Nghiên cứu, thực hiện bảo vệ môi trường trong nông nghiệp để giảm nghèo bền vững
(TN&MT) - Trong thời gian qua, ngoài việc chú trọng đến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường (BVMT), tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn triển khai thực hiện nhiều giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, bền vững nhằm gia tăng giá trị đất nông nghiệp, giúp địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo, phát triển bền vững.
Phát huy giá trị đất nông nghiệp
Thống kê mới đây của Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy, hiện nay, tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh là 198.256ha, trong đó, diện tích đất nông nghiệp là 143.006ha, chiếm 72,13% diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Hiện tại, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có 118 hợp tác xã thuộc lĩnh vực nông nghiệp, khoảng 337 trang trại với tổng diện tích sản xuất của các trang trại khoảng 2.490ha.
Trong đó, về trồng trọt, có khoảng 53,238ha đất gieo trồng cây hàng năm và 59.191ha đất trồng cây lâu năm. Hiện trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều vùng sản xuất tập trung, chuyên canh lúa và ngô tại các huyện: Long Điền, Châu Đức, Đất Đỏ, Xuyên Mộc và vùng sản xuất tập trung, chuyên canh cây cao su, hồ tiêu, cây ăn quả tại các huyện: Châu Đức, Xuyên Mộc mang lại sản lượng cao.
Ông Huỳnh Sơn Thái - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác BVMT, giúp địa phương thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ngành nông nghiệp tỉnh đã tích cực phối hợp với các Sở, ngành và các địa phương tập trung thực hiện Đề án “Di dời, chấm dứt hoạt động các cơ sở chăn nuôi nằm ngoài quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 -2021, định hướng đến năm 2025”.
Theo Đề án này, có 21 trang trại trên địa bàn tỉnh phải thực hiện khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Tính đến nay, có 19 trang trại, trong đó có 02 trang trại đã ngưng hoạt động và đã chuyển công năng sử dụng đất, đã cơ bản khắc phục hoàn chỉnh các hạng mục gây ô nhiễm môi trường theo đúng quy định phát luật. Hiện tại, không còn tồn tại các “điểm nóng” về môi trường do hoạt động chăn nuôi gây ra.
Phục vụ phát triển bền vững
Ông Huỳnh Sơn Thái - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay: Thời gian qua, với việc đẩy mạnh phát triển các loại hình sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân. Cụ thể, tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2023 đạt bình quân 3,35%/năm. Riêng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tính đến cuối năm 2022 đã đạt 3.789 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 28,48%.
Thời gian tới, để duy trì được mức tăng trưởng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, giúp địa phương thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục phối hợp với các sở, ngành có liên quan và các địa phương tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Sở NN&PTNT tập trung vận động, tuyên truyền người dân thay đổi lề lối canh tác lạc hậu có nguy cơ tác động xấu đến môi trường sang sản xuất an toàn hơn, nhằm bảo vệ bền vững môi trường nông nghiệp, nông thôn xanh - sạch - đẹp, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao theo hướng bền vững.
Sở NN&PTNT tỉnh cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát các khu vực sản suất có hiệu quả thấp, khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng hạn hán, nước mặn, ngập úng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả cao hơn; đồng thời, xây dựng phát triển vùng sản xuất tập trung, liên kết sản xuất nâng cao chuỗi giá trị, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thực phẩm và hướng tới đưa các sản phẩm nông nghiệp tới thị trường xuất khẩu nhằm tăng thu nhập cho người dân.
Ngoài ra, Sở NN&PTNT tiếp tục chủ động phối hợp với các địa phương chuẩn bị sẵn sàng phương án phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; đồng thời, xác định cụ thể từng vùng có khả năng thiếu nước để có kế hoạch chống hạn và biện pháp cấp nước hợp lý nhằm đảm bảo không gây ách tắc, cản trở dòng chảy cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững cho người dân địa phương.