Chuyển mình lịch sử
Ngày 22/4/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 933/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập thị xã Nghi Sơn và các phường thuộc thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Thị xã Nghi Sơn được thành lập trên cơ sở nguyên trạng 455,61km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 307.304 người của huyện Tĩnh Gia. Thị xã Nghi Sơn có 31 đơn vị hành chính trực thuộc với 16 phường và 15 xã ngoại thị.
Sau hơn 1 năm “chuyển mình” từ huyện lên thị xã, dù trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Nghi Sơn vẫn gặt hái được nhiều kết quả đáng khích lệ, là tiền đề để hướng tới mục tiêu xây dựng thị xã Nghi Sơn - khu kinh tế Nghi Sơn trở thành bàn đạp phát triển kinh tế - đô thị của tỉnh Thanh Hóa và vùng kinh tế Bắc Bộ.
Nền tảng để thị xã Nghi Sơn “cất cánh” và chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt là sự bứt tốc vào những tháng cuối năm 2021 được minh chứng bởi những con số “biết nói” trong 9 tháng đầu năm 2021. Cụ thể, tốc độ tăng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt 16,9% (trong đó: nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,7%; công nghiệp - xây dựng tăng 18,19%; dịch vụ tăng 7,4%). Tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,3%; công nghiệp - xây dựng chiếm 91,3%; ngành dịch vụ chiếm 6,4%.
Sản xuất công nghiệp và xây dựng duy trì tốc độ tăng trưởng 18,1%; Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 56.055 tỷ đồng, tăng 19,1% so với cùng kỳ. Trên địa bàn thị xã có 152 dự án đầu tư công do thị xã và các xã, phường làm chủ đầu tư đang triển khai thực hiện, trong đó, có 42 dự án chuyển tiếp, 110 dự án xây dựng mới; Giá trị đầu tư xây dựng thực hiện được 686,3 tỷ đồng, đạt 55% kế hoạch, tăng 96% so với cùng kỳ.
Công tác quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường được quan tâm chỉ đạo. Đã ban hành Kế hoạch cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2021; hoàn thành Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2021 trình UBND tỉnh phê duyệt. Tiếp nhận 3.389 hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giải quyết 2.629 trường hợp, đạt 77,6%. Xác định giá khởi điểm và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất các mặt bằng khu dân cư tại 8 xã, phường. Tích cực, chủ động kiểm tra, xử lý các vi phạm về tài nguyên, khoáng sản. Thẩm định kế hoạch bảo vệ môi trường đối với 10 dự án; tham gia Hội đồng Báo cáo đánh giá tác động môi trường, cải tạo phục hồi môi trường đối với 25 dự án. Thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt bằng 93% khối lượng phát sinh trên địa bàn toàn thị xã, đạt 64,86% so với kế hoạch năm.
Có thể thấy, năm 2021 là năm nhiều biến động, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, tuy nhiên, với mức tăng trưởng kinh tế trên, thị xã Nghi Sơn đã góp phần quan trọng đưa tỉnh Thanh Hóa lên vị trí thứ 5/63 tỉnh, thành phố về tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm.
Hướng tới “Thành phố công nghiệp xanh”
Thành phố công nghiệp xanh là một phần phát triển tất yếu của nền kinh tế xanh. Kinh tế xanh hiện đang là xu thế phát triển của nhiều quốc gia và địa phương trong nước với sự kết hợp giữa 3 yếu tố: kinh tế - xã hội - môi trường nhằm cải thiện đời sống con người và tài sản xã hội, chú trọng giảm thiểu hiểm họa môi trường và sự khan hiếm tài nguyên, hướng tới phát triển bền vững.
Sau hơn 10 năm tìm hiểu và chuyển mục tiêu phát triển theo hướng kinh tế xanh, thị xã Nghi Sơn đã chuyển mình mạnh mẽ, hướng tới trở thành vùng đất đô thị động lực, đa ngành, đa lĩnh vực, với trọng tâm là công nghiệp nặng, khai thác cảng biển, dịch vụ, du lịch đồng bộ và hiện đại, hướng tới xây dựng đô thị thông minh - xanh - bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Thị xã đã hoàn thành hồ sơ trình UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch sử dụng đất. Hiện đang tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác xét nguồn gốc, thu hồi đất bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường; kịp thời kiểm tra, ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản không phép, trái phép, các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Đầu năm 2022, UBND thị xã Nghi Sơn đã tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch phân khu xây dựng Khu đô thị số 10 thuộc Khu Kinh tế Nghi Sơn, bao gồm một phần địa giới hành chính phường Hải Ninh và phường Hải Châu - khu đô thị cửa ngõ phía Bắc thị xã với chức năng là Trung tâm kinh tế, xã hội, dịch vụ thương mại, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản. Đặc biệt, trong quy hoạch phân khu đã chú trọng không gian văn hóa - thể thao, công viên cây xanh, xử lý chất thải rắn và vệ sinh môi trường.
Xác định năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), thị xã Nghi Sơn đã đề ra 29 chỉ tiêu, trọng tâm là tốc độ tăng giá trị sản xuất với phương châm hành động “Đoàn kết - Kỷ cương - Trách nhiệm - Sáng tạo” đồng thời với kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, chú trọng chỉ đạo thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành của các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, phường; nâng cao chất lượng các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, tạo môi trường ổn định, an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội.
Với định hướng đến năm 2035 trở thành “Thành phố công nghiệp xanh”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Nghi Sơn đã đặt ra các mục tiêu phát triển kinh tế xanh, phát triển kinh tế bền vững song song với công tác bảo đảm môi trường. Trong đó, chú trọng tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch đô thị, trật tự xây dựng; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch các phân khu đô thị đảm bảo kế hoạch đề ra.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn, thời gian tới, thị xã sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để các doanh nghiệp khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh thích ứng trong điều kiện dịch bệnh Covid-19. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị. Tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Xây dựng thị xã Nghi Sơn - Khu kinh tế Nghi Sơn đến năm 2025 trở thành trung tâm kinh tế, đô thị động lực của tỉnh và khu vực.