Nghị sỹ trẻ thảo luận về quản trị nguồn nước

29/03/2015 00:00

(TN&MT) - Ngày 29/3, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) đã diễn ra Diễn đàn Nghị sỹ trẻ trong khuôn khổ các hoạt động của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132). Tại đây, các nghị sỹ trẻ đã nhấn mạnh đến hai vấn đề nóng của toàn cầu hiện nay là Chiến tranh mạng và An ninh nguồn nước.

Phát biểu mở đầu, Chủ tịch Diễn đàn Nghị sỹ trẻ F.Al-Tenaiji, Nghị sỹ Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất, nhấn mạnh đây là cơ hội để các nghị sỹ trẻ trao đổi kinh nghiệm, trình bày quan điểm của mình và của giới trẻ liên quan đến hai chủ đề chính là “Chiến tranh mạng: Sự đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình và an ninh thế giới” và “Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của nghị viện về vấn đề nước”.

Cần hoàn thiện luật pháp quốc tế trong quản trị nguồn nước

Đoàn nghị sĩ trẻ Việt Nam do ông Nguyễn Đắc Vinh làm chủ tịch đã trình bày quan điểm về vấn đề này. Trong đó, ông Vinh khẳng định, nước là nguồn tài nguyên quý giá. Việc quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước cần có sự hợp tác liên vùng, liên lục địa và trên toàn thế giới. Vì thế, Quốc hội cần có vai trò thúc đẩy hành động trong việc bảo vệ nguồn nước.

Các nghị sỹ trẻ tại phiên thảo luận
Các nghị sỹ trẻ tại phiên thảo luận

Thảo luận về vấn đề an ninh nguồn nước, các đại biểu cho rằng, đây là một trong những thách thức lớn đối với nhiều quốc gia, nhất là các nước châu Phi nơi nhiều trẻ em phải bỏ học hoặc bị xâm hại tình dục do phải đi lấy nước xa nhà. 

Theo các đại biểu, trong bối cảnh dân số thế giới tiếp tục tăng, hiện tượng biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, các nước không ngừng thúc đẩy phát triển kinh tế, các hoạt động khai thác dầu mỏ và dịch bệnh vẫn diễn ra…, việc đảm bảo an ninh nguồn nước càng đặt ra là một nhu cầu bức thiết. Các đại biểu đề xuất cần phải tạo ra cơ chế quản trị tốt, tăng cường phối hợp giữa chính phủ và nghị viện và nâng cao nhận thức của giới trẻ trong vấn đề an ninh nguồn nước.

Về chủ đề “Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước”, Việt Nam kiến nghị các nghị viện thành viên IPU hoàn thiện luật pháp, phân bổ ngân sách thỏa đáng, có các chính sách khuyến khích quản lý và sử dụng nguồn nước theo hướng bền vững. Ngoài ra, cần mở rộng và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong chia sẻ và tăng trữ lượng nguồn nước xuyên quốc gia, đồng thời thúc đẩy cơ chế đối thoại giữa các nghị viện để tạo ra khuôn khổ pháp lý quốc tế cho việc quản lý nguồn nước và nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng trong việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước.

Việc đại biểu quốc hội thảo luận về nghị quyết về định hình cơ chế mới trong quản trị nước là nhằm mục đích xây dựng cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng thúc đẩy sự hợp tác hành động của nghị viện các nước trong việc cùng nhau bảo đảm thực hiện quyền con người về nước và vệ sinh được Đại hội đồng lien hợp quốc thông qua vào năm 2010. Dự kiến, vào ngày 31/3 tới, Ủy ban thường trực về phát triển bền vững, tài chính và thương mại của IPU sẽ thông qua dự thảo Nghị quyết về vấn đề này.

Chiến tranh mạng – vấn đề quan trọng trong bối cảnh hội nhập toàn cầu

Về vấn đề chiến tranh mạng, hầu hết các ý kiến đều cho rằng đây là chủ đề quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và bùng nổ kỷ nguyên kỹ thuật số với nhiều công nghệ thông minh. 

Theo các đại biểu, hiện nay mỗi cá nhân, mỗi chính phủ có những cách hiểu khác nhau về chiến tranh mạng, nên điều đầu tiên là phải nhanh chóng đưa ra định nghĩa chung toàn cầu về khái niệm chiến tranh mạng, tội phạm mạng, đồng thời làm rõ nhận thức về những nguy hiểm tiềm ẩn từ hai loại hình tội phạm này, cũng như về tầm quan trọng của việc ngăn chặn chiến tranh mạng, tội phạm mạng.

Theo các đại biểu, với sự kết nối Internet và bùng nổ các công nghệ hiện đại, chiến tranh mạng và tội phạm mạng tác động đến mọi chính phủ, tổ chức và người dân. Trong đó, giới trẻ là những người dễ bị tác động và ảnh hưởng nhất. 

Để bảo vệ giới trẻ trước những tác động không mong muốn trong khi vẫn phát huy được mặt tích cực từ kỷ nguyên công nghệ số, các đại biểu đề xuất một số giải pháp thiết thực như lập bộ quy tắc ứng xử trên mạng, ban hành luật về tội phạm mạng, tăng cường tập huấn phòng ngự an ninh mạng, tăng cường năng lực kiểm soát cho các phụ huynh, nâng cao giáo dục trách nhiệm cho giới trẻ và quan tâm, chăm sóc họ nhiều hơn…

Các đại biểu cho rằng, cần thiết phải có sự kết nối giữa Chính phủ các nước, người dân trên toàn thế giới để đối phó với những cuộc tấn công mạng đang là nguy cơ đe dọa đến hòa bình và an ninh thế giới, trong đó, vai trò của các nghị sĩ trẻ là rất quan trọng.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, những hậu quả từ mặt trái của vấn đề an ninh mạng được dự báo sẽ nguy hiểm hơn nhiều so với các cuộc chiến tranh thông thường, do không gian mạng không có giới hạn, các cuộc tấn công khó được nhận biết và có thể được tiến hành bởi bất kỳ người nào từ bất kỳ đâu trên thế giới. 

Trong những năm gần đây, nhiều trang mạng và cổng điện tử đã trở thành mục tiêu tấn công thường xuyên của tin tặc. Để đối phó hiệu quả với các cuộc chiến tranh mạng, ông Nguyễn Đắc Vinh khuyến nghị IPU nên đưa ra tuyên bố chung kêu gọi tất cả các quốc gia không tiến hành chiến tranh mạng nhằm vào nhau dưới bất kỳ hình thức nào, đề nghị Liên hợp quốc nhanh chóng xây dựng Hiệp ước quốc tế về an toàn và an ninh mạng, yêu cầu các quốc gia thành viên IPU tăng cường hợp tác an ninh mạng và xây dựng năng lực quốc gia về an ninh thông tin.

PV (th)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghị sỹ trẻ thảo luận về quản trị nguồn nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO