(TN&MT) - Sóng gió bão bùng không làm những ngư dân tại thị trấn Cửa Việt nao núng. Hàng ngày, từng đoàn thuyền vẫn tiếp tục ra khơi. Với tâm thế chủ động và kiên cường, họ quyết tâm bám biển để nguyện góp một phần sức mình giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước.
Hiểm nguy rình rập
Trong những ngày này, rộ lên thông tin Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam tại vùng biển Hoàng Sa. Rồi thông tin một số ngư dân của thị trấn Cửa Việt khi khai thác, đánh bắt thủy hải sản bị tàu Trung Quốc gây hấn, phá hoại ngư cụ như: Cắt lưới, dùng vòi rồng xịt nước, thậm chí một số tàu Trung Quốc còn áp sát tàu ngư dân và dùng chai lọ, ghế ngồi ném vào tàu ngư dân khiến ngư dân tại thị trấn Cửa Việt phẫn nộ, thôi thúc quyết tâm bám biển không rời.
Ngư dân thu lưới sau một chuyến đánh bắt dài ngày ở ngư trường Hoàng Sa.
Chỉ trong vòng một tháng nay đã có không dưới 4 tàu cá của ngư dân thị trấn Cửa Việt khi khai thác nguồn lợi thủy sản tại ngư trường Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc gây hấn bằng cách phá ngư lưới cụ cũng như hù dọa. Trong đó, như trường hợp của anh Nguyễn Ngọc Thiên, thuyền trưởng tàu QT - 95645 (ở Khu phố 5, thị trấn Cửa Việt) bị cắt 8 tay lưới; ông Bùi Đình Tấn, thuyền trưởng tàu QT- 91119 (50 tuổi, ở Khu phố 7, thị trấn Cửa Việt) bị cắt 17 tay lưới; anh Võ Văn Hữu, thuyền trưởng tàu cá mang số hiệu QT - 96868 (ở Khu phố 3, thị trấn Cửa Việt) cũng bị cắt 8 tay lưới… nhưng những ngư dân này vẫn kiên quyết bám biển.
Ngư dân Nguyễn Ngọc Thiên, Khu phố 5, thị trấn Cửa Việt kể: Chúng tôi ra khơi từ ngày 27/4, sau 3 ngày lênh đênh trên biển chúng tôi đến thả lưới tại ngư trường Hoàng Sa. Nhưng vừa thả lưới thì tàu Trung Quốc đến phá. Tàu Trung Quốc chạy qua rồi kéo đứt lưới của ngư dân chúng tôi, tại những tọa độ: 17010000” độ Bắc, 10903500” độ Đông và 1701720” độ Bắc, 10904000” độ Đông. Đợt tôi đi cũng có tàu QT-91119 của ông Bùi Đình Tấn cũng bị tàu Trung Quốc cắt và phá lưới. Đó là hành động vi phạm trắng trợn pháp luật của Việt Nam và quốc tế, chúng tôi đã có báo cáo gửi đến Đồn Biên phòng Cửa Việt cũng như UBND thị trấn Cửa Việt.
Dù bị cắt lưới cũng như thiệt hại nặng sau chuyến đi biển vừa rồi, nhưng anh Thiên vẫn kiên quyết bám biển. Anh Thiên nói: Tôi vẫn tiếp tục ra ngư trường Hoàng Sa để đánh bắt cá. Bởi đó là vùng biển nhà mình, không có gì mình phải sợ. Biển đảo của mình, mình phải giữ.
Theo anh Thiên, ở ngư trường Hoàng Sa, thì các loại tàu như tàu hàng, tàu kéo, tàu ngầm của Trung Quốc đều có tham gia phá hoại và đe dọa tàu đánh cá của ngư dân. Anh Thiên kể, cứ thấy tàu cá của Việt Nam là tàu Trung Quốc đều tìm cách gây sự rồi tiến hành phá hoại. Sau khi phá hoại xong, các tàu của Trung Quốc còn đứng chờ ngư dân ta quay lại thu lưới thì đưa máy quay phim và máy chụp ảnh để chụp lại. Thậm chí, một số tàu của Trung Quốc còn hò hét, sử dụng ghế, thùng đựng nước để ném vào tàu cá.
Trung bình mỗi chuyến đi biển của ngư dân thị trấn Cửa Việt khoảng 15 - 17 ngày. Mỗi chuyến đi chưa kể công, tiền xăng dầu đã là gần 40 triệu. Một tấm lưới có giá 6,5 triệu đồng, bị phá mất một tấm thì cũng đã thiệt hại không nhỏ. Trong số những ngư dân tại thị trấn Cửa Việt nhiều người vừa mới vay tiền đóng tàu, cũng như nâng cấp tàu để vươn khơi và chưa trả hết nợ. Khó khăn chồng chất những khó khăn nhưng họ vẫn quyết tâm kiên cường bám biển.
Vẫn quyết tâm bám biển
Ông Mai Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt cho biết, hiện toàn thị trấn Cửa Việt có 143 tàu thuyền khai thác thủy sản, trong đó 86 tàu đánh bắt xa bờ, chiếm đến hơn 50% tổng số tàu thuyền đánh bắt xa bờ của tỉnh Quảng Trị. Những tàu thuyền đánh bắt xa bờ tại thị trấn Cửa Việt đều có tham gia đánh bắt, khai thác thủy sản tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.
Cảng cá thị trấn Cửa Việt vẫn tấp nập tàu vào ra đánh bắt cá.
Dù trong đội tàu 86 chiếc đánh bắt xa bờ của thị trấn Cửa Việt đã có không ít tàu bị tàu Trung Quốc cắt lưới cũng như gây hấn. Nhưng họ vẫn quyết tâm bám biển để góp phần giữ gìn chủ quyền biển đảo của quê hương. “Nếu ngư dân không bám biển, không khẳng định chủ quyền thì còn ai làm những cọc tiêu khẳng định chủ quyền nơi phên dậu của Tổ quốc” anh Bùi Chí Thành, thuyền trưởng tàu QT - 92129 bộc bạch.
Anh Thành bức xúc, hành động xâm chiếm ngư trường Hoàng Sa và phá hoại ngư lưới cụ của Trung Quốc là hành động trái với luật pháp quốc tế, hành động đó đã và đang bị thế giới lên án. Chúng tôi là những ngư dân khai thác đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đây là những ngư trường truyền thống mà từ bao đời nay ông cha chúng tôi đã đến và khai thác đánh bắt.
“Bởi chúng tôi cũng hiểu rằng một chiếc thuyền cá cắm cờ Tổ quốc Việt Nam thân yêu là một mốc chủ quyền giữa muôn trùng biển khơi. Nếu chúng tôi không ra khơi thì làm sao giữ được những mốc chủ quyền đó nữa”, anh Võ Văn Khởi, thuyền viên tàu cá QT - 96868 quả quyết. Anh Võ Văn Khởi từng là một chiến sĩ bộ đội làm nghĩa vụ tại huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị, nên anh rất hiểu những loại tàu và máy bay quân sự. Anh nói, những loại tàu Trung Quốc đến phá lưới ngư dân có trang bị rất hiện đại một số tàu là tàu chiến, chúng diễu võ dương oai hàng đàn, mỗi lần đi cả chục chiếc. Trên trời cũng thường xuyên có những chiến đấu cơ bay lượn để đe dọa ngư dân mình. Anh quả quyết: “Với chúng tôi, biển cả là cuộc sống, là một phần máu thịt. Nếu đất nước cần, những người như tôi vẫn tự nguyện cầm súng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Cùng chung suy nghĩ với anh Khởi, ông Võ Văn Hữu, thuyền trưởng tàu cá QT - 96868 (ở Khu phố 3, thị trấn Cửa Việt) cũng thể hiện quyết tâm của mình: Sự thật vẫn là sự thật. Đó là biển đảo của mình, mình không có gì phải sợ.
Khi bài báo này lên trang, có lẽ, các ngư dân thị trấn Cửa Việt đang lênh đênh trên biển cả, mải miết dõi theo những luồng cá. Lần này, họ biết rằng hiểm nguy rình rập không phải từ sóng gió của biển, nhưng họ vẫn kiên cường vượt qua.
Bài và ảnh: Hải Tân – Anh Dũng