Chứng khiến cảnh người dân nhộn nhịp, những tiếng cười của ngư dân, tiếng vợ gọi chồng sau chuyến ra khơi đầu tiên sau nhiều ngày xảy ra chuyện “đáng tiếc” vừa qua mới thấy được công việc mưu sinh bám biển với họ như là một le sống. Người dân nói rằng, 9 ngày ngư dân đi tỉnh không thể đánh bắt được thiệt hại đến cả tỉ đồng.
Ngư dân Lê Văn Hiên (49 tuổi, phường Trung Sơn) cho biết, anh cùng con trai ra biển xúc ruốc từ 3h sáng. Đây là chuyến đi biển đầu tiên anh sau hơn 10 ngày không ra khơi. "Sau một mẻ lưới, tôi thu được 1 tạ rưỡi ruốc. Do thời tiết trên biển hôm nay có sóng lớn, sương mù quá dày nên tôi về sớm chứ bình thường đến trưa mới về. Tôi rất vui vì được trở lại với công việc mưu sinh thường nhật" - anh Hiên cười giòn giã nói.
Chị Lê Thị Gái (45 tuổi, phường Trung Sơn) cho hay, giá ruốc hiện có giá 200.000 đồng/kg. "Sáng nay, gia đình tôi thu về được hơn 1 triệu. Bằng số tiền này hằng ngày, vợ chồng tôi tích góp nuôi 4 đứa con ăn học.
Ông Lê Đình Khang (55 tuổi) đang "khoác áo mới" cho cabin chiếc bè của gia đình mình. "Hôm nay cũng muốn ra khơi nhưng biển động quá, mà sức tôi lại không còn được như trước. Chờ mai mốt trời yên, biển lặng tôi lại bám biển mưu sinh".
Tại xã Quảng Cư - nơi có nhiều ngư dân theo nghề đánh bắt gần bờ nhất của thị xã Sầm Sơn - các ngư dân cho biết sẽ không nhận tiền đền bù, không muốn đổi nghề. Bởi lẽ, phần lớn họ đã nhiều tuổi, muốn kiếm việc khác cũng khó, lại thiếu vốn đóng tàu lớn vươn khơi và quan trọng là không có kinh nghiệm, kỹ thuật đánh bắt xa bờ.
Những chuyến thuyền đi khơi trở về cập bến mỗi lúc một đông, tiếng nói cười ngư dân, càng cảm thấy rõ sự hạnh phúc của họ sau cuộc đối thoại với Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến khi họ tiếp tục được khai thác trên vùng biển cha ông bao đời nay để lại.
Sau đây là chùm ảnh mà PV Báo điện tử Tài nguyên & Môi trường ghi lại được trong một buổi sáng ngư dân hối hả trở về với công việc thường nhật.
Bài & ảnh: Thanh Tâm