Xã hội

Ngọc Đỏ Xứ Rồng Xanh

Truyện ngắn của Nhà văn Nguyễn Hiệp 09/02/2024 - 19:01

(TN&MT) - - Ớ Yàng Nđu - Yàng của các Yàng, ớ thần Núi - Yàng Cơ P’Nom, ớ thần Nước - Yàng Dạ, ớ thần Rừng - Yàng Brê, ớ thần Đất - Yàng Ụ, ớ thần Mưa - Yàng Mìu, ớ thần Lúa - Yàng Kòi, ớ thần Thanh Long - Yàng...

64a.jpg
64b.jpg

Ró mở mắt, thả tay buông thõng, dừng lễ cầu khấn, ngồi bệt xuống sàn nhà ra vẻ lưỡng lự… Anh quay sang nói với tôi: Không biết có Yàng Thanh Long không?! Chắc là có thôi, Yàng giúp cho cả bon này có nhà cao cửa rộng, ăn uống đủ đầy đó thôi…

Hiện Ró đang là Bí thư của xã này. Ró tên họ đầy đủ là Thông Ró, dù mẹ là người Chăm nhưng anh là con trai của một Sơmbri - Chủ rừng người K’ho nên công việc cúng tế anh vốn quen như quen cái ăn cái mặc hàng ngày. Ró nghĩ nếu có thần Thanh Long thì cũng mới ra đời gần đây, chắc là hiện thân của Rồng Xanh xuống giúp dân bon làng nghèo khổ này. Tôi cũng tin vậy. Tôi nhìn anh đang áo lễ cúng tế nhà mới ngay trong dịp Tết mà lòng vui lây. Tôi thích ngắm lúc anh lim dim mắt, hai tay đưa lên cao, tâm nguyện, lòng thành. Con người mà, phải biết tự mình nhỏ bé trước Mẹ Thiên nhiên, trước thần thánh; người có niềm tin ấy sẽ khó làm việc ác hơn là những kẻ sống thực dụng, trơ tráo, chẳng tin vào điều gì cả. Lâu lắm tôi mới quay lại Mô Tắng, Ró tiếp tôi ở văn phòng Đảng ủy rồi mời luôn về nhà dự lễ cúng nhà mới. Tôi thích cái cách Ró nói về những thay da đổi thịt của Xứ Rồng Xanh, anh thật tâm nghĩ về sự trả giá quá lớn khi trước đây cả một thế hệ đã vô tâm để cho người xấu cướp mất rừng. Rừng đối với Ró không chỉ là cây rừng nối nhau, liền nhau sinh sống, là thảm thực vật, nó còn là muôn thú, là ấm lạnh, là nơi ở của thần linh và nhất là với anh và đồng bào của mình, nó là ký ức, là lịch sử gắn bó với ông bà tổ tiên. Quả đúng như vậy! Đa phần con người chỉ thấy cái được, ít khi thấy cả cái mất như Ró.

Thung lũng ánh sáng. Ngọn đồi ánh sáng. Cánh đồng ánh sáng. Chưa đầy phần tư thế kỷ mà cả vùng núi rừng, thung lũng rừng biến mất không còn dấu vết. Rừng mất, địa danh truyền miệng Miền Rừng Núi Mô Tắng được thay bằng tên gọi khác: Xứ Rồng Xanh. Nơi đèo heo hút gió bỗng ngập tràn ánh sáng, tấp nập xe cộ chở loại nông sản xuất khẩu đắt giá gọi là thanh long. Là nơi có mật độ hạ bình điện cao nhất nước. Là nơi có nhiều làng tỷ phú nhất nước… Vậy nên Tết này trên xứ Rồng Xanh cũng có phần đặc biệt.

Ró rời ban thờ đến ngồi uống trà với tôi, tay với đủn thêm thanh củi cho ngọn lửa bùng lên. Bóng Ró như chú gấu lớn in chập chờn trên tường nhà. Bên ngoài, trời se lạnh. Chuyện cũ lại tràn về trong ngày đầu năm. Tôi kể cho Ró nghe về cái duyên mà mình gắn bó với vùng đất này, là thời tôi còn làm phóng viên báo tỉnh…

***

Mưa. Cơn mưa chò chỉ. Rào rào… Rít rít… Hàng ngàn hàng vạn đường rơi nghiêng, rơi xoắn, rơi thẳng. Đan xen. Bện lưới. Dệt lụa. Hàng ngàn, hàng vạn cánh chò chỉ xoay vòng, quay cuồng bay bay trong vũ điệu hoang dã, vũ điệu cuối cùng và duy nhất một lần trong đời hoa. Rơi trong khi đang múa hát. Rơi trong khoảnh khắc linh diệu của thiên nhiên. Rơi chính là bắt đầu một chu kỳ sống khác. Tiếng hát chò chỉ cất lên khua động đại ngàn, khua động thâm u, khua động một góc xanh kỳ vĩ, lúc khào khào khan khan trầm trầm như tiếng luận bàn thế thái nhân tình của sấm trời xa, lúc lại vun vút cao như lời hoan ca phiêu bay, những sợi âm thanh phơ phất trong không trung, mỏng mảnh như tiếng tơ, văng vẳng, ngân vọng từ đất trời vạn đại cổ xưa. Âm thanh của cơn mưa xanh hòa với giàn nhạc lớn phát từ tàn cây rợp bóng chim muông tạo thành một bản hợp xướng, mỗi bè do một loại giọng trình diễn, mỗi đoạn do hàng ngàn nhạc cụ tấu hòa…

- Phút huy hoàng cuối đời là đây!

- À không! Cơn mưa xanh chò chỉ này là khoảnh khắc nối tiếp mãi sự sống đến muôn đời sau của giống cây vua, của rừng, của màu xanh phủ tràn miên viễn…

Mấy phóng viên đài truyền hình tranh luận văn vẻ như thế khi chúng tôi đứng dưới gốc “Vua cây”, đứng dưới cơn mưa xanh chò chỉ đang tuôn đổ, xao loạn, ào ạt từ tầng tán xanh, từ khung trời xanh. Cuối cùng thì chúng tôi cũng chui qua được vòm hang thâm u tưởng đã phong ấn ngàn vạn thế kỷ, chúng tôi đã đến được nơi cần đến. Bàng hoàng. Sửng sốt. Nguyên sơ và kỳ vĩ. Mẹ Thiên nhiên âm trầm, điềm tĩnh, mạnh mẽ biết bao trong cơn đau thương do những con người bé mọn gây ra. Đang ngước mắt nhìn lên tán cây là nơi đậu, nơi làm tổ, nơi cất giọng hát vang lừng của hàng vạn con chim nghệ sĩ ấy, tôi chợt quặn đau từng khúc ruột khi thấy vết thương toang hoác trên thân cây, nơi mà người ta đã thẻo đi khúc nu lông công mắt phượng khổng lồ. Rất nhiều, rất nhiều khối nhựa cây hình giọt lệ trườn xuống, nối nhau, những giọt lệ màu đỏ sậm như máu khô, bám quanh dấu vết tội lỗi của những kẻ đã dám trộm cắp cả hồn vía của rừng. Những giọt lệ màu đỏ sậm máu khô như những con sóng bầm đau, tức tưởi chết đứng, đông kết như là thông điệp bi thiết: Phải dừng lại, hỡi lòng tham, hỡi sự ích kỷ đến tàn độc!

Đó là chuyện khoảng một tuần sau cái đêm tôi âm thầm kết hợp với đài truyền hình tỉnh mang theo đầy đủ lương khô, võng dù, đèn pin và cả máy hình với hơn chục cuộn phim, chúng tôi băng rừng, lội suối, không chỉ chụp, quay được toàn bộ bãi tập kết gỗ lậu trong khu rừng cấm mà còn tìm ra hàng mấy chục bãi gỗ lậu khác có khối lượng hàng ngàn mét khối. Chúng tôi đã dò ra được dấu vết tội ác.

Đang đứng dưới gốc “Vua cây” loay hoay chụp mấy kiểu hình vết sẹo lớn, tôi bỗng nhớ lại trong bữa rượu cần hôm nào, có con gái Kajim để đôi ngực trần bưng trái bầu nước nguồn hầu rượu, già làng K’Bo đã vô tư hào hứng kể câu chuyện về nhóm người thẻo khối nu lông công mắt phượng trong sự phẫn nộ của “Vua cây”…

… Lễ cúng tế lại diễn ra lần nữa, nhưng khi lưỡi cưa vừa kéo được những đường cưa đầu tiên thì một dòng nhựa đỏ tuôn ra và nhanh chóng khô cứng tạo thành một lớp keo dày giữ chặt, hàn cứng lấy lưỡi cưa. Hơn chục người thợ rừng rành nghề đều bất lực. Và ngay lúc đó, một cơn gió rất mạnh nổi lên, cơn rung lắc kinh hoàng. “Vua cây” lắc đầu, đang oằn mình, như cảnh báo một cơn đại họa. Các thợ rừng lúc ấy đều buộc hai ba dây bảo hiểm quanh người nên chỉ bị quơ đập mà không văng đi, những kẻ thủ ác luôn ngập đầy mưu tính trong đầu, luôn ước đoán phòng thủ nhiều đường. Gió yên, mọi người hớt hải đu theo dây xuống lại mặt đất, chỉ trầy da trốc vảy đôi chút.

Ba ngày sau, hai chiếc máy cưa lớn từ dưới xuôi vừa chuyển lên đã giúp nhóm thợ cưa khoét hiệu quả hơn. Khi khối nu sắp cắt khỏi cây thì thân cây bỗng nhiên chuyển màu, một màu đỏ sáng loang dần từ trên xuống. Đám thợ mắt tròn mắt dẹt, chết trân nhìn, đến khi vết loang đỏ ấy đến gần mọi người mới la lên kinh hãi tột độ, quýnh quíu tụt dây xuống. Nhưng không kịp nữa rồi, hàng triệu triệu con kiến vàng ào đến, bu cắn khiến đám thợ điên cuồng, cởi hết quần áo quăng vãi lung tung. Hai chiếc máy cưa bay vút xuống vực sâu. Tiếng ú ớ vang lên khắp giàn giáo. Đám người quằn quại mò tìm dây tụt xuống đất, lăn lộn, đau đớn la hét trong ám ảnh…

“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”.

Nhóm thợ phải dùng đến hàng chục bó đuốc lớn, đốt lửa nóng rực, khói đen mù mịt áp vào thân cây để đốt đuổi, thiêu cháy hàng triệu chiến binh kiến mới lấy được khối nu…

Những thước phim, những tấm ảnh chúng tôi quay được, chụp được cùng với lời khai của khoảng ba chục nhân chứng sống là bằng chứng không thể chối cãi về vụ phá rừng cùng với việc cắt lấy khối nu từ “Vua cây”. Đây là vụ án phá rừng kinh thiên động địa với quy mô chưa từng có, kéo dài 4 năm tại một tỉnh miền Đông. Hơn trăm ngàn mét khối gỗ đã bị khai thác lậu, đã chuyển đi quá nửa.

***

Thung lũng ánh sáng, ngọn đồi ánh sáng, cánh đồng ánh sáng trước mặt chúng tôi là thành quả lao động của người dân, là nỗ lực cứu đói khi rừng mất đi, là mồ hôi nước mắt, là chủ trương đúng đắn, kịp thời ngăn chặn nạn phá rừng tác oai tác quái lên đến đỉnh điểm một thời. Những người thợ rừng đã bỏ nghề phá lâm xưa cũ quay sang trồng chăm các vườn thanh long nối nhau bạt ngàn. Giờ đây, rừng đang được trồng lại, cũng chẳng là gì so với đại ngàn xưa nhưng có sửa sai còn hơn không. Ông bà mình dạy: Ngã ở đâu thì đứng dậy ở đó mà! Và những phần đất chồi, đất cằn còn lại đã phủ tràn, phủ xanh thanh long bên cạnh những khu rừng trồng xanh tốt. Rồng xanh đẻ trứng đỏ, cách nói rất hay của Ró về loại trái cây thanh long xuất khẩu này luôn khiến tôi thấy thú vị. Nhấp thêm ngụm trà, tôi kể tiếp cho anh nghe về đoạn ký ức khó phai của mình:

… Ba năm, sau vụ án phá rừng lớn nhất, chấn động nhất trong lịch sử, tôi quay lại Mô Tắng cũng vào dịp cuối Chạp như này. Kajim - con gái của già làng K’Bo giờ đã mặc áo kín phần trên, tôi biết cô bé ở trần hầu rượu cần cho chúng tôi ngày nào giờ đã có chồng. Trên vai cô nặng trĩu chiếc gùi đầy thanh long lại còn buộc thêm một cành mai rừng đang nở vàng rực, cô bé xưa đã trưởng thành, khá đầy đủ tố chất của con người hiện đại thời nay. Cô cho tôi số điện thoại để cần gì thì trao đổi thêm. Cô đang phụ trách một đội trồng rừng nên lúc nào cũng tất bật với công việc. Rừng trồng đã phủ xanh trở lại, xóa đi nỗi ám ảnh một góc núi đá trơ trốc tang thương ngày nào. Sự sống đại ngàn đang hồi sinh. Kajim cho tôi biết, cha cô đã nhai lá độc tự tử vì “không mặt mũi nào nhìn ai nữa” sau thời gian ông tiếp tay cho lãnh đạo tỉnh và đồng bọn trong việc khai thác gỗ quy mô lớn. “Một giai đoạn tội lỗi đã qua”, cô nói vậy, đôi mắt như vừa có bóng mây đen phủ tràn.

Ông Chủ tịch tỉnh giờ đã thành thường dân, mấy lần ông mời tôi đến nhà uống trà. Thoạt đầu tôi đề phòng trả thù nên không đến. Khi ông bệnh nặng, tôi tự đến thăm. Nằm trên giường bệnh, ông nắm tay tôi:

- Thú thật với ông… tôi ngỡ tôi làm Chủ tịch tỉnh thì không nhà báo nào dám đụng tôi. Nhưng ông là nhà báo đã “đánh” tôi mất chức… Sau này, nhiều người lấy làm lạ hỏi tôi sao lại muốn uống trà với kẻ thù. Tôi nói mình mất chức thật nhưng nhà báo ấy đã đánh trúng. Tôi phải cảm ơn nhà báo. Nếu không bị mất chức trong vụ này thì rất có thể tôi sẽ tiếp tục sa lầy và chưa biết hậu quả của cuộc tàn phá vô tiền khoáng hậu ấy sẽ đi đến đâu. Quả thật lúc ấy tâm tôi như người bạn xấu tạo tác nhiều tội lỗi…

Hai tay ông ôm lấy ngực, một cơn đau quặn và ngộp thở của ông khiến người nhà nháo nhào, hoảng hốt. Không muốn đẩy cảm xúc của người bệnh lên nên tôi thả bước ra dạo vườn, rất nhiều cây kiểng đẹp được sắp xếp ngay hàng thẳng lối, tôi nghĩ có lẽ đây là những “của cúng” còn sót lại. Chợt rùng mình. Trong ngôi nhà hình bát giác trên hồ có thứ gì đó đang tỏa ra từng luồng, từng luồng mờ mờ ánh sáng ngũ sắc nửa giống như từ trường, nửa như hào quang. Tôi tiến gần xem kỹ thì ra là khối nu rất lớn, có thần, nhiều cục nu to nối nhau, quặn xoắn, vân gỗ ánh vàng như kim tơ mộc và nhiều vết khuyết hình mắt phượng phân bố không đều. Phải nói là một “kiệt tác” của Mẹ Thiên nhiên! Nhưng tôi cảm giác những “mắt phượng” trên khối nu đượm vẻ u buồn. Bước thêm bước nữa về hướng chiếc cầu sơn đỏ chót bắt ra thủy tạ, tôi chợt sựng lại bàng hoàng. Dưới mặt nước hồ có gì đó đang chuyển động. Những đôi mắt mở to và những tấm lưng gai. Trời! Cá sấu. Rất nhiều sấu lớn, nằm bất động bên mép nước. Mắt sấu trắng dã, lạnh lùng, khóe mắt lấp lóa những dòng lệ chảy nhễu. Tôi chợt nhớ đến những dòng huyết lệ trên thân “Vua cây”, nhớ những xác người với những hốc mắt trống hoác. Hình ảnh về những đôi mắt vô cảm, kỳ dị cứ chợt hiện, chợt mất.

***

Vua rừng không còn nữa thì rừng cũng không còn, đơn giản thế thôi! Tâm nào? Tâm tham, tâm giận hay tâm si? Tâm quá khứ không còn, tâm vị lai chưa có, tâm hiện tại không trú… Không hiểu sao họ không thấy được, phá rừng thì đất đá núi đồi không còn gì giữ chân sẽ đổ ập xuống; lũ quét, lũ ống chẳng phải đã cuốn lấp bao nhiêu mạng người đó sao?!... Ró dừng nói đưa ly rượu về phía tôi mời cụng, hai mắt long lanh ánh lửa, đoạn nói tiếp:

- Nhưng đó là chuyện xưa cũ, giờ cơn bão tham lam ấy đã qua, đã xa, cái bụng mình giờ đây chỉ mong thời gian làm cho vết thương Mẹ Thiên nhiên lành lặn trở lại, Vua rừng sẽ quay về thôi ông à...

Ró là người dân tộc thiểu số có trình độ đại học duy nhất ở vùng Mô Tắng này, anh học trường Dân tộc Nội trú rồi lên đại học luôn. Cách anh nghĩ ngợi, cách anh diễn đạt không thua gì trí thức người Kinh nên làm Bí thư đã hai nhiệm kỳ rồi mà dân ở đây vẫn bầu giữ anh tiếp tục nhiệm vụ. Huyện rút về anh cũng từ chối, lý do đơn giản chỉ vì không xa làng Mô Tắng này được. Tôi uống hết ly rượu Tết, rượu nhà mới cùng Ró rồi thong thả chia sẻ: Một thời Mô Tắng bất lực đau đớn nhìn người ta cắt xẻo tan nát thể xác rừng, tiêu diệt linh hồn rừng, xóa bỏ chỗ dựa, chỗ nương náu, sinh sống của người K’ho. May mà trời thương ban lại cho thứ ngọc đỏ rồng xanh, lại ban cho cái biết hiện đại là chong điện cho “ngọc” ra nghịch mùa mang lại giá trị cao. Kỳ thực cũng là trí tuệ, là mồ hôi nước mắt của bà con lao động. Chuyện kể rằng: Có ông lão chăn vịt treo bóng điện lên cây mít cạnh ao cho bầy vịt dễ ngủ, không ngờ mấy dây thanh long quấn bò trên cây mít ấy bỗng nhiên ra hoa kết trái trong thời điểm nghịch mùa. Thấy vậy ông mua thêm bóng điện thắp sáng trong vườn thanh long, khoảng mười lăm ngày sau, ông nhìn thấy những dây thanh long bỗng nhiên “đeo đầy ngọc”. Những mầm hoa mới nhú long lanh sáng rực lên trong ánh nắng mai khiến ông già rưng rưng nước mắt mừng vui. Từ đó, việc chong đèn cho thanh long ra nghịch mùa được nhân rộng ra mấy xã chung quanh, rồi cả huyện, cả tỉnh… Việc chong đèn cho thanh long ra hoa trở thành vấn đề khoa học, qua nghiên cứu, qua thực tế, người ta rút dần kinh nghiệm, cải tiến lần hồi về khoảng cách, về công suất bóng, về số ngày chong để thanh long bung ra lượng bông hợp lý, kết thành những “viên ngọc đỏ” chất lượng nhất.

Ró rót thêm hai ly rượu nữa rồi khe khẽ: Mừng! Mừng lắm! Sau bao thăng trầm, năm nay, giá thanh long đã ổn trở lại nên đời sống bà con có đỡ hơn. “Năm nay, chắc bon mình ăn Tết đủ đầy hơn!” Ró quay mặt vào bếp gọi lớn: “Vợ ơi! Dọn cơm cho anh nhà báo ăn cùng luôn vợ ơi!”. Người đàn bà vợ của Ró vừa bưng mâm cơm bước ra đã khiến tôi thảng thốt, ngạc nhiên quá đỗi. Cô ấy chính là Kajim, con gái già làng K’Bo, là người hầu rượu khi già làng tiếp đoàn nhà báo chúng tôi và cũng là người phụ trách trồng rừng tôi đã gặp trước đó. Kajim vui vẻ chào tôi và quay sang nói với chồng: “Nhà báo quen mà!”. Hèn nào khi nghe tôi kể về Kajim, Ró cứ cười tủm tỉm. Bữa cơm thật ngon miệng, tôi thích nhất món măng rừng trộn đậu phụng do Kajim làm. Tôi thiệt bụng mừng cho vợ chồng Ró, mừng cho bà con xứ Rồng Xanh đã vượt qua những cơn bão dữ của lòng tham để có được đời sống yên bình, no đủ trong vòng tay muôn đời của rừng xanh. Cách nhà Ró không xa mấy, tôi đã nhìn thấy đại ngàn đang hồi sinh, rừng đang phát triển trở lại, đã phần nào sống động, ngọn cây, tàng cây, tán cây tầng tầng lớp lớp nhấp nhô, chim chóc từng đàn bay về làm tổ. Những hàng thanh long quanh nhà Ró đang đeo đầy ngọc, những trái ngọc thanh long đo đỏ giá trị cao đã, đang góp phần làm cho những cái Tết của làng bon, của xứ Rồng Xanh thêm no ấm. Tôi quay lại nói với vợ chồng Ró: Có Yàng Thanh Long đó, chắc là Vua rừng đã phái Yàng Thanh Long, hiện thân của sự no ấm, đến cứu vùng đất rừng bị tàn phá, bị nằm trên bờ vực hủy diệt này. Ró, Kajim và tôi không ai bảo ai đồng loạt ngước nhìn lên ban thờ các Yàng, lòng thành kính, biết ơn hiện rõ trên nét mặt từng người.

… Ớ thần Rừng - Yàng Brê, ớ thần Đất - Yàng Ụ, ớ thần Mưa - Yàng Mìu, ớ thần Lúa - Yàng Kòi, ớ thần Thanh Long… Tiếng cầu khấn của Ró đang văng vẳng, ngân ngân bay theo gió, trườn theo những cột kèo, đòn tay, xuyên trính vững chắc của ngôi nhà mới giữa vườn ngọc đỏ xứ Rồng Xanh, Ngôi nhà - Hạnh phúc - Đang - Vào - Xuân.

Truyện ngắn của Nhà văn Nguyễn Hiệp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngọc Đỏ Xứ Rồng Xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO