Người đưa Mây tre đan Vân Sơn hội nhập

Tuyết Trang - Thu Thảo| 21/09/2018 15:41

(TN&MT) - Về xã Kim Hoá, huyện Tuyên Hoá (Quảng Bình) hỏi ông Lê Viết Sơn ai cũng biết, bởi ông là chủ nhiệm HTX mây tre đan Vân Sơn, người đã đưa mây tre đan vào cho bà con lấy việc làm, tăng thu nhập góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.

Chia sẻ với chúng tôi ông Lê Viết Sơn cho biết: Năm 1997 về hưu, trước thực trạng thiếu việc làm nên ông đã quyết tâm làm một điều gì đó để tạo sinh kế tăng thu nhập cho bà con. Cơ hội đến, khi năm 2005 ông được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Kim Hoá. Trong thời gian công tác tại đây, ông luôn tìm cách để kết nối mở các lớp đào tạo nhiều ngành nghề khác nhau cho người dân. Trong đó, có 2 lớp kỹ thuật đan lát thủ công (dòng mây tre đan) với 58 học viên.

Với quyết tâm tạo dựng nghề cho làng, ông đã đi các làng nghề cũng như HTX, doanh nghiệp sản xuất mây tre đan khắp cả nước học hỏi và tìm các vùng chuyên cung cấp nguyên liệu để tổ chức sản xuất. Năm 2012, Luật HTX ra đời với nhiều ưu đãi trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, để khuyến khích người dân gắn bó với mô hình kinh tế tập thể, ông Sơn càng quyết tâm thực hiện ý tưởng xây dựng HTX của mình.

images625130_23456.jpg
Lớp dạy nghề mây tre đan của HTX Vân Sơn

Tuy vậy, để sản phẩm làm ra được thị trường chấp nhận là vấn đề không đơn giản. Ngày đầu tổ chức sản xuất sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, ông đã chuyển hướng bằng cách cung cấp nguyên liệu thô đã qua gia công cho các cơ sở khác, sau đó, ông mời thợ giỏi về dạy lại cho thợ của mình. Nhiều lao động có năng khiếu được ông Sơn bỏ kinh phí ra gửi đi các làng nghề để học tập thêm kỹ thuật đan lát 1 Chị Hoàng Thị Mai ở Kim Hóa cho biết: Ngày đầu tham gia lao động cho HTX mây tre đan Vân Sơn gặp không ít khó khăn bởi làm nghề này đòi hỏi phải khéo léo, cẩn thận vì thế không ít lần chị đã phải làm lại do sản phẩm bị lỗi.

Thế nhưng sau thời gian được ông Sơn cho theo học lớp đào tạo nghề mây tre đan trên huyện cùng với đi tham quan học hỏi các nghệ nhân có kinh nghiệm ở các làng nghề khác nên đến nay chị Mai đã tự tin với công việc của mình. Theo chị Mai nếu cần cù, chăm chỉ mỗi tháng cũng có thu nhập từ 4,5 - 5 triệu đồng.

images625129_7890.jpg
Sản phẩm mây tre đan của HTX Vân Sơn

Khi đã có đội ngũ lao động lành nghề, ông đầu tư mở rộng qui mô, mua thêm nhiều thiết bị máy móc, mở rộng nhà xưởng tuyển và đào tạo thêm lao động. Người lao động ở HTX không ngừng tăng lên, hiện nay bình quân thu nhập đạt trên 54 triệu đồng/người/năm. Hàng năm, HTX phối hợp với các địa phương trong huyện và mở rộng sang huyện Minh Hóa tổ chức nhiều lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, qua đó tạo tiền đề thành lập các tổ hợp tác liên kết cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm.

Hiện nay, sản phẩm mây tre đan Vân Sơn đã tìm được chỗ đứng trên thị trường và dần khẳng định thương hiệu. Thị trường tiêu thụ cũng được trải dài từ Hà Nội vào tận vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo ông Sơn thì sản phẩm mây tre đan Vân Sơn không chỉ dừng lại ở cung cấp sản phẩm cho các đối tác trong nước, hiện nay, ông đang kết nối tìm thị trường các nước châu Âu để xuất khẩu sản phẩm nhằm tăng gía trị sản phẩm nâng cao thu nhập cho lao động cùng với đó là khẳng định thương hiệu của hàng Việt Nam trên thị trường Quốc tế.

Ông Trần Văn Lưu, Chủ tịch UBND xã Kim Hóa cho biết: Việc ông Lê Viết Sơn thành lập HTX mây tre đan trên địa bàn đã mở ra hướng đi mới cho người dân. Ngoài việc tạo được nhiều việc làm có thu nhập cho lao động HTX còn có tác động làm thay đổi tư duy sản xuất của bà con cùng với đó là hình thành làng nghề và vùng nguyên liệu góp phần đa dạng hóa trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người đưa Mây tre đan Vân Sơn hội nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO