Người giữ “hồn kỳ” cho Tổ quốc

Hoàng Anh| 02/09/2020 06:13

(TN&MT) - Trong những ngày kỷ niệm Quốc khánh 2/9, không khí tại các phố phường trên khắp cả nước bỗng rộn ràng hơn bởi những lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió. Ít ai biết rằng, sau mỗi lá Quốc kỳ thiêng liêng, là chan chứa tình yêu nước nồng nàn, được gửi gắm qua những đôi tay lành nghề, khéo léo trong từng công đoạn tỷ mỷ.

40 năm bén duyên với nghề may cờ Tổ quốc

Ghé thăm ngôi nhà nhỏ nằm cuối khu phố Bùi Thị Xuân, phường Ngọc Trạo, TP. Thanh Hóa, thăm bà Nguyễn Thị Mai người 40 năm may cờ Tổ quốc, không ai là không biết đến. Căn nhà số 90 (phố Bùi Thị Xuân) nổi bật bởi sắc đỏ rực rỡ luôn ngập tràn trong căn phòng nhỏ.

Ngồi bên chiếc may khâu đã cũ, bà Mai tâm sự: Những năm 80, sau khi giải ngũ, tôi được bố xin vào công tác tại “Quốc doanh may đo”. Mỗi khi có dịp ngày lễ, cơ quan thường phát vải và giao nhiệm vụ may cờ đỏ sao vàng, cờ Đảng. Khi ấy tôi mới chập chững tiếp cận nghề may nên còn khá bỡ ngỡ, nhưng nhờ có bố (vốn là thợ may lành nghề) hướng dẫn, chỉ bảo nên từ đó tôi bén duyên với nghề may cờ Tổ quốc cho đến nay cũng gần 40 năm rồi.

Bà Mai (phường Ngọc Trạo, TP. Thanh Hóa) bắt đầu nghề may cờ từ 40 năm trước. Ảnh: Hoàng Anh

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống về may mặc, lại có năng khiếu may sẵn có giúp cho bà Mai học hỏi, tiếp thu nhanh những kinh nghiệm nghề quý báu, được đúc kết từ các thế hệ trước. Sau khi về hưu vào những năm 1999 - 2000, bà Mai thường nhận may cờ Tổ quốc tại các chợ lớn trong thành phố.  Bà được tín nhiệm bởi tay nghề được tôi luyện nhiều năm, cùng niềm tự hào dân tộc luôn thường trực mỗi khi được may những lá Quốc kỳ thiêng liêng. Không lâu sau đó, bà Mai trực tiếp thu mua nguyên liệu vải rồi tự may, bán cho những ai có nhu cầu. Từ đây, các thương lái trong thành phố và vùng lân cận nườm nượp tìm đến nhà bà để đặt mua những lá cờ chất lượng.

Đơn giản nhưng không… dễ

Tuy không khó như nghề may mặc, nhưng nghề may cờ Tổ quốc có nhiều điểm khác biệt với các nghề may thêu khác từ khâu chọn vải, thêu, in, pha màu... để làm sao cờ may xong đạt tiêu chuẩn và phải sắc nét, bền đẹp. Mỗi công đoạn đòi hỏi người làm cờ phải khéo léo, tỷ mỷ trong từng đường kim, mũi chỉ.

Lấy dẫn chứng cho chúng tôi, bà Mai trải rộng một lá cờ chưa hoàn thiện, mướt nhẹ bàn tay xuống tấm vải đỏ đã được cắt thẳng tắp, chính xác đến từng centimet, bà Mai chia sẻ: Để may một lá cờ chất lượng, khâu chọn vải là khâu quan trọng nhất. Tôi thường chọn loại vải sa-tanh loại vải có bề mặt bóng mịn, bắt mắt, được tạo ra bằng cách áp dụng kỹ thuật dệt vân đoạn tạo nên sự đan kết chặt chẽ giữa các sợi ngang và sợi dọc.

Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió.

Cũng theo bà Mai, may cờ Tổ quốc không quá khó, nhưng để có được lá cờ đạt chuẩn, thường phải trải qua 10 công đoạn. Trong đó khâu quan trọng và khó nhất vẫn là khâu cắt khoét và đính hình sao vàng trên nền cờ đỏ. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải căn đo chính xác sao cho việc cắt khoét phải chuẩn, chắc tay, đường cắt phải “nét”. Khi đính, cần căn chỉnh sao cho đỉnh ngôi sao nằm chính giữa, tránh bị lệch, nghiêng vừa gây xấu về yếu tố thẩm mỹ, lại không thể hiện được ý nghĩa của lá Quốc kỳ.

Chị Nguyễn Thị Lan (tiểu thương Chợ Vườn Hoa, TP. Thanh Hóa) chia sẻ: Về mặt hàng cờ Tổ quốc, khách hàng thường ưa chuộng, ưu tiên mua những lá cờ được bà Mai làm thủ công. Bởi bà thường may rất tỷ mỷ, cẩn thận, về kích thước các lá cờ cũng đạt chuẩn, đường may sắc nét. Vì thế mà mỗi khi có dịp ngày lễ như Quốc Khánh 2/9, tôi thường đến đặt bà Mai với số lượng lớn.

Niềm tự hào dân tộc từ những lá cờ thiêng liêng

Chia sẻ thêm với phóng viên, bà Mai tâm sự: Cứ mỗi khi đến dịp lễ Tết, nhiều người đến đặt hàng, một mình bà làm không xuể nên hai vợ chồng cùng nhau làm cả ngày, cũng là tạo chút niềm vui tuổi già. Mà chồng tôi may đẹp hơn tôi nữa đấy”, bà Mai mỉm cười nói.

Khi được hỏi về thu nhập trong việc bán cờ, bà Mai xua tay, mắt nhìn về những lá Quốc kỳ thiêng liêng được gấp ngay ngắn, bà trải lòng: “Lời lãi chẳng được bao nhiêu, mình làm phần vì nhớ nghề may, phần vì tình yêu quê hương đất nước. Cứ mỗi lần trải lá cờ đỏ trên mặt bàn, là trong tôi lại bồi hồi một cảm xúc khó tả. Dâng lên trong lòng một niềm tự hào khi được vinh dự là người may những lá Quốc kỳ của dân tộc. Tôi mong muốn có thể hướng dẫn, truyền nghề cho thế hệ trẻ hiện nay.”

Với mỗi người dân Việt Nam dù ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh luôn chứa đựng khát vọng độc lập, tự do của toàn dân tộc. Lá cờ mang hồn nước, là đại diện cho niềm tự hào Việt Nam, khơi dậy hai tiếng quê hương trong mỗi người con đất Việt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người giữ “hồn kỳ” cho Tổ quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO