Nghiên cứu phát triển nông nghiệp hữu cơ
Từ tâm huyết muốn đưa các sản phẩm nông nghiệp của quê hương được sản xuất hữu cơ đảm bảo chất lượng tới người tiêu dùng. Những người nông dân xứ Thanh mạnh dạn đầu tư, học hỏi kinh nghiệm sản xuất đưa ra những sản phẩm chất lượng từ đó góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống từ chính nghề nông.
Gạo lứt hữu cơ từ “vựa lúa” của xứ Thanh
Sinh ra ở vùng đất được xem là vựa lúa của xứ Thanh, thế nhưng bao năm nghề làm nông cũng chẳng đem lại thu nhập đáng là bao, đã nhiều lần bà Ngô Thị Tương (63 tuổi, ở xã Minh Khôi, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) nghĩ đến việc bỏ ruộng.
Bất ngờ, năm 2018 con trai bà là kỹ sư nông nghiệp về quê thăm và biếu mẹ 10kg giống lúa tím. Bà Tương không ăn mà đem đi gieo cấy thử nghiệm. Qua thời gian chăm sóc tới thời điểm thu hoạch không ngờ giống lúa lạ lại phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và cho năng suất cao.
Ban đầu chỉ dùng trong gia đình hoặc biếu những người thân. Mọi người đều khen giống gạo ngon, đặc biệt khi rang lên pha nước uống rất thơm.
Từ những đánh giá của mọi người, bà Tương nảy ra ý tưởng làm trà từ gạo tím. Năm 2021, bà bắt tay vào rang những mẻ gạo tím đầu tiên để làm trà. Lần này may mắn đã "mỉm cười" với bà khi sản phẩm trà gạo tím được thị trường ưa chuộng, bà Tương liên tục nhận đơn hàng.
Bên cạnh làm trà, bà còn phân phối ra thị trường các sản phẩm khác từ gạo tím như gạo tím đen (lứt đen), gạo tím đỏ (lứt đỏ)…
“Để gạo tím giữ được màu tự nhiên và chất dinh dưỡng, bà chỉ xát gạo lật (gạo xát 1 lần), sau đó được sàng loại bỏ những hạt nát, nhỏ, không đạt yêu cầu rồi mới cho lên chảo rang. Công đoạn rang cũng cần tỷ mỉ làm hoàn toàn thủ công, nhỏ lửa và đảo đều tay. Gạo sau khi rang phải để nguội mới cho vào túi đóng gói, đặc biệt không được sử dụng chất bảo quản", bà Tương chia sẻ.
Trà gạo lứt của cơ sở bà Tương có giá bán 40.000 đồng/kg đối với loại trà lứt tím, lứt đỏ; trà gạo lứt trơn có giá bán 50.000 đồng/kg. Hiện mỗi năm bà Tương thu nhập 200-300 triệu đồng.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, cơ sở sản xuất trà của bà Tương còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 2-3 lao động và 5-6 phụ nữ ở địa phương làm việc thời vụ, với tiền công khoảng 300.000 đồng/ngày.
Các sản phẩm trà gạo lứt của bà đang được phân phối ở nhiều đại lý trong và ngoài tỉnh. Bà Tương đang tập trung đấu nối, liên kết với các công ty để xuất khẩu trà gạo lứt sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ông Lê Đình Khải, Phó chủ tịch UBND xã Minh Khôi, huyện Nông Cống cho biết, sản phẩm gạo tím của gia đình bà Tương được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Thanh Hóa. Từ diện tích 0,5ha ban đầu, đến nay gia đình đã nhân rộng mô hình trồng lúa tím lên 12ha, hướng dẫn thêm 8 hộ cùng tham gia trồng lúa tím theo hướng hữu cơ. Với 12ha lúa tím cho sản lượng hơn 20 tấn/năm.
Hành trình đưa miến dong Yên Lạc trở thành sản phẩm OCOP
Nghề làm miến dong tại xã Yên Lạc, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa được hình thành từ rất lâu, nhưng chỉ dừng lại ở mức sản xuất nhỏ lẻ. Đến năm 2004 khi hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Yên Lạc được thành lập với mục tiêu phát huy làng nghề truyền thống, đưa sản phẩm cây miến dong lên tầm cao mới, trở thành sản phẩm OCOP đầu tiên của địa phương vào năm 2021.
Yên Lạc là một xã thuộc vùng núi cao của huyện Như Thanh, nơi đây được bao phủ bởi một lớp đất đỏ bazan màu mỡ, là điều kiện để phát triển cây dong riềng. Chính bởi vậy, nghề miếng dong ở đây được hình thành từ rất sớm, thế nhưng chỉ mang tính nhỏ lẻ, phục vụ người dân ở địa phương.
Ông Phạm Công Bảo, Giám đốc HTX Yên Lạc cho biết: “Năm 2004 HTX được thành lập với 24 thành viên tham gia, chúng tôi đã áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, từ đó cho ra sản phẩm chất lượng, năng xuất hơn. Khi sản phẩm làm ra đã nhiều, khâu tiếp theo là phải tìm được đầu ra. Thời gian đầu, từng hội viên đều rất nỗ lực để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm miến dong Yên Lạc được người tiêu dùng biết đến”.
Để tạo ra được những sợi miến ngon phải trải qua quá trình sản xuất cẩn thận và tỉ mỉ. HTX Yên Lạc đã đưa ra quy trình trồng dong riềng theo phương pháp hữu cơ, vừa nâng cao năng suất lại bảo đảm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng. Ngoài ra, các thành viên trong HTX cũng thường xuyên sát sao hướng dẫn các hộ dân làm đúng quy trình từ khâu chọn đất, chọn giống đến khâu thu hoạch. Các hộ dân trong mỗi vùng nguyên liệu cũng tham gia quá trình kiểm tra, giám sát, học hỏi lẫn nhau về kỹ thuật trồng dong riềng, từ đó cho ra những sản phẩm chất lượng.
Quy trình làm miến dong ở Yên Lạc hoàn toàn 100% tinh bột miến được chế biến từ củ dong riềng được trồng tại địa phương, không pha trộn các loại bột khác và không sử dụng hóa chất để tẩy trắng. Miến ra khuôn được phơi nắng trên các giàn tre để không bị giòn, gãy. Sản phẩm miến dong Yên Lạc đều có chứng nhận mã số, mã vạch, có tem truy xuất nguồn gốc.
Đến nay, sản phẩm miến dong Yên Lạc đã được tiêu thụ tại hơn 20 điểm kinh doanh trong huyện, tỉnh và cung cấp đi các tỉnh, thành phố trên cả nước và trở thành sản phẩm nông sản đặc trưng của huyện Như Thanh.
Năm 2021, miến dong Yên Lạc được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, từ đó chất lượng và thương hiệu của sản phẩm cũng được nâng lên. Sản phẩm được Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa lựa chọn là một trong những sản phẩm tham gia quảng bá, xúc tiến thương mại tại các tỉnh thành phố trong cả nước như Hà Nội, Quảng Bình và Ninh Bình…
Hiện nay, diện tích trồng dong toàn xã Yên Lạc là 15 ha. Ngoài ra, HTX tiếp tục đẩy mạnh công việc chế biến miến dong theo hướng hàng hóa, đầu tư công nghệ hiện đại trong sản xuất gắn liền với yếu tố bảo vệ môi trường.
Được biết, năm 2022, HTX Yên Lạc tiêu thụ trên 1500 tấn nguyên liệu củ dong riềng, đạt 30 tấn tinh bột, sản xuất ra gần 10 tấn sản phẩm là miến dong, tạo việc làm cho gần chục lao động địa phương với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Định hướng đến năm 2025, HTX sẽ mở rộng diện tích trồng dong riềng, phấn đấu đạt 20-30 tấn miến/năm.