Nghị định thư Nagoya: Cơ hội mới cho việc bảo tồn nguồn gen ở Việt Nam

26/06/2014 00:00

(TN&MT) - Giữ gìn nguồn gen quý là trách nhiệm của cộng đồng, nhưng trách nhiệm lớn hơn là phát triển và đưa vào sử dụng những nguồn gen phục vụ cuộc sống một...

(TN&MT) - Giữ gìn nguồn gen quý là trách nhiệm chung của cộng đồng, nhưng trách nhiệm lớn hơn là phát triển và đưa vào sử dụng những nguồn gen phục vụ cuộc sống một cách hợp lý. Đó mới thực sự là bảo vệ các nguồn gen quý một cách lâu dài.
   
Nghiên cứu phát triển nguồn gen.
   
Cơ hội mới
   
  Nghị Quyết số 17/NQ-CP do Thủ tướng Chính phủ ký và ban hành tháng 3/2014 vừa qua, đã đưa ra quyết nghị đồng ý để Việt Nam gia nhập Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen trong khuôn khổ Công ước Đa dạng sinh học. Đây được xem là cơ hội mới để bảo tồn nguồn đa dạng sinh học đồng thời góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của cộng đồng địa phương.
   
  Đánh giá của Cục Bảo tồn và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường – Bộ TN&MT) Việt Nam đã mất rất nhiều nguồn gen mang tính đặc hữu cũng như nhiều cây thuốc quý. Vì vậy, việc tham gia Nghị định thư Nagoya sẽ góp phần thúc đẩy Việt Nam tham gia tích cực vào thị trường nguồn gen trên toàn cầu. Quan trọng hơn, Nghị định thư Nagoya là cơ sở pháp lý vững chắc để Việt Nam có thể cung cấp nguồn gen một cách chính thống trên thị trường thế giới.
   
  Nghị định Nagoya với 36 điều nhằm chia sẻ công bằng và hợp lý lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen, bao gồm việc tiếp cận nguồn gen một cách phù hợp và chuyển giao các công nghệ liên quan một cách hợp lý, có xét đến các quyền đối với nguồn tài nguyên và công nghệ thông qua các khoản tài trợ phù hợp và từ đó sẽ đóng góp vào việc bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng bền vững các thành phần của đa dạng sinh học.
   
  Để tuân thủ các quy định, cũng như đảm bảo việc triển khai thực hiện Nghị định thư Nagoya tại Việt Nam, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì trong việc rà soát, đánh giá việc hợp tác với các tổ chức, cá nhân nước ngoài trong tiếp cận nguồn gen tại Việt Nam giai đoạn 2000 - 2013; xây dựng đề án "Tăng cường năng lực về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen" năm 2014; xây dựng Nghị định quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen năm 2015.
   
Thách thức mới
   
  Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã xây dựng khung pháp lý tương đối đầy đủ, với nhiều bộ luật về quản lý tài nguyên thiên nhiên liên quan tới vấn đề bảo tồn nguồn gen như Luật Thủy sản (2003), Luật Bảo vệ và phát triển rừng (2004), Luật Bảo vệ môi trường (2005), Luật Tài nguyên nước (2012), và đặc biệt là Luật Đa dạng sinh học (2008).
   
  Theo đánh giá của các chuyên gia, nội dung tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích trong Luật ĐDSH 2008 và Nghị định 65/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ĐDSH đã thể hiện tương đối đầy đủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Đây là một nỗ lực lớn đối với quá trình hội nhập quốc tế, trong bối cảnh các bên vẫn đang trong quá trình thương lượng và hoàn thiện pháp luật điều chỉnh.
   
  Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận thực tế, việc tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích còn là lĩnh vực mới mẻ ở Việt Nam, về phía người sử dụng, nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp, viện nghiên cứu về giá trị thực của chia sẻ lợi ích công bằng và hợp lý, về tiếp cận thị trường còn hạn chế. Phần lớn người cung cấp nguồn gen không ý thức được giá trị nguồn gen do mình cung cấp sẽ được hưởng việc chia sẻ lợi ích công bằng và hợp lý. Chính vì những hạn chế về nhận thức, mà nguồn gen ngày càng bị khai thác cạn kiệt, một số nguồn gen đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
   
  Trong khi đó, Việt Nam là một trong những trung tâm có nguồn gen cây trồng và vật nuôi đa dạng của thế giới gồm 49.200 loài sinh vật với khoảng 7.500 loài/chủng vi sinh vật; 20.000 loài thực vật trên cạn và dước nước; 10.500 loài động vật trên cạn; 2.000 loài động vật không xương sống và cá ở nước ngọt; khoảng trên 11.000 loài sinh vật biển. Đây chính là những nguồn gen bản địa quý của đất nước cần phải bảo vệ, giữ gìn và phát triển.
   
  Tuy vậy, nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen được phân công cho nhiều Bộ, ngành, trong khi nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ trên còn rất hạn chế. Theo báo cáo của Bộ KH&CN, từ những năm 2009 tới 2011, tổng kinh phí hàng năm giao cho các Bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ về quỹ gen chỉ khoảng 20 tỷ đồng, từ năm 2012 đến nay mới đạt xấp xỉ 35 tỷ đồng. Với nguồn kinh phí còn hạn hẹp, công tác bảo tồn nguồn gen ở Việt Nam chủ yếu là bảo tồn tại chỗ trong điều kiện tự nhiên nơi phát sinh nguồn gen.
   
  Các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam cần thiết phải hoàn tất việc kiểm tra, kiểm kê tình hình phân bố của các nguồn gen cây trồng, vật nuôi trên toàn quốc, xác định đối tượng ưu tiên cần thu thập, bảo tồn; lưu giữ, bảo quản an toàn và nguyên trạng… có như vậy mới góp phần bảo tồn, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên sinh học của quốc gia.
   
Phương Anh
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghị định thư Nagoya: Cơ hội mới cho việc bảo tồn nguồn gen ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO