Người "bắt mạch" thủy văn nơi đầu nguồn cơn lũ

18/06/2017 00:00

(TN&MT) - Giữa trưa hè nắng nóng, Trạm Thủy văn Nậm Giàng, Sìn Hồ, Lai Châu, lọt thỏm dưới tán cây ven hạ lưu sông Nậm Na. Theo chân ông  Vi Văn Thanh, Trạm trưởng trạm thủy văn Nậm Giàng đi đo nước mới thấu được nỗi vất vả của những người con khí tượng thủy văn vẫn ngày đêm “khám bệnh” cho dòng sông này.

Trạm Thủy văn Nậm Giàng giữa trưa hè
Trạm Thủy văn Nậm Giàng giữa trưa hè

Đến Trạm Thủy văn Nậm Giàng giữa trưa hè nắng nóng, Trưởng trạm Vi Văn Thanh “tiếp” chúng tôi bằng những luồng gió quạt, quý lắm mới cho ra. Giọt mồ hôi dần biến mất trước khi tôi kịp nhận ra mình đã “tiêu” mất khá nhiều điện năng mà tấm pin năng lượng mặt trời hấp thụ cả ngày qua.

Gắn bó với mảnh đất Nậm Giàng, ông Vi Văn Thanh, dường như hiểu hết được “cái tính” của dòng sông Nậm Na. Tình yêu với công việc thầm lặng ngày đêm đo mưa, đo lũ, ít người biết đến này cứ thế lớn dần lên.

Hơn 30 năm về trước, chàng trai Vi Văn Thanh, người dân tộc Tày, quê ở Cao Bằng đã xác định con đường gắn bó với nghề khí tượng thủy văn. Năm 1986, sau khi tốt nghiệp Trường Cán bộ Khí tượng thủy văn, ông đã tình nguyện Lai Châu công tác và nhận nhiệm vụ tại trạm Thủy văn bản Yên (nay thuộc tỉnh Điện Biên). Sau đó 2 năm, được điều chuyển lên Trạm Thủy văn Nậm Giàng, và từ đó đến nay, tình yêu với nghề, với mảnh đất Nậm Giàng luôn thường trực trong ông.

Ông Vi Văn Thanh, Trưởng trạm Thủy văn Nậm Giàng đang “khám bệnh” cho dòng sông Nậm Na
Ông Vi Văn Thanh, Trưởng trạm Thủy văn Nậm Giàng đang “khám bệnh” cho dòng sông Nậm Na

Hướng mặt xuống phía dòng sông Nậm Na, ông Thanh giãi bày tâm sự: “Hồi mới lên Nậm Giàng, mình gặp phải rất nhiều khó khăn vì lạ nước, lạ người. Nậm Giàng trước kia đâu được như này, đường xá đi lại khó khăn, muốn xuống chợ mua lương thực cũng phải đi bộ hơn chục cây số, đến chợ rồi cũng phải mất khoảng 1, 2 tuần mới mua được đồ lại lụi khụi tay xách, nách mang cả trăm thứ đồ về để dùng hết tháng. Cũng nhiều lúc chẳng kịp mua được thức ăn mà phải lên rừng đào củ sắn, củ mài về ăn tạm. Lâu rồi cũng quen, nghĩ lại cảnh trước kia vẫn nhiều lần mình phải rớt nước mắt, chính vì thế mà từ khi lên đây đã chứng kiến khảng 10 người bỏ nghề, có người thì bán được  1, 2 năm nhưng cũng có người chỉ trụ được 1, 2 tháng...”

Theo chân ông Vi Văn Thanh đi đo mực nước dưới lòng sông, dốc núi dựng đứng mặc dù đã được xây thành từng bậc nhưng tôi vẫn cảm thấy rợn tóc gáy. Vậy mà những người “khám bệnh” cho dòng sông này lại bất kể ngày đêm lên xuống hàng chục lần để thực hiện nhiệm vụ. Khổ nhất là những ngày mưa to, lũ lớn, chỉ một cú sẩy chân là nguy hiểm cận kề.

... và công việc đo nắng, đo mưa
... và công việc đo nắng...

Công việc thường ngày ở Trạm Thủy văn Nậm Giàng là quan trắc, thu thập số liệu về thủy văn như đo mực nước, lưu lượng nước, nhiệt độ nước, lượng mưa và nhiệt độ không khí. Sau khi tổng hợp số liệu rồi báo về Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Bắc. Công việc hằng ngày chỉ có thế, nhưng có ở vị trí của các cán bộ Thủy văn Nậm Giàng mới hiểu hết được những gian khó.

“Khổ lắm đồng chí phóng viên ạ! Trạm Thủy văn Nậm Giàng nằm gần thủy điện mà đến nay vẫn chưa có điện. Trước đèn dầu, giờ là điện tích tụ từ nguồn năng lượng mặt trời cũng chỉ đủ để chiếu sáng mấy tiếng về đêm. Mọi công việc báo cáo chúng tôi đều thông qua điện thoại. Những hôm trời mưa gió, điện chiếu ban đêm cũng không có mà dùng, sóng điện thoại không có. Muốn sạc pin điện thoại cũng không có điện. Phương án dự phòng duy nhất để làm bảo thông tin liên lạc là đi xe máy khoảng chục cây số để nhờ dân gọi giúp cuộc điện thoại...” - ông Thanh chia sẻ.

... đo mưa
... đo mưa!

Khó khăn là vậy, nhưng những người bắt mạch cho dòng sông nơi đầu nguồn con lũ này vẫn hăng say vì tâm huyết với nghề. 32 gắn bó năm quả là thời gian không hề ngắn cho đời người cán bộ khí tượng thủy văn. Chỉ năm nữa thôi là ông Thanh sẽ về hưu, nhưng cái tên Vi Văn Thanh sẽ mãi gắn với mảnh đất Nậm Giàng. Không chỉ là ký ức về những ngày đi đo mưa, đếm nắng mà là vì tâm huyết với nghề ông đã thổi cho thế hệ trẻ về sau đến đây công tác.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, cán bộ kỹ thuật Thủy văn Nậm Giàng, chia sẻ: Quê mình ở Sơn La, gái thành phố luôn đấy. Lên đây công tác mới chỉ được 1 tháng, nhưng mình đã cảm được những khó khăn, thiếu thốn của nơi đây. Mới đầu mình cũng cảm thấy rất “sốc” nhưng cũng chỉ biết nói lớn với bạn bè là vì thích thôi. Cũng may được sự tận tình chỉ bảo của chú Thanh và các anh chị đồng nghiệp nên mình cũng bớt lo. Chú Thanh chính là cái gương mà chúng tôi cần phải học tập khi xác định gắn bó với nghề.

Mải tâm sự với ông Thanh và các cán bộ kỹ thuật của Trạm Thủy văn Nậm Giàng mà tôi quên mất cái hẹn với đứa bạn thân. Vội vàng lấy điện thoại ra gọi cho nó, thì thôi rồi...cái sim Viettel của tôi lại mất sóng. Ông Thanh nhìn tôi rồi cười trừ... “đất Nậm Giàng là thế đấy!”

Hà Thuận

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người "bắt mạch" thủy văn nơi đầu nguồn cơn lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO