Sức khỏe

Người già mong sớm tăng lương hưu

Thùy Linh 18/12/2022 15:56

Không ít người già đang có mức lương hưu thấp, hoặc sống phụ thuộc vào con cháu.

Lương hưu là “của để dành” giúp người lao động sống tốt khi về già nhưng thực tế hiện nay không ít người đang phải nhận mức lương hưu thấp, sống phụ thuộc vào con cháu hoặc phải làm thêm để lo cuộc sống tuổi già.

Không đủ tiền mua thuốc

Hơn 2 triệu đồng là số lương hưu bà Nguyễn Thị Nhâm, cán bộ hưu trí ở xã Đồng Quang (Gia Lộc) được nhận mỗi tháng khi đã ngoài 70 tuổi. Bà Nhâm nhẩm tính: “Tiền mua thuốc trị tiểu đường, cao huyết áp, xương khớp, Parkinson… mỗi tháng ngót nghét gần 3 triệu đồng. Thuốc điều trị Parkinson ngày càng đắt đỏ, khan hiếm nên số tiền lương hưu dành để mua thuốc không đủ, các con tôi phải hỗ trợ thêm”. Bà Nhâm có 17 năm làm giáo viên tiểu học sau đó được nghỉ hưu sớm do sức khỏe không bảo đảm. Vì thời điểm giảng dạy mức lương bà Nhâm được nhận thấp, cộng với về hưu sớm, thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) ngắn nên mức lương bà được hưởng khi về hưu không nhiều.

Ở tuổi thất thập nhưng bà Trần Thị Lung ở phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) còn phải bán thêm nước mía để trang trải cuộc sống. Vốn là cán bộ Sở Thương nghiệp, bà Lung nghỉ hưu từ năm 1990. Đến năm 2022, bà nhận mức lương hưu 3.050.000 đồng/tháng. Bà Lung cho biết: “Thực phẩm ngày càng đắt đỏ, tiền điện, nước rồi các đám hiếu, hỷ cần chi tiêu khiến số tiền lương hưu của tôi còn lại chả đáng là bao. Tôi chỉ mong sức khỏe ổn định chứ ốm đau mà phải đi viện thì lương cũng không đủ”.

Theo thống kê của BHXH tỉnh, toàn tỉnh hiện có hơn 80.000 người đang hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội hằng tháng. Số người được hưởng lương hưu chiếm tỷ lệ khá cao, hơn 87%. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong 2 năm 2020 và 2021, người nghỉ hưu không được tăng lương, trợ cấp. Từ ngày 1.1.2022, lương hưu và tiền trợ cấp hằng tháng tăng 7,4% mức hưởng theo Nghị định số 108 nhưng thực tế số tiền tăng này không theo kịp tăng giá hàng hóa thời gian qua.

Nguyên nhân hưởng lương hưu thấp chủ yếu do người lao động đóng BHXH với mức thấp, thời gian đóng ngắn… Nhiều chủ sử dụng lao động cố tình lách luật để giảm bớt chi phí đóng vào các quỹ bảo hiểm. Theo quy định, người lao động đóng 1/3, còn doanh nghiệp đóng 2/3. Khi còn làm việc, nhiều người lao động đồng tình hoặc không quan tâm tới việc doanh nghiệp đóng bảo hiểm cho mình bao nhiêu dẫn đến họ lợi dụng đóng với mức thấp nhất khiến người lao động thiệt thòi khi nhận lương hưu.

Mong sớm tăng lương cơ sở


Do lương hưu thấp nên bà Trần Thị Lung ở phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) phải bán thêm nước mía để trang trải cuộc sống

Phương án tăng lương cơ sở dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này. Đây không chỉ là mong ngóng của nhiều cán bộ, công nhân, viên chức đang công tác mà còn của nhiều người lao động đã nghỉ hưu. 

Theo điều 56 và điều 71 Luật BHXH năm 2014, mức hưởng lương hưu thấp nhất khi tham gia BHXH bắt buộc bằng mức lương cơ sở. Hiện nay, mức lương cơ sở vẫn đang áp dụng là 1,49 triệu đồng/tháng. Nếu tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng theo phương án của Chính phủ trình Quốc hội thì mức bình quân tiền lương đóng BHXH cũng sẽ tăng. Khi đó, người về hưu cũng được tăng lương hưu hằng tháng. “Nếu Quốc hội đồng ý tăng lương tối thiểu thì sắp tới tôi được nhận lương hưu hơn 5 triệu đồng. Như vậy, người về hưu lương thấp như chúng tôi cũng có thêm ít tiền để trang trải cuộc sống. Tôi mong Quốc hội quyết định tăng lương vào đầu năm 2023 vì 2 năm do dịch bệnh chúng tôi đã không được tăng đồng lương hưu nào rồi”, ông Nguyễn Văn Tuấn, cán bộ hưu trí ở phường Tân Bình (TP Hải Dương) nói.

Tại kỳ họp Quốc hội này, trong tờ trình về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023, Chính phủ cũng đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp BHXH với đối tượng do ngân sách nhà nước chi trả khoảng 12,5%, đồng thời hỗ trợ thêm với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp. Như vậy, cùng với việc tăng lương cơ sở, nếu những chính sách về lương hưu được thông qua thì trong năm 2023, mức lương được nhận của người nghỉ hưu cũng được cải thiện đáng kể.

Lương hưu có vai trò quan trọng đối với đời sống người lao động khi về già, vừa để trang trải cuộc sống, không phụ thuộc vào con cháu, vừa phải chi phí cho thuốc thang. Để được nhận lương hưu cao, người lao động cần được đóng đúng, đóng đủ BHXH. Không những vậy, cơ quan chức năng cũng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc trích đóng BHXH của các cơ quan, đơn vị, tránh tình trạng lách luật đóng không đủ, không đúng mức đóng BHXH so với mức lương thực lĩnh khiến người lao động thiệt thòi khi nhận lương hưu.

Đại diện BHXH tỉnh nhận định tăng lương cơ sở sớm vào đầu năm 2023 là mong ngóng của nhiều người, nhất là cán bộ hưu trí bởi hầu hết thu nhập chính của người về hưu là lương hưu, các khoản thu nhập khác không thường xuyên. So với mức độ trượt giá thị trường như hiện nay, lương hưu của nhiều người còn thấp nên việc tăng lương hưu và các khoản trợ cấp là hợp lý trên cơ sở phát triển chung của nền kinh tế. Chính sách này cũng giúp hạn chế tình trạng người lao động rút BHXH một lần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người già mong sớm tăng lương hưu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO