Người bảo tồn và phát triển vùng dược liệu quý

05/10/2016 00:00

(TN&MT) - Bén duyên với công việc làm bảo vệ Trạm Dược liệu Trà Linh, giờ đây không chỉ được biết đến là đội trưởng đội bảo vệ vùng cây sâm quý của tỉnh Quảng Nam, ông Bùi Như Chương còn là người có đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển giống sâm quý, sâm Ngọc Linh bằng lối đi riêng.  

Ông Chương trong vườn ươm cây sâm con
Ông Chương trong vườn ươm cây sâm con

Thủ phủ của loại sâm tốt nhất thế giới  

Cây sâm Ngọc Linh phân bố tại 108 vùng sâm tự nhiên trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Riêng tại Nam Trà My, sâm mọc tập trung tại 3 xã Trà Linh, Trà Nam và Trà Cang. Là một dược liệu chữa bệnh và tăng cường sức khỏe với hàm lượng saponin trong sâm Ngọc Linh cao từ 35 - 40%, có trường hợp 50%, cao gấp 42 lần so với sâm Nhật Bản. Chưa kể, sâm Ngọc Linh còn chứa 17 acid béo với hàm lượng 0,53%, ngoài ra còn có thể tìm trong sâm Ngọc Linh 18 acid amin, 20 nguyên tố vi lượng, các chất thuộc nhóm sterol, glucid, tinh dầu và vitamin C... Trong tương lai, Quảng Nam đang xây dựng vùng đại ngàn NamTrà My trở thành thủ phủ sâm quốc gia và là nước sản xuất sâm đứng thứ hai thế giới (sau Hàn Quốc), với sản lượng trên dưới 1.000 tấn, cho nguồn thu khoảng 2 tỷ USD mỗi năm. Đây cũng là cơ hội và là kỳ vọng từ bao đời nay của người dân Nam Trà My để thoát đói nghèo, vươn lên làm giàu. Theo đánh giá, hiện dưới những tán rừng nguyên sinh trên đỉnh núi Ngọc Linh có tổng diện tích vườn sâm của tập thể và tư nhân khoảng 70 hecta. Ngoài ra, ở độ cao từ khoảng 1.500m - 2.300m nơi có đủ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho việc trồng sâm có đến 19 nghìn hecta.  

Ông Chương hướng dẫn công nhân cách ươm cây sâm
Ông Chương hướng dẫn công nhân cách ươm cây sâm

Tuy nhiên, ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: Từ lâu, người dân trồng sâm ở Nam Trà My đều là tự phát, trồng và để cây sâm phát triển một cách tự nhiên, việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình trồng và chăm sóc còn hạn chế. Việc đầu tư giống cây sâm Ngọc Linh trong thời gian qua của tỉnh cũng chỉ mang tính chất hỗ trợ, chứ chưa có định hướng phát triển và kiểm tra, giám sát quản lý chặt chẽ nên hiệu quả mang lại không cao.

Cây sâm Ngọc Linh 2 năm tuổi trong vườn ông Chương
Cây sâm Ngọc Linh 2 năm tuổi trong vườn ông Chương

Người bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh theo lối đi riêng

Vì quá tâm huyết, đam mê với cây sâm Ngọc Linh, ông Chương đã bỏ thời gian nhiều năm để nghiên cứu về loại sâm quý này. May mắn khi được ông Du một lão nông gắn bó với cây sâm từ khi cây sâm chưa được nhiều người biết đến tin tưởng giao cho gần 1ha đất rừng của cá nhân ông Du tại thôn 2 Nước Ray, xã Trà Linh ở độ cao hơn 1900m so với mực nước biển, tạo điều kiện ban đầu cho ông trồng sâm. Đó cũng chính là cơ sở tiền đề đầu tiên để ông Chương dồn tâm huyết phát triển và bảo tồn được một vùng sâm rộng lớn với hơn 55 ngàn cây sâm Ngọc Linh như hiện nay.                                           

Ông Chương cho biết: Ban đầu rất khó khăn, tôi phải lấy ngắn nuôi dài bằng cách mua hạt giống của người dân sau vụ mùa để trồng sâm con bán rồi từ từ mới mạnh dạn đầu tư mua giống sâm 4-5 tuổi để trồng. Năm 2014, sâm của tôi bắt đầu cho hạt từ đó mới nguồn giống tiếp tục gieo phát triển thêm diện tích trồng. Tuy nhiên, để có được kiến thức về trồng và chăm sóc loại sâm quý này ngoài việc tự học hỏi những người có kinh nghiệm trồng sâm như ông Hồ Văn Du, ông Hồ Văn Lượng thì bản thân phải tự sáng tạo thêm nhiều kỹ thuật chăm sóc khác như hệ thống nước phun sương giữ độ ẩm cho đất, mái che tránh mưa đá, hệ thống đèn chiếu sáng ban đêm để chống thú rừng; bên cạnh đó còn có hệ thống còi hú báo động khi có người lạ xâm nhập vào vườn sâm.

Sâm Ngọc Linh đã được thu hoạch
Sâm Ngọc Linh đã được thu hoạch

Tính đến nay, vườn sâm của ông Chương có 55 nghìn gốc sâm nhiều độ tuổi, trong đó có 128 luống là sâm từ 5-9 năm tuổi, sâm giống từ 1-2 tuổi có 30.000 cây, giá trị cây giống 1 tuổi là 100 nghìn/cây, 2 tuổi là 230 nghìn/cây… Loại lớn bán theo ký theo phân loại như củ một lạng (loại 1) giá thị trường hiện tại 65 triệu đồng/kg, ngoài ra có có 2 củ/lạng (loại 2), 3 củ/lạng (loại 3)...  Để cây sâm phát triển tốt và tránh cho hạt lép, một luống bình quân ông Chương trồng 65 gốc, giá trị mỗi luống 50 triệu.

Mới đây ông Chương xuất bán hơn 4 ngàn cây giống sâm con thu về hơn 400 triệu. Nếu vườn sâm được chăm, bảo vệ tốt, không có thiên tai thì mỗi năm ông bán được 40 ngàn cây giống, thu về 4 tỷ đồng, trừ đi chi phí cho lãi ròng 3 tỷ đồng. Tuy nhiên để cây sâm phát triển tốt, cho giá trị kinh tế cao thì khâu phòng trừ bệnh cho sâm phải được chú trọng. Theo đó, ông đã có nhiều sáng kiến như dùng men ủ chế phẩm vi sinh vật FBP của Trung Tâm Ứng dụng và Thông tin KHCN Quảng Nam, phương pháp này đã mang lại cho ông kết quả khả quan, sâm không bị bệnh và phát triển nhanh.

Trạm dược liệu bảo vệ toàn bộ vùng trồng Sâm Trà Linh
Trạm dược liệu bảo vệ toàn bộ vùng trồng Sâm Trà Linh

Với những người tâm huyết với cây sâm Ngọc Linh như ông Chương sẽ góp phần quan trọng trong việc gìn giữ nguồn gen quí nhằm bảo tồn và phát triển vì một thương hiệu quốc gia về loại sâm tốt nhất thế giới, sâm Ngọc Linh - Việt Nam.

                                                                                 Bài & ảnh: Dương Bùi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người bảo tồn và phát triển vùng dược liệu quý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO