Ngộ độc nấm, 1 người chết, 2 người nguy kịch

29/03/2017 00:00

(TN & MT) - Thông tin mới nhất từ Bệnh viện Bạch Mai, hiện một người trong gia đình có 3 người ngộ độc nấm đã tử vong. 2 người còn lại đang trong tình trạng hết...

(TN & MT) - Thông tin mới nhất từ Bệnh viện Bạch Mai, hiện một người trong gia đình có 3 người ngộ độc nấm đã tử vong. 2 người còn lại đang trong tình trạng hết sức nguy kịch.
 
Ngày 20/3, cả 3 người bị ngộ độc nấm đã được chuyển từ Lạng Sơn về Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, tất cả đều trong tình trạng hết sức nguy kịch. 
 
Các bác sỹ ở Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiếm có gia đình nào cùng lúc 3 người nằm viện tại một khoa, cùng một loại bệnh, chỉ khác phòng do mức độ ngộ độc nặng nhẹ khác nhau. 
 
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên phụ trách Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các bác sĩ đang nỗ lực "còn nước còn tát" để cứu các bệnh nhân, trừ tình trạng của người con trai quá xấu nên đành cho xuất viện theo yêu cầu của gia đình về lo hậu sự. Quan trọng lúc này là cứu người bệnh, vấn đề tài chính tạm gác sang một bên. 
 
Tất cả 3 bệnh nhân đều không có bảo hiểm y tế nên chi phí điều trị rất lớn, mặc dù các bác sĩ vẫn nỗ lực cứu chữa hết sức có thể. Hiện gia đình đã đóng viện phí gần 200 triệu đồng nhưng thực tế số tiền này chưa đủ để điều trị cho một người.
Nạn nhân ngộ độc nấm đang được cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh MT
Nạn nhân ngộ độc nấm đang được cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh MT
Hiện người bố (Chu Văn Mai) vẫn đang trong tình trạng nguy kịch, đe dọa tính mạng. Chỉ có người mẹ (Hà Thị Cúc) tiến triển tốt, có thể phục hồi. Tình trạng bà Cúc tiến triển tốt với 90% khả năng sống, trong khi đó tình hình người bố vẫn rất xấu, bị suy gan, chức năng gan kém nên tiên lượng vẫn có thể tử vong.
 
Chu Thị Quỳnh, cô con gái út trong gia đình nói trong nước mắt: “Anh trai nguy kịch, sống được chỉ nhờ hệ thống máy móc. Ai cũng thương anh nhưng khó giữ được tính mạng, trong khi tình hình bố mẹ còn cứu được”.
 
Hàng năm, có rất nhiều các vụ ngộ độc nấm xảy ra, các bác sĩ cảnh báo thời điểm bắt đầu ấm lên và xuất hiện những cơn mưa. Nhiều loại nấm rừng phát triển rất mạnh. Đó chính là nguyên nhân xảy ra các vụ ngộ độc nấm nếu người dân đi rừng, do không biết nên hái những loại nấm độc này về ăn.
 
Thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên lên rừng hái nấm hoang dại ăn kể cả nấm màu trắng, nấm có đầy đủ các phần của thể quả. Đặc biệt chú ý không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo, khó nhận dạng. Nấm tươi ăn được mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi hay dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc. Không ăn nấm đã bị thối rữa ôi thiu.
 
Khi có biểu hiện ngộ độc nấm, nếu chưa nôn thì cần móc họng hoặc uống nhiều nước rồi móc họng gây nôn. Phương pháp này chỉ áp dụng cho bệnh nhân còn tỉnh, sau đó khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. 
 
Triệu chứng của ngộ độc nấm mới đầu có thể rất mơ hồ như đau bụng, đi ngoài sau đó tự cầm, nhiều người không đến bệnh viện; khi các triệu chứng xuất hiện trở lại thì đã hôn mê, tổn thương gan.
 
Ngọc Vân - Thái Bảo
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngộ độc nấm, 1 người chết, 2 người nguy kịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO