Xã hội

Ngọc Lặc (Thanh Hóa): Hiệu quả từ vốn vay xóa đói giảm nghèo giúp người dân phát triển bền vững

Tuyết Trang 26/08/2024 - 18:17

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Ngọc Lặc đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Từ những đồng vốn được vay, người dân đã có sinh kế để ổn định cuộc sống, có việc làm ổn định góp phần chung vào việc giảm nghèo bền vững tại huyện Ngọc Lặc trong thời gian qua.

Chia sẻ về câu chuyện vượt khó, cải thiện đời sống gia đình từ nguồn vốn tín dụng chính sách. Anh Phạm Văn Tuân, thôn Thuận Hoà, Quang Trung kể: “Nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho vợ chồng tôi nuôi lợn, nuôi cá nên mấy năm nay kinh tế gia đình khấm khá lên. Mỗi năm cho thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng, qua đó có thêm kinh tế con ăn học, nuôi bố mẹ già”.

Còn chị Bùi Thị Liên, Thôn Lưu Phúc, Quang Trung chia sẻ: “Nhà tôi đã được vay 100 triệu đồng, từ vốn vay này, gia đình mở rộng diện tích nuôi chim bồ câu Pháp. Với mức lãi suất thấp đã tạo điều kiện rất nhiều cho gia đình. Từ việc nuôi chim bồ câu Pháp gia đình tôi có thu nhập bình quân 40 triệu đồng/ tháng”.

Nếu như trước đây, gia đình chị Lê Thị Thảo, Thôn Thành Công, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc chủ yếu canh tác theo phương thức truyền thống, trồng rau màu ngoài trời, thời tiết khắc nghiệt lại mất mùa, được mùa lại mất giá. Để hạn chế tối đa những rủi ro cũng như nâng cao giá trị nông sản, năm 2019, gia đình chị đã đầu tư hệ thống nhà màng trồng dưa công nghệ cao. Nhà màng có diện tích hơn 2ha, có khả năng chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, chủ động chế độ dinh dưỡng giảm chi phí sản xuất. Toàn bộ cây trồng thâm canh trong nhà màng được dùng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh Isreal, nước được tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây. Dinh dưỡng cho cây trồng được hòa vào nước rồi theo hệ thống tưới nhỏ giọt cung cấp cho cây phát triển đồng đều. Mỗi cây được trồng riêng trong từng túi bầu với giá thể xơ dừa đã qua xử lý.

anh-1(1).jpg
Trang trại vải tại huyện Ngọc Lặc

Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn hạt giống, trồng cây, chăm sóc, nên cây sinh trưởng, phát triển tốt. Vào mùa nắng nóng dưa phát triển nhanh nên chỉ khoảng gần 70 ngày là được thu hoạch. Bình quân mỗi vụ dưa chị thu trên 3 tấn quả, giá bán 35 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, gia đình chị Thảo có lãi trên 200 triệu đồng.

Các địa phương chú trọng chỉ đạo và thực hiện các giải pháp nhằm củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, công tác đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, xử lý nợ quá hạn luôn được quan tâm thực hiện, tỷ lệ thu nợ đến hạn cuối kỳ đạt trên 92%, tỷ lệ thu lãi hằng năm đều đạt trên 99% kế hoạch được giao; đặc biệt quan tâm thực hiện nâng cao chất lượng tín dụng tại các địa phương có tỷ lệ nợ quá hạn cao; chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã được nâng lên rõ rệt.

Các xã, thị trấn đã phối hợp Ngân hàng chính sách xã hội chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân và Hội Cựu chiến binh từ đó góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Qua trao đổi, nắm bắt thực tế, người dân tận dụng rất tốt nguồn vốn tín dụng chính sách. Khi nhận được nguồn vốn, họ tập trung đầu tư cải thiện sinh kế. Hầu như đời sống các gia đình đều được cải thiện khi họ sử dụng nguồn vốn này hiệu quả.

Mặc dù còn nhiều khó khăn về kinh tế nhưng hằng năm, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Ngọc Lặc đã ưu tiên bố trí ngân sách địa phương chuyển sang Ngân hàng chính sách xã hội huyện để thực hiện cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Tổng nguồn vốn đến 30/4/2024 đạt 17.094 triệu đồng, tăng 13.329 triệu đồng, gấp 4,5 lần so với năm 2014, trong đó: ngân sách tỉnh và các huyện ủy thác sang NHCSXH đạt 17.094 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 2,83%/tổng nguồn vốn, tăng 13.329 triệu đồng so với năm 2014. Nguồn vốn do Ngân hàng Chính sách xã hội huyện huy động đến 30/4/2024 đạt 354.254 triệu đồng, chiếm 9,25%/tổng nguồn vốn, tăng 306.379 triệu đồng so với năm 2014, tăng gấp 7,4 lần kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh của bà con.

anh-2(1).jpg
Trang trại rừng kết hợp với nuôi cá

Ông Vũ Văn Long, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Trong thời gian tới, huyện Ngọc Lặc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân, phát triển kinh tế tập thể. Vận động và con xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã, đưa kỹ thuật số vào canh tác và chuyển giao, đưa lên sàn thương mại điện tử, đưa sản phẩm của nông dân đến được các nơi, đẩy mạnh năng suất và giá trị sản phẩm".

Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã và đang tạo điều kiện để huyện Ngọc Lặc thực hiện tốt các dự án phát triển nông nghiệp, tuyển chọn các loại cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng với điều kiện địa phương, góp thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngọc Lặc (Thanh Hóa): Hiệu quả từ vốn vay xóa đói giảm nghèo giúp người dân phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO