Ngược dòng Đà Giang

28/04/2014 00:00

(TN&MT) - Với những ánh đèn lấp lánh trong sự sống về đêm êm đềm của dòng sông Đà. Một vẻ đẹp chỉ có nơi vùng non nước hữu tình, thơ mộng này...

(TN&MT) - Sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu như ở các thành phố hoa lệ, cuộc sống về đêm là nhấp nháy đèn màu, là hàng quán vỉa hè và vô số những kẻ “ăn đêm”, còn ở miền sơn cước Hòa Bình, ánh điện trên dòng sông Đà là dấu hiệu của sự sống về đêm êm đềm.
   
Lênh đênh –  vượt ghềnh mưu sinh
   
   Theo lịch đã liên hệ từ trước,  2h chiều chiếc thuyền chở khách đón chúng tôi tham quan sông Đà có mặt đúng hẹn.
   
  Chiều. Sông Đà thật đẹp và huyền ảo. Ánh hoàng hôn dần buông phía xa, cả lòng hồ biến thành một màu tím ngút ngát. Những tia nắng phản chiếu ánh xuống lòng hồ phẳng lặng làm cảnh sắc thêm mơ mộng. Đây đó vài ba chiếc thuyền rẽ sóng trong khung cảnh thật lãng mạn, êm đềm. Rải rác bên sườn núi là vài ba ngôi nhà của người Mường khuất sau những rặng cây xanh. Khói lam chiều bốc lên hoà quyện sương mai, trôi bảng lảng giữa tán cây rừng lả lướt trôi theo gió. Màu lam huyền của sương đồi pha sắc vàng tươi của nắng, hắt lên mây trời những mảng màu ấm sáng hoàng hôn.
   
  Thuyền rẽ sóng, ngược dòng lên phía Bắc. Biết chúng tôi là người miền xuôi đến, anh lái đò quê gốc Hòa Bình vừa cười, vừa kể về những câu chuyện thú vị của dòng Đà giang. Cuộc sống lênh đênh sông nước của những người dân vạn chài trên dòng Đà giang quanh năm bán mặt sông nước, bán thân cho trời nhọc nhằn mưu sinh kiếm từng con tôm, con cá được tái hiện qua từng câu chuyện của anh. Anh kể, cuộc sống của họ ở sông nhiều hơn ở nhà. Vì miếng cơm manh áo, họ chấp nhận mưu sinh trên dòng Đà giang đầy thác ghềnh hiểm trở. Mỗi người có một số phận, một gia đình, song họ cùng có chung toan tính là mong muốn kiếm được miếng cơm manh áo giữa cuộc sống vốn dĩ đầy lo toan.
   
  Ngày nào cũng thế, khi mặt trời tỏa ánh bình minh người dân nơi đây lại đưa thuyền giăng lưới bắt cá, bắt tôm kiếm sống. Dù chẳng kiếm được bao nhiêu nhưng họ chấp nhận.
   
   
Hàng hóa được tập kết chuẩn bị cho phiên chợ chiều và đêm
    
   
  Theo thống kê, trên dòng Đà giang có hơn 200 người thường xuyên sinh sống, một số ít là người gốc Hòa Bình, đa số ở vùng Trung Hà (Ba Vì, Hà Nội), họ lên đây từ khoảng năm 2005 và mưu sinh bằng việc đánh cá và một số nghề khác. Họ được phường sở tại cho đăng ký hộ khẩu, trẻ em được đi học và chỉ về quê mỗi dịp lễ, Tết.
   
  Nói về những sản vật của sông Đà, người dân chài cho biết, dưới lòng hồ cá đa số là cá thiểu, cá ngạnh, cá chép, cá mè, cá quả và tôm càng. Cá cất lên sẽ bán vào mỗi buổi sáng tại khu chợ ngay ven sông. Chợ họp từ 4h - 4h30 sáng. Người mua cá sông ở đây thường là người dân buôn từ mạn Thanh Sơn, Phú Thọ sang, cũng có những người từ ngoài thị trấn vào, thậm chí cả những người buôn từ Hòa Bình.
   
  Có những ngày được “lộc”, người dân chài cá ở khu vực lòng hồ sông Đà có thể thu lợi nhuận lên đến 6 - 7 trăm nghìn đồng. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có thể làm cái nghề lấy đêm làm ngày này, bởi nghề đánh cá đêm vẫn nhọc nhằn với bao điều may rủi. Cuộc sống bấp bênh, chìm nổi của những thân phận chài lưới diễn ra nhiều năm nay, thế nhưng điều khá đặc biệt là những con người nơi đây lại không muốn từ bỏ “nghiệp” sông nước đời mình.
   
Chợ nổi – “bồng bềnh”  phận mỏng!
   
  Cuộc sống nơi vạn chài sông nước mênh mông đã tạo ra nét riêng cho chợ nổi trên sông Đà. Chợ là nơi kết giao, gặp gỡ, của đồng bào các dân tộc Kinh, Mường, Dao, Mông, Tày, Thái, Khơ Mú, La Ha... Có chợ nổi, đồng bào không còn cảnh thức khuya dậy sớm, dầm sương đốt đuốc đi hàng chục cây số, vượt núi, băng rừng mới đến chợ.
   
  Chợ nổi đêm hồ Hòa Bình xuất hiện cách đây khoảng 15 năm. Những gia đình có vốn đầu tư sắm thuyền vài trăm triệu rồi liên kết với nhau tạo thành chợ. Chợ nổi rất phù hợp với địa hình núi cao, sông sâu, đường không có. Không chỉ có ở Hòa Bình, chợ nổi còn có tại các huyện Phù Yên, Bắc Yên, Mường La, Thuận Châu, Quỳnh Nhai của Sơn La hay đầu nguồn sông Đà thuộc đất Lai Châu.
   
  Chợ trên bờ có cái gì thì chợ trên sông có cái đó. Có thể nói, các tiểu thương đã đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu hàng hoá của bà con. Ngoài nhu yếu phẩm quen thuộc, chợ còn giúp người dân tiếp cận với các loại giống cây trồng cho năng suất cao, những phương tiện máy móc nông nghiệp hiện đại, đặc biệt là phương tiện nghe nhìn, liên lạc giúp người dân nâng cao kiến thức hiểu biết, mở rộng giao lưu. 
   
   
Trên thuyền như một siêu thị đủ các mặt hàng tiêu dùng như trên can
    
   
  Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, tiểu thương đi chợ chủ yếu là người Hoà Bình và Chương Mỹ (Hà Nội), Phú Thọ, Nam Định.... “Buôn có bạn, bán có phường”, điều đó lại càng cần thiết hơn trên những phiên chợ lênh đênh sông nước như thế này. Với những người tiểu thương cứ 8 ngày ở sông mới có 2 ngày ở nhà, mỗi chiếc thuyền như ngôi nhà thứ 2 của họ.
   
  Mỗi thuyền như “đại siêu thị” có đủ quầy hàng, từ đồ điện tử như ti vi, tủ lạnh, bóng đèn..., đến hàng khô, hàng quần áo đủ các cỡ, các loại. Đáng chú ý trên một số thuyền còn có cả dãy chuồng lợn, gà, vịt đủ để cung cấp cho nhu cầu của khách hàng.
   
  Cánh tiểu thương chia sẻ, người miền núi thích gà công nghiệp vì gà to, giá rẻ. Bán một con gà nhà (gà đồi) 1,5 - 2 kg, đủ tiền mua hai con gà "già" công nghiệp loại 3kg/con. Thịt lợn cũng rẻ hơn nửa giá so với trên cạn. Bởi lẽ đó, chợ hút khách, tấp nập không kém những phiên chợ huyện.
   
  Phiên chợ họp nhanh, tan cũng nhanh. Rạng sáng, tiểu thương thu dọn hàng hóa đua nhau tăng tốc, rẽ sóng lao vùn vụt về phía thượng nguồn. Hành trình di chuyển từ chợ này đến điểm chợ tiếp theo thực sự là một cuộc chạy đua trên sông vì thuyền nào cũng muốn tới điểm chợ sắp tới sớm nhất, chọn vị trí đẹp nhất để neo đậu, chuẩn bị sẵn sàng cho phiên chợ tiếp theo.
   
  Cuộc sống nơi đây là thế, đối với các tiểu thương hay những cư dân vạn chài, con nước chính là nguồn sống vừa là bạn nhưng cũng là “thù”. Bởi dòng Đà giang mang lại miếng cơm manh áo  nhưng khi “giận dỗi” cũng có thể  lấy đi tất cả, thậm chí là mạng sống của chính mình.
   
Phương Anh
   
   
  
Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngược dòng Đà Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO