có đất sét tốt để sản xuất gốm sứ và tạo lập nên làng nghề Bát Tràng ngày nay, đồng thời gốm Bồ Bát cũng đã thất truyền gần nghìn năm theo dòng lịch sử.
Sinh ra và lớn lên ở Bạch Liên, cái nôi khai sinh ra gốm Bồ Bát, được nghe những câu chuyện lịch sử của quê hương gắn liền với gốm, chàng thanh niên Phạm Văn Vang sinh năm 1981 đã chìm đắm trong tình yêu với gốm từ lúc nào không hay và luôn mơ ước về việc phục dựng nghề gốm cổ.
Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Vang - người hồi sinh gốm cổ Bồ Bát |
Sau khi tốt nghiệp THPT năm 2005, anh không lựa chọn đi học đại học như các bạn cùng trang lứa mà rời quê hương ra Bát Tràng tìm đến gia đình người chú để học nghề gốm. Miệt mài học suốt 3 năm, tay nghề của chàng trai Phạm Văn Vang phần nào đã vững nhưng chưa bằng lòng, anh lại tiếp tục lên Bắc Giang xin vào làm thuê cho xưởng gốm để học hỏi những hoạ tiết hoa văn tranh cổ. Nhờ tình yêu với gốm cùng với sự chăm chỉ, cần mẫn anh đã gặp được tình yêu đích thực của đời mình là người vợ hiền ngay tại xưởng gốm. Sau 6 năm vừa học vừa làm trở thành nghệ nhân lành nghề, anh cùng vợ quay trở lại quê hương Bạch Liên mở xưởng gốm để thực hiện mơ ước phục dựng lại gốm cổ nghìn năm bị thất truyền.
Còn đường hiện thực hoá mơ ước vốn chẳng dễ dàng với bất kỳ ai và với chàng trai yêu gốm này lại gặp phải muôn vàn khó khăn. Bao nhiêu vốn liếng tích cóp được sau nhiều năm làm thuê cũng không đủ mở xưởng và thuê nhân công cũng như chi phí nguyên vật liệu. Địa phương tuy nghèo nhưng nhận thấy tâm huyết của anh cũng đã hỗ trợ cho anh vay vốn để mở xưởng, đào tạo thợ nghề và quy hoạch vùng nguyên liệu. Đặc trưng của gốm Bồ Bát đó là đất sét Bồ Di hay còn gọi là đất non sương rất quý hiếm. Loại đất này tạo nên dòng men trắng số 1 hiện nay, chỉ cần nung 50 – 70% thời gian so với các loại đất sét khác nhưng vẫn đảm bảo chất lượng về độ mịn, cứng.
Các họa tiết trên sản phẩm gốm Bồ Bát đều được vẽ thủ công bằng men màu rất độc đáo và bắt mắt |
Để phục hồi nghề gốm cổ ngoài kỹ thuật, tay nghề cao ra thì kiểu lò, nhiệt độ lò, thời gian nung, canh lửa cũng vô cùng quan trọng. Sau hàng chục mẻ gốm thất bại, anh dần dần sửa đổi, rút kinh nghiệm và đã cho ra đời một mẻ gốm hoàn thiện từ chất men, màu sắc, độ cứng đến các hoạ tiết và từ đây gốm cổ Bồ Bát bắt đầu được hồi sinh.
Anh Phạm Văn Vang cho biết: Để tạo ra một sản phẩm đặc trưng của gốm Bồ Bát phải mất hàng tuần, thậm chí hàng tháng trời nhưng vẫn có thể thất bại. Mỗi sản phẩm ở đây phải trải qua cả chục công đoạn, từ sơ chế đất cho đến thếp vàng, ngoài ra mỗi sản phẩm đều phải qua hai lần nung ở hai mức nhiệt khác nhau lần lượt là 400 – 8000C và 1.280 – 1.3000C. Gốm Bồ Bát đặc biệt không có nồng độ chì, đảm bảo an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng, giữ được độ bền, bóng của men, hạn chế tối đa sứt mẻ, rất phù hợp để làm đồ gia dụng, trang trí trong mỗi gia đình và các nhà hàng, khách sạn…
Gốm thành phẩm đã sản xuất được nhưng làm thế nào để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, đưa ra thị trường rộng lớn cạnh tranh với muôn vàn dòng gốm đã có tên tuổi lại tiếp tục là thử thách không nhỏ với chàng trai cố đô. Thời gian đầu, anh tự mình cầm sản phẩm đi khắp các tỉnh, trong Nam ngoài Bắc để chào hàng, ký gửi sản phẩm giới thiệu, không có hội chợ, gian hàng gốm sứ nào là anh không có mặt. Nhờ sự nỗ lực không biết mệt mỏi cùng những sản phẩm gốm có chất lượng rất cao, giá cả hợp lý và nguồn gốc lâu đời của gốm Bồ Bát dần dần đã thu hút được người tiêu dùng và được thị trường đón nhận.
Các sản phẩm gốm được đóng gói cẩn thận để đưa đến tay người tiêu dùng |
Năm 2009, khi sản phẩm gốm Bồ Bát có chỗ đứng trên thị trường, anh Vang mạnh dạn mở lớp và trực tiếp giảng dạy “cầm tay chỉ việc” ngay tại xưởng cho hơn 50 công nhân là con em địa phương, vừa tạo thêm công ăn việc làm vừa thắp lên tình yêu phục dựng nghề gốm thất truyền của cha ông. Độc đáo nhất của gốm Bồ Bát đó là mảnh tranh gốm ghép dựa trên nền một số dòng tranh nổi tiếng như Đông Hồ kết hợp với những nét văn hoá các vùng, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên cả nước.
Hiện công ty của anh Vang đang sản xuất các mặt hàng như: ấm chén, bát đĩa, bình hoa, tranh gốm mỹ nghệ, tượng gốm nghệ thuật… sản phẩm đa dạng về mẫu mã, được trang trí bằng những hoạt tiết truyền thống tinh tế được vẽ thủ công bằng men màu cực kỳ độc đáo và bắt mắt. Nhiều sản phẩm tại đây có giá hàng chục triệu đồng. Gốm Bồ Bát giờ đây không chỉ được thị trường trong nước đón nhận mà thị trường quốc tế khó tính như: Đức, Pháp, Nga, Nhật Bản… cũng rất có cảm tình và tin tưởng dòng gốm cổ này.
Độc đáo nhất của gốm Bồ Bát đó là mảnh tranh gốm ghép dựa trên nền một số dòng tranh nổi tiếng như Đồng Hồ kết hợp với những nét văn hoá các vùng, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên cả nước |
Sau nhiều năm nỗ lực, anh Phạm Văn Vang đã được trao nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành, cơ sở gốm của anh tạo được chỗ đứng trong làng gốm Việt. Năm 2015 anh được nhận giải thưởng Sáng kiến cấp tỉnh, cùng năm đó gốm Bồ Bát được Bộ Công thương vinh danh trong Lễ công bố và tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia . Năm 2016 anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ nhân ưu tú.
Theo Nghệ nhân Phạm Văn Vang: Cha ông đã để lại cho hôm nay những tác phẩm gốm giá trị, đây không chỉ là một nghề mà đó là cả chiều dài của lịch sử dân tộc, mỗi sản phẩm đều mang đậm nét văn hoá của con người và đất nước. Con cháu chúng ta phải luôn phấn đấu, tạo dựng và cho ra đời hơn nữa những sản phẩm có giá trị cao và để lò gốm Bồ Bát mãi luôn rực lửa đến các thế hệ mai sau.