Thời sự

Nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến ĐBQH để hoàn thiện các Nghị quyết có liên quan

Khương Trung - Trường Giang 01/06/2023 18:47

(TN&MT) - Chiều 1/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, ba Bộ trưởng Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương đã giải trình, làm rõ những nội dung về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022… mà các đại biểu Quốc hội quan tâm. 

Cơ chế giá cho các dự án năng lượng tái tạo là phù hợp với giá thế giới

Phát biểu làm rõ những ý kiến mà các ĐBQH qua tâm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cảm ơn các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước đã quan tâm, góp ý thẳng thắn, chân thành để ngành tiếp tục vươn lên thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào quá trình phục hồi, phát triển kinh tế của đất nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đã đặt ra.

010620230418-z4395730578604_237d3c78a38aafff9a2baba6920c340e.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Về phát triển năng lượng tái tạo và cơ chế xác định giá cho điện gió, điện mặt trời ở Việt Nam, Bộ trưởng cho biết, điện gió, điện mặt trời phát triển khá nhanh ở nước ta trong thời gian gần đây, do cơ chế, chính sách khuyến khích của nhà nước khá hấp dẫn. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn phát triển điện gió, điện mặt trời, tuy nhiên, có một số nghịch lý: nơi có tiềm năng về nắng và gió lại là nơi có phụ tải thấp, vì thế, muốn sử dụng hệ thống điện này phải đầu tư khá lớn cho truyền tải lưu trữ điện.

Mặt khác, để duy trì thường xuyên, an toàn hệ thống điện, phát huy hiệu quả năng lượng tái tạo, phải có một nguồn điện nền ổn định, để bù đắp khi không có nắng, có gió. Ở Việt Nam, điện than, điện dầu, điện khí sinh khối, thủy điện cũng được xem là điện nền. Bởi vậy, dù có đắt hơn, phát thải cacbon có nhiều hơn, trong ngắn hạn chúng ta chưa có nguồn, giải pháp khác thay thế, thì các nguồn điện truyền thống vẫn được duy trì để bảo đảm an toàn hệ thống điện.

Than, dầu khí là những nguyên liệu sơ cấp, được thị trường thế giới ấn định giá, những năm qua, do đứt gãy nguồn cung, giá cao dẫn đến giá điện cũng cao hơn nếu chưa tính đến phí truyền tải. Điện mặt trời không tốn tiền mua, giá thành chỉ phụ thuộc vào giá cả công nghệ, thiết bị, tuy nhiên, công nghệ thế giới phát triển nhanh, nên giá thành công nghệ giảm đi hàng năm, làm giá thành điện năng, năng lượng tái tạo chưa tính giá truyền tải và lưu trữ điện giảm theo thời gian. Về lâu dài, năng lượng tái tạo sẽ là nguồn rẻ nhất nếu chưa tính chi phí truyền tải, lưu trữ điện.

Về cơ chế tính giá năng lượng tái tạo, cơ sở pháp lý lcăn cứ vào luật Điện lực, luật Giá và các nghị định của Chính phủ. Bộ Công thương đã xây dựng khung giá được xác định trên cơ sở số liệu thống kê của các nhà máy điện mặt trời, điện gió, so sánh với số liệu của cơ quan năng lượng quốc tế, thực hiện đúng quy trình lấy ý kiến Bộ Tài chính, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Hội đồng tư vấn về kết quả thẩm định khung giá… Bộ trưởng khẳng định cơ chế giá cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp như khung giá hiện hành là phù hợp với giá thế giới và thực tiễn kinh tế xã hội trong nước.

Quyết tâm phấn đấu đạt 95% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công

Giải trình vấn đề đại biểu nêu về giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành của Quốc hội, đại biểu Quốc hội về vấn đề này. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng xác định đây là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng trong quá trình thực hiện để góp phần phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng rất quyết liệt chỉ đạo và ban hành 16 Nghị quyết, 6 Công điện, 2 Chỉ thị, tổ chức 4 hội nghị trực tuyến và duy trì 5 tổ công tác liên tục của Chính phủ và các Bộ trưởng đôn đốc công tác giải ngân.

010620230400-z4395732342681_fc6ef49406a40f469cb5cfd417bfb62c.jpg
Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tiếp Thu các ý kiến đóng góp của các ĐBQH

Các thành viên Chính phủ cũng trực tiếp làm việc với các địa phương để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn. Riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành 7 Công điện, 6 văn bản đôn đốc hướng dẫn và trực tiếp làm việc với rất nhiều địa phương để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn. Nhờ đó, tỷ lệ giải ngân của các năm gần đây đã có tiến bộ rất tích cực. Tinh thần chung, Thủ tướng Chính phủ vẫn chỉ đạo quyết tâm phấn đấu đạt 95% kế hoạch.

Về các giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã nhận diện những tồn tại, hạn chế trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt, giải phóng mặt bằng chậm, thời gian điều chỉnh dự án lâu, điều chỉnh nhiều lần; năng lực của Ban quản lý dự án, năng lực nhà thầu cũng như trách nhiệm và sự vào cuộc của người đứng đầu còn hạn chế.

Riêng năm 2023 chỉ có một số đặc thù, đó là quy mô vốn đầu tư công năm 2023 lớn hơn các năm (710.000 tỉ đồng, cao hơn khoảng 23%); các yếu tố phát sinh về giá, nguyên nhiên vật liệu đầu vào trực tiếp ảnh hưởng đến xây dựng; tình trạng một số bộ phận cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, làm cho các thủ tục kéo dài...

Để đẩy nhanh vấn đề này, Bộ trưởng nêu một số giải pháp như rà soát lại quy định pháp luật, trong đó có Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn, khâu nào có thể đẩy nhanh và rút ngắn, sẽ kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; đẩy mạnh hoạt động của các tổ công tác; đẩy nhanh tiến độ công việc liên quan đến kiểm đếm, giải phóng mặt bằng; kịp thời rà soát, điều chuyển vốn dự án triển khai chậm sang dự án triển khai nhanh; điều chuyển cán bộ có tâm lý né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Bộ trưởng cũng đề nghị đại biểu Quốc hội tăng cường công tác giám sát tại địa phương mình, ngành mình, giúp Chính phủ trong thời gian tới.

Phải tổng hợp hết những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn để hóa giải được những nút thắt

010620230409-z4395767221116_b2f9483c4fe05b0cc642d9d65a3f1714.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Liên quan đến đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết phương án trình đã được Ủy ban Tài chính – Ngân sách thẩm tra và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp này. Trước ý kiến một số đại biểu đề nghị kéo dài thời gian thực hiện chính sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết thêm Nghị quyết 43 chỉ có hiệu lực cho đến hết năm nay, nhất là 6 tháng nữa. Phương án trình phù hợp với cân đối cân đối ngân sách và mục tiêu chính sách nhằm kích cầu tiêu dùng và giải quyết khó khăn một cách tức thời, tức là trong giai đoạn hiện nay.

Liên quan đến đề xuất đưa ô tô vào diện được giảm thuế VAT 2%, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, ô tô là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, không thuộc phạm vi của Nghị quyết 43. Ô tô không nằm trong diện được giảm thuế là do chính sách này tập trung giảm thuế cho những lĩnh vực thiết yếu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, vấn đề là phải làm mọi cách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tăng cường năng lực của doanh nghiệp, tăng năng lực của nền kinh tế. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả bằng việc tháo gỡ những vướng mắc, tháo gỡ những khó khăn tạo ra một thị trường tốt hơn sẽ có tác dụng lớn hơn việc giảm thuế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng có báo cáo làm rõ về việc triển khai các dự án ODA của 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, theo đó, Bộ đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ để thực hiện theo tiêu chí của Nghị quyết 41 và hướng tạo cơ chế hỗ trợ cao nhất cho các địa phương.

Về quyết toán ngân sách, trước ý kiến của một số đại biểu về giao vốn chậm bổ sung nhiều lần chuẩn bị đầu tư dài, chuyển nguồn lớn…Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng cần tư duy thiết kế lại Luật Đầu tư công nếu không năm nào cũng sẽ có chung nhận định giải ngân chậm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho rằng hiện nay công tác chuẩn bị đầu tư quá lâu, từ khi có chủ trương đầu tư rồi phê duyệt dự án, thiết kế, phê duyệt thiết kế, tổng dự toán, lập hồ sơ mời thầu, tiến hành đấu thầu, đến đền bù giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, phần thi công xây lắp và phần quyết toán lại nhanh. Do đó, Bộ trưởng đề nghị Quốc hội ủng hộ để thiết kế lại. Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho rằng cần phải phân cấp mạnh mẽ khi đó các địa phương mới hăng hái nhận triển khai dự án từ vốn ODA. Liên quan đến vốn thường xuyên, sau khi có Nghị quyết của Quốc hội thì Bộ đã phân bổ hết cho các tỉnh/thành phố; phân bổ trọn 1 lần.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đề nghị hoàn thiện pháp luật ở một số lĩnh vực như đầu tư công hay ngân sách phải linh hoạt hơn, chủ động hơn. Theo đó có thể giao cho Thủ tướng Chính phủ quyết định các danh mục đầu tư, phân cấp về vấn đề rừng, đất, tách phần đền bù giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án, sử dụng dự phòng đầu tư công, dùng ngân sách cấp này để chi cho ngân sách cấp khác…

Liên quan đến tồn dư ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ số tiền này đã được bố trí nhiệm vụ chi và đã có trong dự toán ngân sách được Hội đồng nhân dân tỉnh và Quốc hội phê chuẩn. Vì vậy cho nên không thể lấy nguồn này để chi cho các nhiệm vụ chi khác. Hiến pháp đã quy định là các khoản chi đều phải nằm trong dự toán. Do đó, muốn thay đổi cơ cấu chi này phải trình lại với Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đây là nguồn tạm thời nhàn rỗi do vốn đầu tư công, vốn chương trình mục tiêu quốc gia chưa giải ngân được nên nằm đó, ngoài ra còn có tiền tích lũy quỹ tiền lương …Lý giải tại sao nguồn tồn dư ngân sách không gửi vào ngân hàng thương mại mà gửi vào Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết điều này để bảo đảm an toàn, tránh rủi ro và gửi ngắn hạn.

Về vấn đề mua sắm tập trung, mua sắm phương tiện, sử dụng kinh phí thường xuyên để chi cho mua sắm, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận đúng như ý kiến của đại biểu Quốc hội phản ánh vấn đề hiện khó khăn.

Về hoàn thiện pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết Chính phủ vừa qua rất là nỗ lực trong vấn đề hoàn thiện pháp luật. Trong năm 2022, Chính phủ ban hành 103 nghị định, trong đấy Bộ Tài chính chúng tôi chiếm khoảng 33%. Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ ban hành 34 Nghị định và 77 Thông tư. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng muốn giải quyết các nút thắt phải tập trung hoàn thiện pháp luật, dùng một luật để sửa nhiều luật, dùng một nghị định để sửa nhiều nghị định, nhưng phải tổng hợp hết những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn để hóa giải được những nút thắt. Như vậy mới tạo được sự phát triển kinh tế, cộng với các giải pháp đồng bộ khác nữa, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ.

010620230445-z4395784322904_6caacc399f64ec3e50af9abb2af8d9cb.jpg

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong phiên thảo luận đã có 19 đại biểu phát biểu, còn 17 đại biểu đăng ký nhưng chưa phát biểu, đề nghị gửi văn bản đến ban thư ký để tổng hợp ý kiến. Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, đa số ý kiến nhất trí với việc đánh giá kết quả thực hiện chính sách tài khóa, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, nhất trí về sự cần thiết tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%, giao danh mục mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, giao điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của Chương trình mục tiêu quốc gia.

Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến xác đáng, cần nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết có liên quan. Ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại hội trường, các ý kiến thảo luận tại tổ để xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình, hoàn chỉnh các dự thảo Nghị quyết, đưa các nội dung quan trọng về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, giảm thuế giá trị gia tăng vào Nghị quyết chung của Kỳ họp để xem xét, thông qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến ĐBQH để hoàn thiện các Nghị quyết có liên quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO